Những điều cần biết về luật đo lường năm 2011

Ngày 11-11-2011, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Đo lường, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2012.

Dưới đây là một số nội dung cơ bản củaLuật Đo lường, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Luật Đo lường quy định phạm vi hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường; trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường được điều chỉnh trong phạm vi thiết lập và sử dụng đơn vị đo lường trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, thực hiện phép đo; định lượng hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường. Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động đo lường và các hoạt động liên quan đến hoạt động đo lường tại Việt Nam. 

Nguyên tắc hoạt động đo lường phải đảm bảo tính thống nhất, chính xác; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần bảo đảm công bằng giữa các bên liên quan trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; thúc đẩy thương mại; tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về đo lường, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện.

Nhà nước xây dựng chính sách đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ về đo lường; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, phát triển, họp tác quốc tế trong hoạt động đo lường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thiết lập, duy trì và được công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế khi thực hiện hoạt động đo lường. Thúc đẩy các hoạt động quốc tế về đo lường ký kết điều ước quốc tế về đo lường, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm giữa tổ chức Việt Nam với tổ chức tương ứng của các quốc gia, chủ thể khác của pháp luật quốc tế; trao đổi chuyên gia, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đo lường với các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế nhưng phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật. Luật Đo lường nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoạt động đo lường để gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cố ý làm sai lệch phương tiện đo, kết quả đo; cố ý cung cấp sai, giả mạo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa nội dung trên dấu định lượng, dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định.

Luật Đo lường quy định quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo, chuẩn đo lường được lựa chọn tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phù hợp để thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo lường; khiếu nại kết quả kiểm định, hiệu chuẩn đo lường; khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính; hành vi vi phạm hợp đồng đã ký kết với tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Và có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp kiểm soát về đo lường; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thông tin trung thực về các đặc tính kỹ thuật đo lường và hướng dẫn khách hàng, người sử dụng các phương tiện đo, chuẩn đo lường. Đồng thời, Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiên đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động đo lường; của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về đo lường.

Cơ quan nhà nước về đo lương có thẩm quyền thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình. Hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường nhằm đảm bảo phương tiện đo đang sử dụng, phép đo và phương pháp đo đúng quy định về đo lường để kết quả đo nằm trong giới hạn cho phép, hàng đóng gói sẵn đúng định lượng phù hợp quy định về đo lường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước. Xử lý hành vi vi phạm về đo lường, nếu gây thiệt hại thì buộc phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và công bằng xã hội. Trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường, thì áp dụng biện pháp phạt tiền với mức từ 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính đó.

Chính phủ thống nhất quản lý về đo lường trong phạm vi cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về đo lường, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tổ chức nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ về đo lường; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hoạt động đo lường; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đo lường. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các quy định về đo lường của Nhà nước tại địa phương; ban hành các văn bản cần thiết phục vụ cho công tác quản lý đo lường; quy hoạch, kế hoạch và dành kinh phí thích hợp để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị cần thiết cho công tác quản lý đo lường; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về đo lường cho tổ chức, cá nhân về đo lường; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật tại địa phương mình.

Nguồn: Thân Phước Thành - Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
521 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;