Muốn học liên thông lên đại học bắt buộc phải nắm rõ những quy định này

Nhằm hỗ trợ Quý Khách hàng và Thành viên nắm được các quy định hiện nay về việc học liên thông lên Đại học, Thư Ký Luật xin tổng hợp một số quy định quan trọng tại bài viết dưới đây.

Muốn học liên thông lên đại học bắt buộc phải nắm rõ những quy định này - Ảnh minh họa

1. Vẫn được đào tạo liên thông lên đại học có chuyên môn khác với chuyên môn tại trung cấp, cao đẳng

Đây là nội dung nhiều người bị nhầm lẫn khi muốn học liên thông lên trình độ đại học. Theo quy định về điều kiện của người dự tuyển liên thông tại Điều 4 Quyết định 18/2017/QĐ-TTg thì:

Người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo.

Như vậy, không đòi hỏi người học liên thông bắt buộc phải có bằng trung cấp, cao đẳng với đúng chuyên ngành muốn học liên thông tại đại học, nếu khác chuyên môn chỉ cần đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo là có thể tham dự học liên thông.

Ngoài điều kiện trên, Điều 4 cũng nêu cụ thể người muốn học liên thông phải đảm bảo có một trong các văn bằng:

  • Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo trong nước cấp. Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo;

  • Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

  • Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, người đăng ký dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng khối ngành sức khỏe, trong đó người có bằng tốt nghiệp Y sĩ được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Răng Hàm Mặt; người có bằng trung cấp Dược hoặc cao đẳng Dược đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học ngành Dược.

2. Thời gian tuyển sinh liên thông hằng năm

Cơ sở pháp lý: Điều 6 Quyết định 18/2017/QĐ-TTg.

- Đối với đối tượng có bằng trung cấp:

Dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.

- Đối với đối tượng có bằng cao đẳng:

Được dự tuyển sinh liên thông theo các hình thức do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định, cụ thể:

+ Dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.

+ Dự thi tuyển sinh liên thông riêng do cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển sinh liên thông riêng bao gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề.

Lưu ý: Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, chỉ áp dụng thi tuyển sinh liên thông riêng đối với người đã có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với điểm mỗi môn thi phải đạt từ 05 (năm) điểm trở lên theo thang điểm 10.

3. Có 2 hình thức đào tạo liên thông

Hiện nay, có 02 hình thức đào tạo liên thông đại học là đào tạo chính quy và đào tạo vừa làm vừa học. Trong đó:

  • Chương trình đào tạo liên thông trình độ đại học hình thức chính quy là chương trình đào tạo trình độ đại học chính quy đang áp dụng tại cơ sở giáo dục đại học.

  • Chương trình đào tạo liên thông trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học là chương trình đào tạo trình độ đại học vừa làm vừa học đang áp dụng tại cơ sở giáo dục đại học.

4. Người học liên thông được chuyển đổi và miễn trừ một số nội dung trong chương trình đào tạo

Người học liên thông sẽ được chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông.

Việc chuyển đổi và miễn trừ thực hiện như sau:

- Trên cơ sở đối chiếu, so sánh về chuẩn đầu ra, nội dung chương trình đào tạo, khối lượng học tập, phương pháp đánh giá và kết quả học tập của người học ở chương trình đào tạo trình độ trung cấp hoặc trình độ cao đẳng với chương trình đào tạo đại học hiện hành của cơ sở giáo dục đại học Thủ trưởng cơ sở giáo dục  ra quyết định công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ.

- Cơ sở giáo dục đại học công bố công khai tiêu chí, quy trình và kết quả công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông đối với từng người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học trước khi tổ chức đào tạo.

5. Quy định về đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đối với người học liên thông

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Quyết định 18/2017/QĐ-TTg thì:

Việc tổ chức đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành về đào tạo trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện việc cấp phát bằng với đối tượng học liên thông hay đối tượng học đại học như bình thường đều áp dụng quy định tại Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT.

Về nội dung được ghi trên văn bằng, thực hiện chung theo quy định tại Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT, theo đó, từ ngày 01/3/2020, trên văn bằng đại học sẽ không còn ghi hình thức đào tạo, thay vào đó nội dung này sẽ được ghi tại phụ lục văn bằng.

Lan Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
8576 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;