Tổng hợp hành vi vi phạm thường gặp vào ngày Tết và hình thức xử phạt

Tết Nguyên đán được xem là kì nghỉ dài hàng năm của người lao động trên cả nước. Đây là dịp để mọi người nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc, quây quần cùng nhau chén chú chén anh. Tuy nhiên, đây cũng là dịp dễ bùng phát các hành vi vi phạm pháp luật nhất. Thư Ký Luật xin tổng hợp một số hành vi vi phạm thường gặp nhất vào dịp tết cùng hình thức xử phạt tương ứng tại bài viết dưới đây.

hanh vi vi pham thuong gap trong ngay tet

Ảnh minh họa

1. Tăng giá dịch vụ, hàng hóa một cách vô lý

Mỗi năm, cứ vào dịp Tết là các cơ sở sản xuất, kinh doanh lại được dịp tăng giá hàng hóa, sản phẩm như vé xe, thức ăn, rau củ, bánh kẹo, quần áo,… thậm chí có những mặt hàng tăng giá gấp 2, 3 lần so với bình thường gây nhiều phẫn nộ cho người dân. Theo Nghị định 109/2013/NĐ-CPNghị định 49/2016/NĐ-CP, đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giá sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng;…

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

- Phạt tiền đến 55 triệu đồng đối với hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Sử dụng pháo nổ, pháp hoa trái phép

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP, các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng bao gồm:

1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

Theo đó, việc sử dụng các loại pháo nổ hay pháo hoa không thuộc danh mục trên là hành vi vi phạm quy định pháp luật. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015.

Đồng thời, theo Luật đầu tư 2014 được sửa đổi năm 2016, kinh doanh pháo nổ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Do đó, hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo nổ cũng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CPBộ luật hình sự 2015 tùy vào mức độ vi phạm.

3. Vi phạm giao thông do rượu, bia

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi tham gia giao thông khi uống rượu, bia như sau:

STT

Hành vi

Mức phạt (đồng)

A

Người điều khiển xe ô tô, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn:

1

Nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở

2- 3 triệu

2

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở

7 - 8 triệu

3

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

16 - 18 triệu

4

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ

B

Người điển khiển xe mô tô, xe gắn máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn:

5

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở

1 - 2 triệu

6

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

3 - 4 triệu

7

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ

 

Đặc biệt, Luật phòng chống tác hại của rượu bia 2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Hiện nay, Luật giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định điều này đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng còn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì phải vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu có nồng độ cồn (bất kể là phương tiện nào) là hành vi vi phạm điều cấm của Luật, không cần xét tới nồng độ như quy định trước đó của Luật Giao thông đường bộ 2008 nữa. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Gây rối trật tự công cộng

Với những hành vi gây rối trật tự như say rượu bia lớn tiếng, đánh nhau,… người vi phạm nhẹ có thể bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 5.000.000 đồng (Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 Bộ luật hình sự 2015).

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

5. Đánh bài vui, cá cược ăn tiền

Nghị định 167/2013/NĐ-CP đưa ra các mức xử phạt hành chính đối với hành vi đánh bạc trái phép như sau:

- Phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.

- Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi: Đánh bạc trái phép như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật; Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.

- Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác hoặc che giấu việc đánh bạc trái phép.

- Phạt tiền 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi: Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc; Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép; Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.

- Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi: Làm chủ lô, đề; Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề; Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề.

Đặc biệt, đối với hành vi đánh bạc với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên, người đánh bạc có thể bị xử lý hình sự về tội Đánh bạc. Người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi, tội liên quan đến đánh bạc mà còn vi phạm thì đánh dưới 5 triệu đồng cũng vẫn có nguy cơ bị xử lý hình sự.

Cụ thể, Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 và Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực ngày 01/01/2018 quy định như sau:

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2733 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;