Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng mua bán không?

Công ty A có ký Hợp đồng mua bán hàng hóa thiết bị với Công ty B. Vì dịch Covid-19 đang diễn ra nên công ty A không thể thanh toán đủ số tiền theo thỏa thuận hợp đồng. Vậy công ty A có thể hủy bỏ hợp đồng hay không? Trường hợp của công ty A có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không?

Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng

Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng mua bán không? (Ảnh minh hoạ)

Về vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:

1. Quy định của pháp luật về sự kiện bất khả kháng

Căn cứ khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Theo quy định trên có thể hiểu một sự kiện được xem là bất khả kháng khi đủ 03 điều kiện sau:

  • Sự kiện xảy ra một cách khách quan: Sự kiện này có thể là sự kiện tự nhiên như: thiên tai (lũ lụt, hạn hán, sóng thần,…), chiến tranh , dịch bệnh hay cũng thể là do con người gây ra như đình công, đảo chính, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ,…;

  • Sự kiện không thể lường trước được là sự kiện xảy ra hoàn toàn độc lập, không theo ý chí của các bên và hoàn toàn không nghĩ có thể xảy ra. Sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến khi xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng;

  • Sự kiện không thể khắc phục được là sự kiện mà hậu quả của sự kiện xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Bên cạnh đó, theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020 Thủ tướng chính phủ đã công bố Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì dịch Covid-19 là sự kiện xảy ra một cách khách quan và không thể lường trước được. Tuy nhiên, để được xem là sự kiện bất khả kháng thì cần thỏa mãn yếu tố không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Do đó, trường hợp của công ty A để có thể được xem là sự kiện bất khả kháng thì công ty A cần phải chứng minh mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không khắc phục được hậu quả do Covid-19.

2. Hủy hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng có bị bồi thường hợp đồng hay không?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 584 BLDS 2015, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng.

Đồng thời, Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm như sau:

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

  • Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

  • Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

  • Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

  • Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Như vậy, theo căn cứ trên, Công ty A có thể được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng và không phải bồi thường. Tuy nhiên Công ty A phải thông báo bằng văn bản cho Công ty B biết sự kiện bất khả kháng xảy ra gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng và Công ty A phải có nghĩa vụ chứng minh mình đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để khắc phục nhưng không khắc phục được.

Ty Na

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1993 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;