Tự động thôi việc khi chưa hết thời hạn làm việc cam kết, bồi thường ra sao?

Theo quy định của Bộ luật Lao động, trong hợp đồng lao động không có nội dung về cam kết thời hạn làm việc. Tuy nhiên người lao động vẫn phải chịu ảnh hưởng của yếu tố này trong một số trường hợp.

tự động thôi việc, thời hạn làm việc cam kết, Bộ luật Lao động 2012, Nghị định 101/2017/NĐ-CP

Tự động thôi việc khi chưa hết thời hạn làm việc, hậu quả ra sao? (Ảnh minh họa)

1. Khi nào người lao động phải cam kết thời hạn làm việc?

Đầu tiên, cam kết thời gian làm việc phát sinh trong những trường hợp sau đây:

  • Thứ nhất: Giữa người lao động và người sử dụng lao động có kí kết hợp đồng đào tạo nghề theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2012.

Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

c) Chi phí đào tạo;

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

  • Thứ hai: Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nếu vi phạm thuộc trường hợp dưới đây thì phải đền bù chi phí đào tạo:

Điều 7. Đền bù chi phí đào tạo

...

3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này

Như vậy, người lao động khi không thực hiện đúng thời hạn làm việc đã thỏa thuận thì phải bồi thường. Chi phí bồi thường được đề cập cụ thể sau đây.

2. Chi phí bồi thường nếu không thực hiện đúng thời hạn làm việc cam kết

Đối trường hợp thứ nhất: Người lao động sẽ phải hoàn trả toàn bộ chi phí đào tạo và các khoản bồi thường khác (nếu có). Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài (theo khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động 2012).

Đối với trường hợp thứ hai: Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có) (theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức).

Cách tính chi phí đền bù được quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

Điều 8. Chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù

2. Cách tính chi phí đền bù:

b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:

S = F÷T1 x (T1 - T2)

Trong đó:

- S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.

Ví dụ: Anh A được cơ quan cử đi đào tạo thạc sỹ 02 năm (= 24 tháng), chi phí hết 30 triệu đồng. Theo cam kết, anh A phải phục vụ sau khi đi học về ít nhất là 48 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh A đã phục vụ cho cơ quan được 24 tháng. Sau đó, anh A tự ý bỏ việc. Chi phí đào tạo mà anh A phải đến bù là:

S = 30 triệu đồng ÷ 48 tháng x (48 tháng - 24 tháng) = 15 triệu đồng

Chi tiết xem thêm tại: Bộ luật Lao động 2012, Nghị định 101/2017/NĐ-CP.

Nguyên Phú

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1847 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;