Nâng ngạch công chức Bộ Tư pháp 2019: Những nội dung cần biết

Quyết định 1003/QĐ-BTP ban hành kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính năm 2019 và thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên lên giảng viên chính của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ 05/5/2020.

Ảnh minh họa

Theo đó, Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định này quy định cụ thể về hồ sơ, hình thức, nội dung và thời gian thi nâng ngạch công chức năm 2019 của Bộ Tư pháp cũng như các quy định về miễn thi môn ngoại ngữ, tin học và cách tính điểm, nguyên tắc xác định người trúng tuyển như sau:

1. Nội dung hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch

Hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch của công chức bao gồm:

- Bản sơ yếu lý lịch (theo mẫu 2c-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức), có xác nhận của cơ quan sử dụng công chức;

-Bản nhận xét, đánh giá công chức của người đúng đầu cơ quan sử dụng công chức theo các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ;

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch đăng ký dự thi được cơ quan có thẩm quyền chứng thực (trường hợp bản sao không có chứng thực thì phải có bản chính để đối chiếu);

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự thi nâng ngạch.

Lưu ý: Hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi công chức được bỏ vào một bao bì đựng riêng có kích thước 250 x 340 x 5mm (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và biểu mẫu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức).

2. Hình thức, nội dung và thời gian thi

Việc thi nâng ngạch công chức lên ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, kế toán viên chính được thực hiện theo 2 vòng thi như sau:

Vòng 1: Thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên giấy. Nội dung thi trắc nghiệm gồm 3 phần:

- Phần I: Kiến thức chung 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo tiêu chuẩn của ngạch dự thi. Thời gian thi 60 phút.

- Phần II: Ngoại ngữ 30 câu hỏi là một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của ngạch dự thi. Thời gian thi 30 phút.

- Phần III: Tin học 30 câu hỏi theo yêu cầu của ngạch dự thi. Thời gian thi 30 phút.

Vòng 2: Thi môn chuyên môn, nghiệp vụ:

- Đối với thi nâng ngạch lên chuyên viên chính và kế toán viên chính: Thi viết, thời gian 180 phút theo yêu cầu của ngạch dự thi với thang điểm 100.

- Đối với thi nâng ngạch lên chuyên viên: Thi viết, thời gian 120 phút theo yêu cầu của ngạch dự thi với thang điểm 100.

3. Điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học

- Miễn phần thi ngoại ngữ (vòng 1) đối với các trường hợp sau:

+ Có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ;

+ Công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền;

+ Có bằng tốt nghiệp là bằng ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn số với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của ngạch dự thi;

+ Có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn số với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của ngạch dự thi học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.

- Miễn phần thi tin học (vòng 1) đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, toán - tin trở lên.

4. Cách tính điểm và nguyên tắc xác định người trúng tuyển

- Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì công chức dự thi nâng ngạch được dự thi tiếp vòng 2.

- Người trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính, kế toán viên chính, chuyên viên phải có kết quả điểm thi môn chuyên môn, nghiệp vụ tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên, lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu nâng ngạch. Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm thi bằng nhau ở chỉ tiêu nâng ngạch cuối cùng thì việc xác định người trúng tuyển được thực hiện như sau: người dự tuyển là nữ; người dự tuyển là người dân tộc thiểu số; người dự tuyển nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh), trường hợp bằng tuổi nhau thì người có thời gian công tác nhiều hơn là người trúng tuyển. Nếu vẫn không xác định được thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ quyết định người trúng tuyển theo đề nghị của Hội đồng thi và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

- Không thực hiện việc bảo lưu kết quả cho các kỳ thi nâng ngạch lần sau.

5. Dự kiến thời gian tổ chức thi

Tháng 7, 8 năm 2020 (trường hợp chưa hết dịch bệnh và Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép thì có thể lùi thời gian dự kiến tổ chức thi).

Nguyễn Trinh

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1024 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;