Sẽ tước Giấy phép, đình chỉ hoạt động nhà thuốc nâng giá khẩu trang y tế

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn 2780/QLD-KD ngày 23/3/2020 của Cục Quản lý Dược về việc xử lý nghiêm cơ sở bán lẻ thuốc đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán khẩu trang y tế.

Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Công văn này, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, việc mất cân đối quan hệ cung - cầu đối với khẩu trang y tế và tăng giá bán khẩu trang trong thời gian cả nước đang tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội.

Theo đó, để thực hiện tốt Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 03/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona gây ra và ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh virus corona chủng mới, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chủ động làm đầu mối hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược, trong đó đặc biệt lưu ý giám sát đối với việc kinh doanh khẩu trang y tế, là mặt hàng đang có diễn biến phức tạp về nhu cầu của nhân dân và nguồn cung của các nhà sản xuất. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Đối với hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán khẩu trang y tế, ngoài việc xử phạt bằng tiền cần xem xét áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tước chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, đình chỉ hoạt động kinh doanh dược của nhà thuốc và cơ sở bán lẻ thuốc khác theo quy định tại Điều 46 và Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký công văn này về Cục Quản lý Dược - 138A Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội, báo cáo bao gồm danh sách với các nội dung: tên cơ sở bán lẻ thuốc vi phạm, hành vi vi phạm, số tiền bị phạt và hình thức xử phạt bổ sung.

Điều 46, Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định chi tiết việc xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng hóa như sau:

Điều 46. Hành vi đầu cơ hàng hóa

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

c) Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 47. Hành vi găm hàng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng:

a) Cắt giảm địa điểm bán hàng;

b) Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó;

c) Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó;

d) Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng:

a) Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường;

b) Ngừng bán hàng hóa ra thị trường;

c) Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng;

d) Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Xem chi tiết nội dung của Công văn 2780/QLD-KD TẠI ĐÂY.

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
736 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;