Nên giới hạn khái niệm “hàng hoá” của Luật Thương mại 2005

Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005 thì hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai.

Từ quy định này, chúng ta hoàn toàn có thể nói nhà, các công trình xây dựng đều được xem là hàng hóa. Do vậy, nhà và công trình xây dựng đều là đối tượng điều chỉnh của Luật thương mại và là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa.

Một khi xem Nhà, công trình xây dựng là một dạng hàng hóa trong thương mại thì theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 hiện nay và Luật Trọng tài Thương mại 2010 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2011), tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán Nhà, công trình xây dựng có thể được giải quyết bằng con đường trọng tài.

Nếu chúng ta thừa nhận nhà, công trình xây dựng là hàng hóa theo quy định của Luật Thương mại 2005 thì sẽ dẫn đến một sự phân biệt đối xử không cần thiết trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến các hợp đồng mua bán nhà, công trình xây dựng.

Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ sau:

Công ty C là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có chức năng kinh doanh bất động sản. Công ty C được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phép xây dựng, quản lý và sở hữu một khu tổ hợp nhà ở, khu thương mại bán lẻ…

Trong quá trình triển khai dự án, chưa xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật, tháng 3/2008, Công ty C tiến hành ký Hợp đồng mua bán tài sản với một Công ty X của Singapore để bán toàn bộ Tháp 5 (Block 5) với gần 170 căn hộ; Tháp văn phòng và gần 8.000 m2 mặt bằng tầng 3 của khu vực bán lẻ. Tổng giá trị hợp đồng hơn 140 triệu USD, bên mua đã thanh toán cho bên bán gần 50 triệu USD. Phần còn lại được thanh toán theo tiến độ bàn giao trên thực tế.

Trong điều khoản giải quyết tranh chấp các bên có thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) luật giải quyết tranh chấp là luật của Singapore.

Công ty X biết rõ là theo luật pháp Việt Nam thì việc bán các căn hộ chỉ được thực hiện khi đã xây dựng xong phần móng; luật pháp VN không cho phép tổ chức nước ngoài sở hữu nhà đất tại Việt Nam.

Khi thị trường bất động sản đóng băng, Công ty X không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng nữa mà muốn hủy hợp đồng để lấy tiền lại. Nếu vụ việc được giải quyết bởi SIAC thì việc thi hành phán quyết của SIAC tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn và có khả năng phán quyết đó sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam vì phán quyết đó vi phạm pháp luật Việt Nam. Cụ thể, phán quyết sẽ vi phạm quyền tài phán riêng biệt của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 411[1] Bộ Luật tố tụng Dân sự và Khoản 2 Điều 769[2] BLDS 2005. Do đó, Công ty X đến nhờ Luật sư VN để tư vấn cho vụ việc được giải quyết bởi Toà án Việt Nam và theo pháp luật Việt Nam.

Lập luận mà Công ty X đưa ra là thỏa thuận trọng tài này bị vô hiệu vì các tranh chấp liên quan đến bất động sản ở VN thì phải áp dụng luật VN và thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam. Công ty C thì cho rằng các bên đã thỏa thuận áp dụng luật của Singapore SIAC để giải quyết tranh chấp thì việc xem xét thỏa thuận trọng tài có trái luật hay không thì phải căn cứ vào pháp luật của Singapore chứ không phải căn cứ vào pháp luật của Việt Nam.

Ở đây chúng ta chưa bàn đến luật áp dụng và hãy phân tích hai trường hợp sau:

Trường hợp 1:

Nếu như cả hai công ty trên điều mang quốc tịch VN và thỏa thuận chọn trọng tài Việt Nam để giải quyết thì theo Điều 10 của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại VN 2003 và Điều 18 Luật Trọng tài Thương mại 2010 thì thỏa thuận này vẫn có giá trị pháp lý.

Trường hợp 2:

Nếu một trong hai công ty trên là công ty nước ngoài và cũng thỏa thuận chọn trọng tài Việt Nam để giải quyết. Trong trường hợp này hợp đồng mua bán tài sản giữa Công ty C và Công ty X được xem là giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài. Lúc đó, căn cứ vào Điều 411[3] Bộ Luật tố tụng Dân sự 2005 thì thỏa thuận trọng tài này sẽ bị vô hiệu.

Câu hỏi mà Chúng tôi muốn đặt ra câu hỏi là tại sao có sự khác biệt này? Trong khi đó cơ quan giải quyết tranh chấp không hề thay đổi thay đổi. Như vậy, vấn đề đặt ra pháp luật đang có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Theo chúng tôi, Luật Thương mại nên giới hạn khái niệm “hàng hóa” theo hướng loại trừ nhà, các công trình xây dựng trên đất ra khỏi khái niệm hàng hóa của luật thương mại. Điều này nó sẽ phù hợp với Điều 14[4] của Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 và phù hợp với nguyên tắc bình đẵng giữa các thành phần kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay.

Hơn nữa, việc giải quyết vấn đề nhà, công trình xây dựng trên đất có liên quan đến Quyền sử dụng đất. Ở nước ta đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý nên việc quy định việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhà, công trình xây dựng trên đất (bất động sản) thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam, không phân biệt có yếu tố nước ngoài hay không là hợp lý.

Trước đây, Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh trọng tài Thương mại 2003 có quy định: “ Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”

Hàng hóa là một trong những phạm trù cơ bản của kinh tế chính trị. Theo nghĩa hẹp, hàng hóa là vật chất tồn tại có hình dạng xác định trong không gian và có thể trao đổi, mua bán được. Theo nghĩa rộng, hàng hóa là tất cả những gì có thể trao đổi, mua bán được.


[1] Điều 411 BLTTDS: “Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:

a) Những vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam;

…………”

[2] Khoản 2 Điều 769 BLDS 2005: “Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

[3] Điều 411 BLTTDS: “Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:

a) Những vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam;

…………”

[4] Điều 14 Luật Trọng tài Thương mại 2010:

“Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất”.

Luật sư Phùng Thanh Sơn
Công ty Luật Hợp danh Luật Việt

Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
400 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;