Điểm mới về thẩm định giá tại dự thảo Luật Giá

Khác với Pháp lệnh Giá hiện hành chỉ quy định doanh nghiệp (DN) thẩm định giá, dự thảo Luật Giá do Bộ Tài chính soạn thảo đã bổ sung thêm một loại hình tổ chức thẩm định.

Về đối tượng thẩm định giá, Pháp lệnh Giá chỉ quy định tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá. Còn dự thảo Luật giá quy định gồm 2 nhóm tài sản.

Một là, bất động sản; động sản bao gồm cả máy móc, thiết bị và các hàng hoá, dịch vụ; giá trị DN; rừng; mặt nước; tài nguyên, khoáng sản; quyền khai thác các loại tài nguyên, khoáng sản; kết cấu hạ tầng; quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản vô hình khác; các tài sản tài chính (các loại giấy tờ có giá); tài sản, hàng hoá, dịch vụ khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hai là, các tài sản nhà nước phải thẩm định giá theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

Thêm 1 loại hình tổ chức thẩm định giá

Theo phân tích của Bộ Tài chính, Pháp lệnh Giá quy định hoạt động thẩm định giá do các DN có đủ điều kiện và năng lực cung ứng. Điều đó có nghĩa là đối với các tài sản nhà nước khi cần thiết phải thẩm định giá, các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng hoặc mua sắm tài sản nhà nước đều phải thuê dịch vụ thẩm định giá của các DN thẩm định giá.

Trong khi đó, vì mục đích kinh doanh hầu hết các DN thẩm định giá và các chi nhánh DN thẩm định giá được phát hành chứng thư thẩm định giá đều nằm ở các thành phố lớn hoặc ở các tỉnh có điều kiện kinh tế và thị trường bất động sản phát triển; (hiện tại có trên 88% DN và chi nhánh DN thẩm định giá đóng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ). Các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do không có DN hoặc chi nhánh DN thẩm định giá đóng trên địa bàn, lại xa các trung tâm nên gặp khó khăn lớn trong việc thẩm định giá (như chi phí thẩm định cao, không kịp thời) các tài sản nhà nước, nhất là khi mua sắm tài sản nhà nước.

Mặt khác, do chưa có quy định rõ về quyền và trách nhiệm của cơ quan tài chính tại địa phương trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thẩm định giá, kết quả thẩm định giá nên dễ dẫn đến tình trạng móc ngoặc giữa DN thẩm định giá và những người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để thẩm định giá quá cao, còn khi mua sắm và thẩm định giá quá thấp khi bán hoặc thanh lý tài sản nhà nước gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Điều này đang đặt yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động thẩm định giá của các DN thẩm định giá; đồng thời, thành lập tổ chức thẩm định giá của nhà nước để đáp ứng yêu cầu thẩm định giá các tài sản nhà nước.

Do vậy, ngoài DN thẩm định giá như đã quy định trong Pháp lệnh Giá, dự thảo Luật Giá bổ sung thêm loại hình tổ chức thẩm định giá của Nhà nước. Việc quy định như vậy nhằm phục vụ cho việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có hiệu quả hơn.

Dự thảo cũng nêu rõ, thẩm định giá của nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; các tài sản của nhà nước cho thuê, đi thuê, chuyển nhượng, bán, thanh lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Còn DN thẩm định giá thực hiện thẩm định giá đối với tất cả các loại tài sản mà xã hội có nhu cầu thẩm định giá kể cả tài sản mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước khi có yêu cầu.

Đại diện pháp luật của DN thẩm định giá có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm

Về DN thẩm định giá, Dự thảo Luật quy định: DN thẩm định giá được thành lập theo các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh quy định tại pháp luật về DN. Cơ quan soạn thảo cho biết, thực tế hoạt động thẩm định giá trong những năm vừa qua cho thấy mỗi loại hình DN thẩm định giá đều có những ưu và nhược điểm riêng của nó và đều có thể thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo đúng quy định của pháp luật.

Về điều kiện thành lập và hoạt động của DN thẩm định giá, dự thảo Luật quy định 2 điều kiện: Một là, có đủ các điều kiện về thành lập DN theo quy định của pháp luật tương ứng với loại hình DN mà tổ chức, cá nhân dự kiến thành lập. Hai là, có đủ số người có Thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định của Chính phủ.

Điểm mới trong quy định về điều kiện thành lập DN thẩm định giá là người đại diện pháp luật của DN phải là thẩm định viên về giá có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm hành nghề thẩm định giá.

Trong quá trình hoạt động thẩm định giá, DN phải bảo đảm có đủ số lượng thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Tuấn Khang - quangninh.gov.vn

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
482 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;