Sắp tới việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ có thì mới?

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ trì soạn thảo, trình lên Bộ giao thông vận tải Dự thảo Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Dự thảo Thông tư) và hiện nay Bộ đang tiến hành lấy ý kiến góp ý cho Dự án này. So với quy định hiện hành thì Dự thảo Thông tư có gì thay đổi? Dưới đây là một số lưu ý.

 

Về tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo lái xe

Tại nội dung liên quan tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe, Dự thảo Thông tư đã bỏ đi điều kiện về số lượng phòng học theo số lượng học viên đăng ký học lái xe ô tô của cơ sở mà chỉ quy định chung là cơ sở đào tạo lái xe các hạng A3, A4 phải có đủ các phòng học: Pháp luật giao thông đường bộ, Cấu tạo và sửa chữa thông thường, Kỹ thuật lái xe, Nghiệp vụ vận tải, Đạo đức người lái xe và Văn hoá giao thông (có thể xếp chung với phòng học Nghiệp vụ vận tải) được bố trí tập trung, phòng học Thực tập bảo dưỡng sửa chữa. Đồng thời, nếu đào tạo lái xe cả mô tô và ô tô thì cơ sở có thể dùng chung các phòng học chuyên môn, bảo đảm diện tích tối thiểu mỗi phòng 50 m2.

 

Về tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe, ngoài yêu cầu về tiêu chuẩn đạo đức, sức khỏe, bằng cấp thì Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy thực hành một cách ngắn gọn hơn: Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có giấy phép lái xe hạng tương ứng đủ thời gian từ 05 năm trở lên (trừ giáo viên đã được cấp giấy chứng nhận dạy thực hành lái xe).

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo lái xe phải luôn đảm bảo tuyển dụng, quản lý, tổ chức tập huấn nghiệp vụ giáo viên dạy thực hành lái xe cho đội ngũ giáo viên bảo đảm tiêu chuẩn và báo cáo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định.

Về phía người học lái xe

Dự thảo Thông tư quy định người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và giấy phép lái xe các hạng F nếu trong thời hạn trên 01 năm nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.

Liên quan đến hồ sơ của người học lái xe, Dự thảo Thông tư đã sửa đổi và bổ sung một số quy định về thành phần của hồ sơ. Theo đó, người học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo bao gồm:

  • Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu;
  • Bản sao giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
  • Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
  • Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Về giấy phép lái xe

Trường hợp, người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng thì được xét cấp lại giấy phép lái xe. Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 29 kèm theo Thông tư này;
  • Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có);
  • Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;
  • Bản sao giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Một quy định khá “mở” dành cho người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam, đó là khi có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thì vẫn được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam nếu có giấy chứng minh thư ngoại giao, giấy chứng minh thư công vụ, thẻ tạm trú, thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ thường trú với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng.

Về đào tạo, sát hạch cho đối tượng là người khuyết tật

Tại nội dung này, Dự thảo Thông tư đã có quy định khá cụ thể như sau:

Người khuyết tật đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động thì vẫn được cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động khi có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo;

Về lộ trình chuyển đổi sang Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET

Đây là lộ trình chuyển đổi áp dụng từ năm 2017 trở đi. Theo đó:

  • Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4 bằng giấy bìa được tiếp tục chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET đến ngày 30/6/2017. Sau ngày 30/6/2017 người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.
  • Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) bằng giấy bìa được tiếp tục chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET đến ngày 30/6/2021. Sau ngày 30/6/2021 người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.

 

Theo dự kiến, nếu được thông qua thì Thông tư này sẽ có hiệu lực áp dụng từ 01/01/2017, bãi bỏ Thông tư 58/2015/TT-BGTVT.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1275 lượt xem
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;