Chính sách Lao động - Bảo hiểm có hiệu lực đầu tháng 12/2018

Chính sách Lao động - Bảo hiểm có hiệu lực đầu tháng 12/2018
Nguyễn Trinh

Từ 01/12 - 14/12/2018 nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực thi hành, Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu đến Quý khách hàng, thành viên chính sách mới về Lao động, Bảo hiểm như sau:

 

  1. Bổ sung đối tượng đóng Bảo hiểm Y tế từ ngày 01/12/2018

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, chính thức áp dụng từ ngày 01/12/2018. Một trong những điểm mới của Nghị định là bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT. 

Theo đó, Nghị định 146 quy định thêm nhóm tham gia BHYT do NSDLĐ đóng, gồm: 

  • Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội; 
  • Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong CAND; 
  • Thân nhân của người làm công tác khác trong ngành cơ yếu.

Cụ thể, thân nhân được hiểu là cha mẹ đẻ, cha mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.

Bên cạnh đó, Nghị định 146 cũng quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, gồm: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng đã được quy định tại Điều 1, 2, 3, 4 và 6 của Nghị định mà không được NSNN hỗ trợ kinh phí đóng BHYT.

  1. Từ năm 2022, NLĐ nước ngoài tại VN phải đóng 8% BHXH bắt buộc

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2022, NLĐ thuộc đối tượng điều chỉnh tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 143, hàng tháng sẽ đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Đồng thời, Nghị định này cũng nêu rõ, từ ngày 01/01/2022, NSDLĐ hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ  như sau: 

  • 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 
  • 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 
  • 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ.

Trường hợp NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ và thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc thì NLĐ và NSDLĐ chỉ đóng BHXH đối với HĐLĐ giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì NSDLĐ phải đóng theo từng HĐLĐ đã giao kết. 

Nghị định 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018. 

  1. Quy định mới về điều kiện xếp lương ngạch chuyên viên

Thông tư 13/2018/TT-BNV sửa đổi Khoản 8 Mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV về chuyển xếp lương cán bộ công chức viên chức khi thay đổi công việc chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2018.

Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết việc xếp lương ngạch chuyên viên hoặc tương đương đối với các trường hợp không thuộc trường hợp áp dụng quy định về xếp lương ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính như sau:

  • Trường hợp đã có thời gian xếp lương ở ngạch chuyên viên hoặc tương đương: Căn cứ vào thời gian hưởng bậc lương ở ngạch chuyên viên hoặc tương đương đó và thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
  • Trường hợp chưa xếp lương ở ngạch chuyên viên hoặc tương đương:
    • Tính từ ngày đủ 01 năm đóng BHXH bắt buộc đối với công việc yêu cầu trình độ đại học được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên hoặc tương đương; 
    • Thời gian đóng BHXH bắt buộc trên 01 năm trở về sau được tính để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên hoặc tương đương.

  1. Kinh doanh đào tạo lái xe ô tô: Sửa đổi điều kiện của đội ngũ giáo viên

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Theo Nghị định 138, bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Cụ thể: 

  • Giáo viên dạy lý thuyết: Phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, CNKT ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có GPLX tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.
  • Giáo viên dạy thực hành lái xe:
    • Phải có GPLX hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;
    • Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có GPLX đủ thời gian từ 3 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển;
    • Giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có GPLX đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển;
    • Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp GCN giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định.

Nghị định 138/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018. 

1927 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;