05 điểm mới về kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2015/TT-NHNN quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, bổ sung một số quy định mới về kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng.

05 điểm mới về kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng

05 điểm mới về kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng (Ảnh minh họa)

1. Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử

Thông tư 25/2021 bổ sung quy định về kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử như sau:

- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử phải xây dựng quy trình kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư 25/2021, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lưu trữ đầy đủ các thông tin liên quan đến việc kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Quy định về ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất

Tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư 25/2021 bổ sung các quy định về ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất, cụ thể:

- Ngày giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất là ngày các bên thực hiện ký hết hợp đồng phái sinh lãi suất.

- Ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất theo thỏa thuận của các bên là ngày các bên bắt đầu thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất; ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất trùng hoặc sau ngày giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất.

3. Giới hạn về hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất

Tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 25/2021 sửa đổi, bổ sung quy định giới hạn về hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất như sau:

- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất phải tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. (Nội dung mới)

- Trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa áp dụng quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN: thực hiện kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất kiểm soát giới hạn lỗ ròng về hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất không vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

Trường hợp giới hạn lỗ ròng vượt 5% vốn điều lệ, vốn được cấp, thì ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngừng việc giao kết các hợp đồng phái sinh lãi suất mới, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về nguyên nhân phát sinh lỗ, các biện pháp và thời hạn khắc phục.

Khi có nhu cầu giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất mới, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định giới hạn lỗ ròng về hoạt động kinh doanh, cung ứng, sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất để làm cơ sở thực hiện phù hợp với quy định tại Thông tư 25/2021. Giới hạn lỗ ròng về sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất được xác định bằng tổng lãi ròng và lỗ ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất còn hiệu lực cộng (+) tổng lãi ròng và lỗ ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất đã tất toán trong năm tài chính.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu trên) sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất khi đáp ứng một trong hai nội dung sau:

+ Có quy định nội bộ về quản lý rủi ro, trong đó bao gồm hạn mức rủi ro lãi suất; hạn mức cắt lỗ; hạn mức tổng trạng thái rủi ro lãi suất đối với các sản phẩm phái sinh lãi suất;

+ Kiểm soát giới hạn lỗ ròng về hoạt động sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định.

(Đây là nội dung mới bổ sung so với quy định hiện hành)

4. Quy định về phát sinh giao dịch bằng ngoại tệ

Theo điểm b khoản 6 Điều 1 Thông tư 25/2021, trường hợp khách hàng được nhận ngoại tệ từ khoản tiền lãi phát sinh trong giao dịch phái sinh lãi suất hoặc nhận ngoại tệ từ việc trao đổi khoản vốn danh nghĩa, thì nguồn ngoại tệ này được sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch gốc của khách hàng hoặc khách hàng phải bán nguồn ngoại tệ này cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất đó.

5. Trách nhiệm của khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất

Tại khoản 13 Điều 1 Thông tư 25/2021 đã sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất như sau:

- Đối với pháp nhân sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất:

Cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Bản sao y hoặc bản trích sao hợp đồng của giao dịch gốc (hiện nay là bản gốc hoặc bản sao chứng thực hợp đồng của giao dịch gốc); các thông tin, tài liệu khác do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất quy định để chứng minh đủ điều kiện sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định tại. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất:

+ Cam kết với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại hợp đồng phái sinh lãi suất hoặc tại văn bản riêng về việc: sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất; sẵn sàng cung cấp bản sao y hoặc bản trích sao (hiện hành là bản gốc hoặc bản sao chứng thực) hợp đồng của giao dịch gốc hoặc phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng) theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền.

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất;

(So với hiện hành, bỏ quy định cung cấp các thông tin, tài liệu khác để chứng minh đủ điều kiện sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất).

+ Xây dựng và phê duyệt theo thẩm quyền phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng), trong đó có phân tích các rủi ro lãi suất.

Thông tư 25/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 14/02/2022.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
858 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;