Áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế có gì mới từ ngày 05/12/2020?

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế . Trong đó, nội dung về áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế có một số điểm mới như sau:

biện pháp cưỡng chế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP

Áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế có gì mới từ ngày 05/12/2020? (Ảnh minh họa)

1. Cơ quan thuế có quyền đề nghị cơ quan hải quan thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Tại khoản 8 Điều 33 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định trường hợp cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan hải quan ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì trình tự thực hiện như sau:

- Cơ quan thuế lập và gửi văn bản đề nghị cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan cho cơ quan hải quan. Văn bản đề nghị phải thể hiện các nội dung: đơn vị ban hành văn bản; ngày, tháng, năm ban hành văn bản; căn cứ ban hành văn bản; tên, địa chỉ, mã số thuế của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế, số tiền thuế nợ bị cưỡng chế; lý do đề nghị cưỡng chế; họ, tên, chức vụ, chữ ký của người ký văn bản, dấu của cơ quan ban hành văn bản (nếu có).

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cưỡng chế của cơ quan thuế, cơ quan hải quan thực hiện cưỡng chế theo đúng trình tự, thủ tục và gửi văn bản thông báo cho cơ quan thuế biết, phối hợp.

Trường hợp cơ quan hải quan không thực hiện được ngay biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan theo đề nghị của cơ quan thuế thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế biết và nêu rõ lý do.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thu đủ số tiền thuế nợ, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo với cơ quan hải quan để chấm dứt thực hiện cưỡng chế.

Như vậy, từ ngày 05/12/2020, cơ quan thuế có quyền đề nghị cơ quan hải quan thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là quy định mới được ghi nhận. Trước đây hoàn toàn không quy định việc cơ quan thuế được đề nghị cơ quan hải quan thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với người nộp thuế có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

2. Có thể áp dụng đồng thời biện pháp cưỡng chế hóa đơn với các biện pháp cưỡng chế khác

Theo điểm b.2 khoản 3 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định đối với quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn thì trường hợp quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, nếu không đủ điều kiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà có hiệu quả thì cơ quan quản lý thuế tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế có hiệu quả. Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này mà có thông tin, điều kiện thực hiện biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo hiệu quả hơn thì cơ quan quản lý thuế đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, từ ngày 05/12/2020, cơ quan thuế có thể áp dụng đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước nếu đang áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn mà có thông tin, điều kiện thực hiện biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo hiệu quả hơn. So với quy định trước đây thì không được áp dụng đồng thời biện pháp cưỡng chế hóa đơn với các biện pháp cưỡng chế khác.

3. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành quyết định 

Theo khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

  • Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;

  • Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

  • Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

  • Ngừng sử dụng hóa đơn;

  • Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;

  • Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

  • Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Tất cả các biện pháp cưỡng chế này được hướng dẫn từ Điều 31 đến Điều 37 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, theo đó tại các điều này đều quy định quyết định cưỡng chế sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành quyết định.

Theo đó, từ ngày 05/12/2020, quyết định cưỡng chế sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành quyết định. Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 129/2013/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 05/12/2020) quy định đối với quyết định cưỡng chế tài khoản có hiệu lực sau 05 ngày kể từ ngày ban hành, tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 129/2013/NĐ-CP quy định đối với quyết định cưỡng chế tài khoản có hiệu lực sau 03 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2094 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;