Thẩm quyền của Tòa án trong công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Luật Thi hành án hình sự (Luật THAHS) năm 2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011, là cơ sở pháp lý thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền thi hành án hình sự, trong đó, có Tòa án.

Qua hơn 06 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự, công tác thi hành án hình sự nói chung và công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân nói riêng đã đi vào nền nếp, thống nhất, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng pháp luật về thẩm quyền của Tòa án trong công tác thi hành án hình sự, đặc biệt trong công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù sau khi có Thông tư liên tịch số: 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC – VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân” trong quá trình thực hiện việc vận dụng áp dụng pháp luật chúng tôi thấy còn có những khó khăn vướng mắc, bất cập cần sớm được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền con người trong thi hành án hình sự.

Đặc biệt Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 có nhiều vấn đề mới cần thống nhất nhận thức và áp dụng trong thực hiện trong công tác này. Vì vậy, việc sớm sửa đổi bổ sung Thông tư số 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC – VKSNDTC ngày 15/5/2013 là hết sức cần thiết. Nhằm thống nhất nhận thức áp dụng và nâng cao hiệu quả vận dụng áp dụng. Góp phần bảo vệ công lý và quyền con người. Có tác dụng khuyến khích động viên phạm nhân trong quá trình chấp hành án tại các Trại Tạm giam, Trại giam.

Từ thực tiễn công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong những năm qua, chúng tôi thấy có những bất cập sau:

Thứ nhất, việc thẩm định hồ sơ: Theo hướng dẫn Thông tư số 02/2013/TTLT- BCA- BQP- TANDTC- VKSNDTC ngày 15/5/2013 tại các Điều 12 lập hồ sơ danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (có quy định trước mỗi đợt là 20 ngày), tuy nhiên đến Điều 13. Thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lại không có quy định về thời hạn. Vấn đề này xảy ra bất cập đó là:

Một là, việc quy định trong Thông tư chưa cụ thể về thời gian hoàn thành cho từng giai đoạn, nhất là giai đoạn Thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Trại gửi tới Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để thẩm định. Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam chuyển đến và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng duyệt (chưa có quy định thời gian Thẩm định của Hội đồng chỉ được phép tối đa bao nhiêu ngày để có ý kiến chính thức trên cơ sở đó Trại hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách và có văn bản đề nghị..).

Hai là, sau khi có ý kiến Thẩm định của Hội đồng thẩm định, Trại hoàn chỉnh hồ sơ và chuyển cho Tòa án tối thiều là bao nhiêu ngày trước mỗi đợt xét giảm trong Thông tư 02 cũng không có quy định cụ thể để Hội đồng xét giảm có thời gian nghiên cứu hồ sơ và ra quyết định đúng vào dịp như khoản 1 Điều 5 Thông tư và khoản 3 Điều 33 Luật Thi hành án hình sự quy định (nên có quy định Trại hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách và văn bản đề nghị gửi tới Tòa trước các đợt xét giảm tối tiểu là 20 ngày để Tòa có thời gian nghiên cứu, xem xét, quyết định);

Ba là, Thông tư nên quy định theo hướng Hội đồng xét đề nghị giảm hình phạt tù của các Trại có quyền bảo lưu những đề nghị của Trại về mức đề nghị giảm ngoài mức mà Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý Thi hành án hình sự đã cho, vì Hội đồng đồng của Trại là cơ quan nắm chắc hơn ai hết quá trình cải tạo các phạm nhân. Trên cơ sở đó Hội đồng xét giảm của Tòa án mới có căn cứ khách quan để quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị trong văn bản của Trại Tạm giam, Trại giam đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (đối với trường hợp còn có sự khác nhau về mức giảm giữa Trại và Cơ quan quản lý Thi hành án hình sự cần thể hiện rõ các quan điểm đó).

Thứ hai là thẩm quyền của Hội đồng xét giảm

Theo khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số: 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC – VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì “Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng quyết định:

a) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;

b) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Hội đồng không được quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

c) Đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm, đến ngày Hội đồng họp xét giảm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá một tháng, thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.”

Theo quy định như trên thì Thẩm quyền của HĐXG chỉ có quyền chấp nhận một phần hoặc chấp nhận toàn bộ hay không chấp nhận mức đề nghị của Trại. Và trong chấp nhận thì chỉ có quyền chấp nhận theo mức đề nghị của Trại hoặc thấp hơn đề nghị mà không có thẩm quyền mức giảm cao hơn đề nghị của Trại.Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật mặc dù có căn cứ tăng mức giảm nhưng HĐXG không có quyền quyết định mức giảm cao hơn đề nghị của Trại. Trong thực tế có nhiều phạm nhân có mức án như nhau, kết quả chấp hành án được đánh giá là chấp hành tốt, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự nhưng có trường hợp đề nghị trường hợp này thì đề nghị cao hơn trường hợp khác .Như vậy, quá trình Hội đồng xét giảm có căn cứ để tăng mức giảm cho trường hợp đề nghị thấp của Trại nhưng lại không được phép (vượt quyền) nên phải giảm trường hợp khác tạo ra sự thiệt thòi, không đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan, không khuyến khích được được phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi ý 2 điểm b khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số: 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC – VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo hướng thay nội dung “không được quyết định mức giảm cao hơn…” bằng nội dung “có thể quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị…nếu có đủ cơ sở.”.  Như vậy, mới đảm bảo tính khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ.

Hai là, đối với điểm c khoản 3 Điều 15 “ Đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm, đến ngày Hội đồng họp xét giảm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá một tháng, thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.” Hướng dẫn như vậy, theo chúng tôi chưa sát. Vì, tại điểm d khoản 1 Điều 2 NQ số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “ Đối với người được đề nghị xét giảm, nếu sau khi được chấp nhận toàn bộ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với họ, mà thời hạn chấp hành hình phạt còn lại không quá 1 tháng thì Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm toàn bộ phần hình phạt còn lại.”. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 15 Thông tư số 02 theo hướng như quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2  NQ số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì mới phù hợp và sát với thực tiễn.

Ba là, ý 1 khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số: 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC – VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì“Mỗi năm một phạm nhân chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù một lần, khoảng cách giữa hai lần xét giảm ít nhất là một năm. Trường hợp đã được giảm mà thời hạn tù còn lại không đủ một năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi năm chỉ được xét giảm một lần”. Qua thực tiễn cho thấy còn có nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tố tụng. Có quan điểm cho rằng thời điểm tính đã được giảm là tính tại thời điểm theo đợt lập hồ sơ đề nghị xét giảm của Trại. Có quan điểm cho rằng thời điểm tính đã được giảm phải tính ở thời điểm xét giảm gần nhất trước đó. Ví dụ. Tại kỳ xét giảm 22/12/2016 phạm nhân A đã được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà thời hạn tù tính từ 22/12/2016 dưới 12 tháng thì năm 2017 sẽ được tiếp tục đề nghị giảm trước một đợt cụ thể là đợt 02/9/2017. Chúng tôi cho rằng, quan điểm thứ 2 là chính xác. Bởi phải tính ở thời điểm đã được xét giảm ở kỳ gần nhất nếu tại kỳ xét giảm đó sau khi đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù rồi thì thời gian còn lại phải chấp hành dưới 12 tháng năm sau mới trước một đợt. Vì, nếu đủ hoặc trên 12 tháng thì đúng kỳ thời gian chấp hành án vẫn còn. Do vậy, phải nhận thức như quan điểm hai mới đúng pháp luật. Để, thống nhất, nhận thức áp dụng pháp luật chúng tôi kiến nghị cần sửa đổi bổ sung ý 1 khoản 3 Điều 7 Thông tư  theo hướng cụ thể hơn như sau:  phương án 1“Mỗi năm một phạm nhân chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù một lần, khoảng cách giữa hai lần xét giảm ít nhất là 12 tháng. Trường hợp đã được giảm ở năm trước mà thời hạn tù còn lại không đủ 12 tháng thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi năm chỉ được xét giảm một lần”. Phương án 2: “Nếu sau khi đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với họ mà thời hạn chấp hành hình phạt còn lại không đủ một năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi năm chỉ được xét giảm một lần” Như vậy, sẽ tránh các nhận thức khác nhau về thời điểm tính.

Tóm lại, từ thực tiễn công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù qua hơn 6 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, đặc biệt là hướng dẫn của  Thông tư liên tịch số: 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC – VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân”, chúng tôi thấy bên cạnh các ưu điểm là cơ bản thì còn có một số bất cập mà chúng tôi đã nêu phần nào đã hạn chế thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các Cơ quan tư pháp Trung ương cần có sự tổng kết Thi hành Luật thi hành án hình sự đặc biệt là Tổng kết thi hành Thông tư số 02 để đánh giá các mặt ưu điểm nhưng đồng thời cũng chỉ ra được các tồn tại bất cập để có Thông tư hướng dẫn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thi hành án hình sự nói chung và công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân nói riêng.

Nguồn: Th.S Đỗ Ngọc Bình - Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội và Nguyễn Bá Nhất - Phó Chánh án TAND huyện Eahleo, Đắk lắk

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1055 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;