Xây dựng tượng tôn giáo tại tư gia có phải xin phép không?

Tôn giáo là niềm tin của con người, nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người một cách bình đẳng. Vậy việc biểu hiện của sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng bằng cách xây tượng tôn giáo tại gia được quy định như thế nào? Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề trên.

Xây dựng tượng tôn giáo tại tư gia có phải xin phép

Xây dựng tượng tôn giáo tại tư gia có phải xin phép không? (Ảnh minh họa)

1. Tượng tôn giáo là gì? Tượng tôn giáo có phải công trình tôn giáo không?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016: “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”.

Theo đó có thể hiểu: Tượng tôn giáo là sản phẩm kiến trúc mỹ thuật được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu về niềm tin đối với đối tượng tôn thờ để thực hiện lễ nghi (thờ, cúng) của con người.

Về công trình tôn giáo, tín ngưỡng được quy định tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, cụ thể:

Công trình tôn giáo, tín ngưỡng gồm:

  • Công trình tôn giáo: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tượng đài, bia, tháp và những công trình tương tự của các tổ chức tôn giáo;

  • Công trình tín ngưỡng: Đình, đền, am, miếu, từ đường, nhà thờ họ và những công trình tương tự khác.

Khoản 3 Điều 3, Nghị định 113/2013/NĐ-CP quy định: "3. Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng."

Như vậy, tượng tôn giáo được đặt tại tư gia, khuôn viên của cá nhân, hộ gia đình không được xem là tượng đài nên không phải công trình tôn giáo.

2. Xây dựng tượng tôn giáo trong tư gia có phải xin phép không?

Hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng tượng tôn giáo tại tư gia. Căn cứ Mục 1.4.20 QCVN 01:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng thì:

1.4.20
Mật độ xây dựng

- Mật độ xây dựng thuần: là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc chính trên diện tích lô đất (không bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình ngoài trời như tiểu cảnh trang trí, bể bơi, bãi (sân) đỗ xe, sân thể thao, công trình hạ tầng kỹ thuật).

- Mật độ xây dựng gộp của một khu vực đô thị: là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc chính trên diện tích toàn khu đất (diện tích toàn khu đất có thể bao gồm cả: sân, đường, các khu cây xanh, không gian mở và các khu vực không xây dựng công trình).

Theo đó, việc cá nhân muốn xây dựng tượng tôn giáo có thể được xét theo 02 trường hợp sau:

- Nếu tượng tôn giáo chỉ là tiểu cảnh trang trí, đặt trong khuôn viên thì sẽ không tính vào mật độ xây dựng, không làm thay đổi chức năng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; không ảnh hưởng đến kiến trúc công trình chính và cảnh quan, môi trường xung quanh thì không cần phải xin phép.

- Trường hợp tượng tôn giáo được gắn với công trình nhà ở, mà ở đây là gắn trên các sàn của các tầng nhà của công trình, thì phải xin phép. Vì đây là trường hợp tác động trực tiếp đến công trình như kết cấu, trọng tải,… nên phải tuân theo các thủ tục về xây dựng và quy chuẩn xây dựng công trình. Để tránh các trường hợp ngoài ý muốn, cá nhân tổ chức muốn xây dựng tượng tôn giáo trong trường hợp phải xin phép (tượng tôn giáo gắn với công trình nhà ở) nên: 

  • Đối với trường hợp có ý định dựng tượng ngay từ ban đầu thì cá nhân phải đưa mục này vào trong bản thiết kế để đơn vị thiết kế tính toán, thể hiện trên hồ sơ xin phép xây dựng. Đơn vị thiết kế sẽ dựa vào độ nặng của tượng để tính toán tải trọng, kết cấu chịu lực,… của khu vực để tượng và toàn bộ ngôi nhà.

  • Trường hợp công trình đã hoàn công, xây dựng xong và đã đưa vào sử dụng mà cá nhân muốn dựng thêm tượng thì phải thực hiện các thủ tục về xây dựng như: thuê đơn vị giám định công trình để xem xét kết cấu thêm trọng tải có ảnh hưởng đến toàn bộ công trình không, kích thước tượng tương xứng với công trình, lập các thủ tục xin phép như hồ sơ xin phép sửa chữa, gia cố công trình,…

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều lãnh đạo địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau nên vẫn có thể áp dụng khác nhau về quy định liên quan đến việc xây dựng tượng tôn giáo trong tư gia khác với bài viết nêu trên.

Hoa Hồng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

6392 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;