Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại: Những quy định quan trọng cần biết

Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Theo đó, một số điểm quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã được quy định chi tiết hơn.

tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, Thông tư 05/2020/TT-BTP

Mới nhất: Những quy định quan trọng về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Ảnh minh họa)

1. Thừa phát lại là gì?

Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Trong đó:

  • Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu;

  • Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật.

2. Sẽ được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại nếu có một trong những giấy tờ chứng minh sau

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 05/2020/TT-BTP, trường hợp có một trong các giấy tờ chứng minh sau đây sẽ được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại:

- Quyết định bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên, Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Thẻ chấp hành viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

- Chứng chỉ hành nghề luật sư, Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên, Thẻ luật sư, Thẻ công chứng viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian hành nghề luật sư, công chứng từ 05 năm trở lên;

- Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật; Bằng tiến sĩ luật, trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự; thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

- Các giấy tờ khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.

3. Có 02 trường hợp được miễn bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm

Theo Điều 6 Thông tư 05/2020/TT-BTP, việc bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm được quy định chi tiết như sau:

- Thời gian bổi dưỡng: tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ/năm).

- Nội dung bồi dưỡng: cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về Thừa phát lại, thi hành án dân sự, tố tụng và pháp luật có liên quan; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hành nghề Thừa phát lại, đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; cách thức giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề Thừa phát lại.

- Miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong 02 trường hợp sau đây:

  • Thừa phát lại nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

  • Thừa phát lại đang điều trị dài ngày tại cơ sở khám chữa bệnh đối với những bệnh thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế từ 03 tháng trở lên có giấy chứng nhận của cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên.

Lưu ý: Thừa phát lại thuộc một trong 02 trường hợp nêu trên nộp giấy tờ chứng minh cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hành nghề.

4. 03 trường hợp được thay đổi nơi tập sự hành nghề Thừa phát lại

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 05/2020/TT-BTP, việc thay đổi nơi tập sự hành nghề Thừa phát lại được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

  • Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động theo quy định tại các Điều 29 và 30 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP hoặc không còn đủ điều kiện nhận tập sự theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;

  • Thay đổi Thừa phát lại hướng dẫn tập sự theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này và Văn phòng Thừa phát lại không có Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự;

  • Người tập sự thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác và có nguyện vọng thay đổi nơi tập sự.

5. Các trường hợp chấm dứt tập sự hành nghề Thừa phát lại

Người tập sự chấm dứt tập sự trong các trường hợp sau đây:

  • Tự chấm dứt tập sự;

  • Được tuyển dụng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

  • Không còn thường trú tại Việt Nam;

  • Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự;

  • Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

  • Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật;

  • Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

  • Tạm ngừng tập sự quá số lần quy định hoặc đã hết thời hạn tạm ngừng tập sự theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không tiếp tục tập sự;

  • Bị chấm dứt tập sự theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Thông tư 05/2020/TT-BTP;

  • Thuộc trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát lại quy định tại khoản 6 Điều 8 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP mà vẫn tập sự.

Lưu ý: Thời gian tập sự trước khi chấm dứt tập sự không được tính vào tổng thời gian tập sự.

Thùy Trâm

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
877 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;