Từ 2021, các trường hợp cụ thể nào bắt buộc đối thoại?

Ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành, theo đó quy định về đối thoại tại nơi làm việc đã được thay đổi, bổ sung thêm các trường hợp tổ chức đối thoại. Bài viết dưới đây sẽ phân tích vấn đề này.

Đối thoại, Bộ luật Lao động 2019

Từ 2021 các trường hợp cụ thể nào bắt buộc đối thoại? (ảnh minh họa)

1. Đối thoại là gì?

Theo quy định của pháp luật "Đối thoại tại nơi làm việc" là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

Đây là một hoạt động giúp gắn kết người lao động và người sử dụng lao động trong môi trường làm việc qua đó người sử dụng lao động có thể nắm bắt được tâm tư, mong muốn của người lao động, kịp thời điều chỉnh góp phần tạo nên môi trường lao động chuyên nghiệp giúp người lao động phát huy hết năng lực của mình. MẶt khác, nếu giữa hai bên có tồn tại khúc mắc, mâu thuẫn thì qua hoạt động đối thoại này sẽ giúp giải quyết vấn đề giữa các bên.

2. Thời gian tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên thì Bộ luật Lao động 2019 đã mở rộng các trường hợp buộc phải tổ chức đối thoại như sau:

  • Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

  • Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;

  •  Khi xảy ra các vụ việc sau:

    • Người sử dụng lao động có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

    • Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

    • Phương án sử dụng lao động

    • Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

    • Thưởng

    • Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động

    • Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động

  • Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định trên.

Như vậy, pháp luật mong muốn các bên thường xuyên tổ chức đối thoại để gỡ khúc mắc, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động. Đồng thời, pháp luật lao động đã quy định chế định này theo hướng bảo vệ người lao động, bởi lẽ những trường hợp cụ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, công việc của người lao động đều phải tổ chức đối thoại.

3. Nội dung đối thoại tại nơi làm việc

Nội dung đối thoại bao gồm: 

Thứ nhất, nội dung đối thoại bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019.

Thứ hai, Ngoài nội dung quy định trên, các bên lựa chọn một hoặc một số nội dung sau đây để tiến hành đối thoại:

  • Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

  • Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc;

  • Điều kiện làm việc;

  • Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động;

  • Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động;

  • Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Có thể thấy, ngoài nội dung bắt buộc trong các trường hợp cụ thể thì nội dung các bên lựa chọn để đối thoại là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của hai bên. Bên cạnh đó là các vấn đề thường xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp nếu không được bảo đảm cả ở khía cạnh nhận thức và hành động. Bởi lẽ, người sử dụng lao động có mục đích chính là doanh thu, lợi nhuận nên họ thường đặt ra các yêu cầu, quy định các nguyên tắc để người lao động phải tuân theo nhằm vừa bảo đảm tính hiệu quả, đồng thời hạn chế rủi ro. Đối với người lao động thì mục đích của việc lao động là nhằm có thu nhập cao, quá trình lao động luôn được bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động,…Các quyền lợi của bên ngày là nghĩa vụ chính của bên kia do đó cần phải bảo đảm sự đồng thuận hoặc chấp nhận với thái độ hoà bình.

Vì vậy, nếu các nội dung này được trao đổi và cùng đưa ra cách giải quyết thỏa đáng thì sẽ dễ dàng điều hòa, giải quyết các mối quan tâm chung đồng thời giải quyết các mâu thuẫn tiềm ẩn.

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Lao động 2012

Bộ luật Lao động 2019.

Long Bình

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
844 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;