Những điểm mới cơ bản của Luật viên chức

Luật viên chức được kết cấu gồm 6 chương và 62 điều. Nội dung các chương bao gồm: Những qui định chung; Quyền và nghĩa vụ của viên chức; Tuyển dụng, sử dụng viên chức; Quản lý viên chức; Khen thưởng và xử lý vi phạm; Điều khoản thi hành. Luật viên chức có hiệu lực từ ngày 01/07/2011. Luật viên chức đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, để Nhà nước thực hiện được tốt và hiệu quả trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đảm bảo chất lượng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho người dân và cộng đồng, không vì mục tiêu lợi nhuận, cần phải xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với ổn định, công bằng xã hội, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Làm rõ khái niệm viên chức, hoạt động nghề nghiệp của viên chức:Trước đây, Pháp lệnh cán bộ , công chức chưa làm rõ khái niệm “viên chức”. Khắc phục hạn chế này, Luật viên chức đã xây dựng khái niệm về viên chức: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

luật viên chức 2010

Hình minh họa (nguồn internet)

Như vậy, đồng thời với việc Luật cán bộ, công chức phân định “cán bộ ” và “công chức”, Luật viên chức cũng đã làm rõ được khái niệm viên chức, phân biệt viên chức với cán bộ và công chức. Sự khác biệt cơ bản của viên chức so với cán bộ, công chức đó chính là chế độ tuyển dụng gắn với vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng lao động làm việc và tiền lương được hưởng từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Lao động của viên chức không mang tính quyền lực công, chỉ thuần túy là hoạt động nghề nghiệp mang tính chuyên môn nghiệp vụ, vì vậy, Luật viên chức đã làm rõ “Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về viên chức và các pháp luật có liên quan”.

Luật đã xác định rõ các vấn đề chung nhất trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức và quản lý viên chức: Luật viên chức đã quy định các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức; các nguyên tắc quản lý viên chức phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam và tính chất, đặc điểm lao động của viên chức.Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức, Luật viên chức đã làm rõ các khái niệm cơ bản như vị trí việc làm, tuyển dụng, hợp đồng làm việc, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử. Đặc biệt quy định về “chức danh nghề nghiệp” thay cho quy định về “ngạch” để khắc phục các hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức hiện nay. Luật viên chức đã thống nhất cách hiểu về đơn vị sự nghiệp công lập và phân thành hai loại: đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Đồng thời, quy định về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập nhằm từng bước giảm dần chế độ chủ quản và hoàn thiện cơ chế kiểm soát đối với người đứng đầu trong quá trình thực hiện các quyền hạn được giao. Bổ sung một số quy định mang tính định hướng liên quan đến chính sách xây dựng, phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức.

Luật viên chức đã hoàn thiện và bổ sung các quyền, nghĩa vụ của viên chức: Viên chức là người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, các quyền và nghĩa vụ của viên chức cũng có nội dung giống như cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, do tính chất, đặc điểm lao động của viên chức là hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ, nên Luật viên chức đã quy định các quyền của viên chức theo hướng mở hơn so với cán bộ, công chức, tạo điều kiện để viên chức có thể phát huy được tài năng, sức sáng tạo, khả năng cống hiến. Đó là các quyền về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định. Bên cạnh đó, Luật viên chức cũng đã hoàn thiện hệ thống các nghĩa vụ của viên chức (bao gồm cả những việc viên chức không được làm) phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của viên chức.

Luật tiếp tục đổi mới cơ chế và các nội dung của công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức: Một trong các nguyên tắc được nhấn mạnh để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức là” Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc”. Đây là nguyên tắc đặt nền móng để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo chế độ việc làm, nhấn mạnh năng lực, tài năng bên cạnh phẩm chất và trình độ.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nguyên tắc đảm bảo quyền chủ động và đề cao trách nhiệm người đứng đầu để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, góp phần đẩy mạnh cải cách khu vực dịch vụ công. Thống nhất quản lý nhà nước về đội ngũ viên chức, đẩy mạnh việc giao hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quản lý viên chức.

Kế thừa quy định về hợp đồng lao động của pháp luật hiện hành, Luật viên chức đã hoàn thiện các quy định của chế định hợp đồng làm việc.

Các nội dung quản lý viên chức cũng được hoàn thiện và đổi mới. Đáng chý ý là: Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét, lựa chọn hình thức nào tùy thuộc vào từng lĩnh vực ngành, nghề cụ thể; Việc đánh giá viên chức được thực hiện căn cứ vào các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký. Nội dung đánh giá gắn với kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ, tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân...; Viên chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; Ngoài việc được khen thưởng theo quy định hiện hành, viên chức có công trạng, thành tích đặc biệt còn được xét nâng lương vượt bậc bên cạnh hình thức nâng lương trước thời hạn.

Ngoài 4 hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, viên chức bị kỷ luật còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Luật viên chức đã quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức: Do đặc thù của Việt Nam, giữa viên chức và cán bộ, công chức luôn có sự liên thông, chuyển đổi giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, Luật viên chức có quy định các trường hợp cụ thể về việc chuyển đổi này. Đó là: Viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; Viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức khi đáp ứng đủ các đủ các điều kiện theo quy định của Luật viên chức; Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển sang làm viên chức và được bố trí công việc phù hợp; Viên chức được chuyển sang là cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được đảm bảo các quyền lợi về chế độ, chính sánh.

Về quy định chuyển tiếp: Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Luật viên chức đã có các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần làm việc của đội ngũ viên chức hiện nay. Cụ thể là:Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng; Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này./.

Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam

583 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;