Những sửa đổi quan trọng trong Luật Kinh doanh bảo hiểm

Hiện nay Bộ Tài chính đang gấp rút lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp thứ 8 cuối năm nay) nhằm để Luật này phát huy hiệu quả cao hơn trong đời sống kinh tế - xã hội và phù hợp với cam kết WTO của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và các nguyên tắc bảo hiểm quốc tế, đồng thời nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước.

Tạp chí Tài chính điện tử giới thiệu với độc giả một số vấn đề chính của Luật KDBH sẽ được sửa đổi trong thời gian tới gồm 3 nhóm vấn đề, liên quan đến 11 nội dung tại 15 điều (trong tổng số 129 điều của Luật hiện hành).

Ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành

Thực tế thời gian qua, do có nhiều sự khác nhau giữa Luật KDBH và các quy định khác (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,…) dẫn đến nhiều cách hiểu và xử lý khác nhau, nhất là khi có tranh chấp giữa DNBH và bên mua bảo hiểm. Ví dụ, khi có tranh chấp giữa DNBH và bên mua bảo hiểm về hợp đồng bảo hiểm, Toà án thường căn cứ vào Bộ Luật Dân sự (quy định về Hợp đồng bảo hiểm) để xét xử, như vậy không tránh khỏi việc xử lý vấn đề không đúng với bản chất của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Để khắc phục hạn chế nói trên, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đã đề xuất hướng xử lý là phải ưu tiên áp dụng quy định của Luật KDBH - cho phép áp dụng Luật KDBH khi có quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cách ứng xử này đã có tiền lệ bởi một số Luật đã được ban hành cũng đã có quy định tương tự về việc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.

Trích lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH, Bộ Tài chính cũng đã có một số đề xuất bảo vệ bên mua bảo hiểm. Chẳng hạn, về hợp đồng bảo hiểm, Điều 15 Luật KDBH hiện hành đã quy định về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm rằng "trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm".

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau về quy định này nhằm trục lợi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của DNBH. Vì vậy, Luật KDBH sửa đổi theo hướng quy định rõ hơn về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm, cụ thể là ngoài quy định hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và đóng đủ phí bảo hiểm, còn bổ sung thêm một số quy định về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Hoặc về bảo vệ bên mua bảo hiểm trong trường hợp DNBH phá sản, theo quy định hiện hành, "DNBH, DN môi giới bảo hiểm phải lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vốn điều lệ và bảo đảm khả năng thanh toán. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích hàng năm theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế. Ngoài quỹ dự trữ này, DN môi giới bảo hiểm có thể lập các quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế của năm tài chính, theo quy định trong điều lệ của DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm".

Để giải quyết vấn đề bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm trong trường hợp DNBH gặp khó khăn về tài chính, một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản... đều quy định lập quỹ bảo đảm bảo hiểm, hình thức này vừa làm an tâm người tham gia bảo hiểm, vừa giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra đối với thị trường tài chính. Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay ở nước ta, việc thành lập quỹ bảo đảm bảo hiểm còn chưa phù hợp. Vì vậy, để đáp ứng mục tiêu bảo vệ bên mua bảo hiểm, Luật KDBH sửa đổi sẽ theo hướng quy định ngoài việc trích lập dự phòng nghiệp vụ trên cơ sở phí bảo hiểm giữ lại, DNBH phải trích lập quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm lấy từ nguồn phí bảo hiểm của DNBH theo quy định của Chính phủ.

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cần có quỹ để đảm bảo quyền lợi bên mua, trích từ phí nhưng khi hình thành thì phải gửi vào một định chế tài chính nào đó, giống như yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với Ngân hàng thương mại. Như vậy, có thể sẽ có 2 loại quỹ, một loại bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm và một loại dự trữ tài chính của DNBH.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý về việc cần phải xác định rõ cơ quan và cơ chế quản lý quỹ này, đồng thời tính đến mức độ ảnh hưởng đối với các DNBH.

Cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới

Theo cam kết với WTO, Việt Nam cho phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, tuy nhiên, Luật KDBH chưa quy định về hoạt động này vì đây là vấn đề nhạy cảm trên nhiều phương diện khác nhau, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa DNBH trong nước và DNBH nước ngoài; đồng thời hoạt động này có liên quan đến việc di chuyển tiền tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều rất hạn chế hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản,.. Một số nước cho phép hoạt động này nhưng lại đưa kèm theo những quy định hết sức ngặt nghèo và chặt chẽ.

Trước thực tế trên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam sẽ chỉ quy định mang tính nguyên tắc, còn Chính phủ sẽ hướng dẫn các quy định cụ thể dựa trên các tiêu chí quản lý thận trọng được WTO cho phép, ví dụ như: điều kiện đối với DNBH nước ngoài; yêu cầu đặt cọc tại Việt Nam tương ứng với phần trách nhiệm bảo hiểm tại Việt Nam,.. để bảo vệ quyền lợi cá nhân và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm ở nước ngoài.

Theo đề xuất sửa đổi bổ sung của Bộ Tài chính, “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại DNBH hoạt động ở Việt Nam. Trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia bảo hiểm dưới hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới thực hiện theo các nguyên tắc dưới đây: (a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài chịu hoàn toàn trách nhiệm và mọi rủi ro phát sinh có liên quan đối với hợp đồng bảo hiểm qua biên giới; (b) Mọi tranh chấp pháp sinh từ hợp đồng được giải quyết theo Phần thứ bảy – Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài của Bộ Luật dân sự năm 2005 và quy định pháp luật của nước nguyên xứ. Chính phủ quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới”.

Tại cuộc họp chiều 23/8, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành bổ sung quy định đối với việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới để phù hợp với các cam kết của WTO.

Tuy nhiên, nhấn mạnh việc cần nghiên cứu xây dựng các quy định trong khuôn khổ cam kết nhằm hạn chế dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đối với dịch vụ gốc (các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm trực tiếp) để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế... , Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị nên bổ sung vào Luật một quy định rất cơ bản để tạo tiền đề cho Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng lưu ý: phải thực hiện các cam kết nhưng cũng phải quy định rõ những giải pháp để hạn chế rủi ro.

Quản lý chặt hoạt động đấu thầu và cạnh tranh

Điều 10 Luật KDBH hiện hành có quy định về hợp tác và cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cần thực hiện qua cơ chế đấu thầu để có sự cạnh tranh lành mạnh. Thế nhưng Luật Đấu thầu hiện vẫn chưa có quy định về đấu thầu trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (bao gồm các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản..).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, việc nhiều DNBH như Bưu điện, Hàng không, Dầu khí thực hiện dịch vụ bảo hiểm cho ngành mình có thể dẫn đến chia cắt thị trường bảo hiểm, không đảm bảo tính cạnh tranh và công khai minh bạch. Do đó, cần có quy định về đấu thầu sản phẩm bảo hiểm.

Dự thảo sửa đổi Luật KDBH bổ sung thêm 2 khoản: Các sản phẩm bảo hiểm có thể được thực hiện dưới hình thức đấu thầu; Hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chuẩn hoá loại hình bảo hiểm và DNBH

Điều 7 Luật KDBH hiện hành quy định có 2 loại hình bảo hiểm bao gồm 5 nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và 11 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, hoạt động KDBH phát triển rất nhanh, việc quy định chi tiết các nghiệp vụ bảo hiểm không phản ánh kịp sự phát triển này. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người là nghiệp vụ bảo hiểm thuộc bảo hiểm phi nhân thọ, tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế thì loại hình này được phép xếp thành nhóm riêng. Do vậy, Luật KDBH sửa đổi lại theo hướng quy định 3 loại hình bảo hiểm, bao gồm: Nhân thọ và hưu trí tự nguyện; Phi nhân thọ và Chăm sóc sức khoẻ tự nguyện. Bộ Tài chính quy định danh mục chi tiết các nghiệp vụ và sản phẩm bảo hiểm.

Về loại hình doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), Điều 59 Luật KDBH hiện hành quy định các loại hình DNBH bao gồm: DNBH Nhà nước, công ty cổ phần bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ, DNBH liên doanh, và DNBH 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp Việt Nam được thành lập và hoạt động dưới các hình thức như: công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên. Vì vậy, Luật KDBH sửa đổi quy định về các loại hình doanh nghiệp thống nhất theo Luật Doanh nghiệp. Theo đó, các loại hình DNBH bao gồm: Công ty cổ phần bảo hiểm, Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm và Tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Trong đó, tổ chức bảo hiểm tương hỗ là mô hình tương tự như hợp tác xã - các chủ hợp đồng bảo hiểm chính là chủ doanh nghiệp, vốn của tổ chức này chính là khoản phí bảo hiểm do các chủ hợp đồng đóng vào. Trên thực tế, theo xu thế của thế giới trong những năm gần đây, các tổ chức bảo hiểm tương hỗ đã và đang chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần bảo hiểm vì hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần dễ huy động vốn hơn, hoạt động chuyên nghiệp hơn, và việc phân chia lãi, lỗ hàng năm cũng ổn định hơn.

Một vấn đề liên quan khác có liên quan tới loại hình DNBH đó là đại lý bảo hiểm. Điểm c, Khoản 1, Điều 86 Luật KDBH hiện hành quy định điều kiện đối với đại lý bảo hiểm phải có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do DNBH hoặc Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cấp. Tuy nhiên, quy định này chưa thật chặt chẽ, thực tế cho thấy nhiều đại lý chưa qua đào tạo nhưng vẫn được làm đại lý. Vì vậy, Luật KDBH sửa đổi theo hướng cho phép quy định đại lý phải được cấp chứng chỉ đào tạo và giao cho Chính phủ quy định cụ thể việc đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo cho đại lý.

Nguồn: Hà Minh - Tài chính điện tử

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
333 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;