Hướng dẫn thủ tục đánh giá công chức, viên chức từ ngày 20/8/2020

Từ ngày 20/8/2020 sẽ có nhiều quy định mới liên quan đến công chức, viên chức. Đặc biệt là quy định về đánh giá công chức, viên chức. Dưới đây là toàn bộ hướng dẫn thủ tục đánh giá công chức, viên chức từ ngày 20/8/2020.

Công chức, viên chức

Hướng dẫn thủ tục đánh giá công chức, viên chức từ ngày 20/8/2020 (Ảnh minh họa)

Tải về: Mẫu số 02 - Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng công chức

Tải về: Mẫu số 03 - Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức

1. Đánh giá, xếp loại chất lượng công chức

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ quy định 04 bước đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, cụ thể như sau:

Bước 1: Công chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mẫu số 02 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Bước 2: Nhận xét, đánh giá công chức

Tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác sẽ tổ chức cuộc họp để nhận xét, đánh giá đối với công chức.

Thành phần tham dự cuộc họp: Toàn thể công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc toàn thể công chức của đơn vị cấu thành nơi công chức công tác trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có đơn vị cấu thành.

Riêng đối với công chức là cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có đơn vị cấu thành thì thành phần bao gồm: Tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp và người đứng đầu các đơn vị cấu thành; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản.

Tại cuộc họp, công chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua.

Bước 3: Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng công chức

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với công chức.

Riêng đối với công chức là cấp phó của người đứng đầu thì phải lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác. Sau đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ ý kiến nhận xét, đánh giá và tài liệu liên quan (nếu có) để quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng.

Bước 4: Thông báo bằng văn bản

Cấp có thẩm quyền đánh giá thông báo bằng văn bản cho công chức và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.

2. Đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ quy định 05 bước đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức, cụ thể như sau:

Bước 1: Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Bước 2: Nhận xét, đánh giá viên chức

Tại đơn vị nơi viên chức công tác tổ chức cuộc họp tđể nhận xét, đánh giá đối với viên chức.

Thành phần tham dự cuộc họp: Toàn thể viên chức của đơn vị hoặc toàn thể viên chức của đơn vị cấu thành nơi viên chức công tác trong trường hợp đơn vị có đơn vị cấu thành.

Tại cuộc họp: Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua.

Bước 3: Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức

Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với viên chức.

Bước 4: Thông báo bằng văn bản

Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức thông báo bằng văn bản cho viên chức và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.

Lưu ý: Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo từng năm công tác. Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức.

Nhìn chung, quy trình đánh giá công chức và viên chức tương đối giống nhau. Về cơ bản công chức, viên chức đều phải tự đánh giá xếp loại chất lượng của mình về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật,… cũng như kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Dựa trên cơ sở tự đánh giá kết hợp với ý kiến tại cơ quan, đơn vị đang làm việc, người có thẩm quyền sẽ ra thông báo bằng văn bản, đồng thời công khai kết quả đánh giá công chức, viên chức tại đơn vị công tác.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1659 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;