Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014: Nhiều quy định mới được bổ sung

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2014, gồm 6 chương, 101 điều. Luật tiếp tục khẳng định rõ hơn vị trí của Viện kiểm sát nhân dân là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời có nhiều nội dung mới so với Luật hiện hành.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 khẳng định rõ hơn vị trí của Viện kiểm sát nhân dân là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân được xác định là thiết chế kiểm sát hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp, đồng thời kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên đối với Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan thi hành án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo cho hoạt động tư pháp được thực hiện đúng pháp luật, mọi vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã mở rộng thẩm quyền của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm. Theo Luật hiện hành, cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra VKS quân sự trung ương chỉ điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra VKS quân sự trung ương không chỉ điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà còn điều tra các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, VKS, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 cũng đã phân định rõ các trường hợp Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị hoặc quyền kiến nghị. Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị trong trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị trong trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng hoặc khi phát hiện cơ quan, tổ chức hữu quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý. Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả khi Viện kiểm sát nhân dân thực hiện các quyền này trên thực tế.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã làm rõ hơn nguyên tắc "tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành" và làm rõ nội dung "khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân" theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã làm rõ mối quan hệ giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới và ngược lại thông qua các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Đồng thời, làm rõ thêm quy định của Hiến pháp: "Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân" như sau: Kiểm sát viên phải chấp hành quyết định của Viện trưởng VKS. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì KSV có quyền từ chối nhiệm vụ được giao và phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng; trường hợp Viện trưởng vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và KSV phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng VKS cấp trên có thẩm quyền. Viện trưởng đã quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định Viện kiểm sát 4 cấp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Trong đó, Viện kiểm sát cấp cao là cấp kiểm sát mới, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp cao; cơ cấu của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm có Uỷ ban kiểm sát, văn phòng, các viện và đơn vị tương đương. Về tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có Văn Phòng và các phòng, những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì tổ chức các bộ phận và bộ máy giúp việc. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 bổ sung thẩm quyền cho Uỷ ban kiểm sát xét tuyển người có đủ điều kiện dự thi vào các ngạch Kiểm sát viên; đối với các vụ án, vụ việc, Uỷ ban kiểm sát chỉ có vai trò tư vấn theo đề nghị của Viện trưởng; Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 cũng quy định rõ, khi quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, Uỷ ban kiểm sát phải ban hành nghị quyết. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì vẫn phải thực hiện theo ý kiến của đa số, mà không có quyền báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Ở các Viện kiểm sát khác, trong trường hợp Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì phải thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 tiếp tục quy định UBKS có quyền quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của VKSND. Riêng đối với các vụ án, vụ việc, UBKS chỉ có vai trò tư vấn theo đề nghị của Viện trưởng. Luật năm 2014 còn bổ sung thẩm quyền cho UBKS xét tuyển người có đủ điều kiện dự thi vào các ngạch KSV, đồng thời cũng quy định rõ khi quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, UBKS phải ban hành nghị quyết.

Theo Luật tổ chức VKSND năm 2014, có 4 ngạch Kiểm sát viên (Kiểm sát viên VKSTC, Kiểm sát viên Cao cấp, Kiểm sát viên Trung cấp và Kiểm sát viên Sơ cấp); về số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao quy định không quá 19 người; về cơ chế tuyển chọn Kiểm sát viên, Luật tổ chức VKSND năm 2014 áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp và sơ cấp. Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định Kiểm tra viên là chức danh tư pháp được bổ nhiệm để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Viện trưởng.

Về bảo đảm hoạt động của VKSND, Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định rõ trong trường hợp Chính phủ và VKSND tối cao không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của VKSND thì Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định.

Về cơ chế giám sát đối với VKSND, Luật hiện hành quy định giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân với VKSND, giám sát của nhân dân với Kiểm sát viên. Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định cơ chế giám sát trở lại của Cơ quan điều tra, Toà án, Cơ quan thi hành án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Đây là việc thể chế hoá tư tưởng kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp năm 2013; quy định rõ các thiết chế giám sát bằng hình thức dân chủ đại diện gồm có Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định cơ chế giám sát thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức chính trị- xã hội.

Nguồn: sonla.gov.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1631 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;