Dự thảo luật giá: Nhiều vấn đề chưa thuyết phục

Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Giá do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ. Tuy nhiên, các ý kiến góp ý tại hội thảo cho thấy, dự thảo Luật Giá còn khá nhiều vấn đề chưa đủ sức thuyết phục.

Chuyển giao quá nhiều

Dự thảo luật giá chỉ có sáu chương, 64 điều nhưng cụm từ “Chính phủ quy định cụ thể”, “theo quy định của Chính phủ”... đã xuất hiện tới 14 lần. Có thể thấy những vấn đề được “chuyển” cho Chính phủ là quá nhiều, trong đó có những vấn đề không nên và cũng không buộc phải chuyển. Chẳng hạn, điều 26 dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể về cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát giá độc quyền. Song, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định vấn đề này ngay trong luật để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Điều 39 dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể về loại hình doanh nghiệp thẩm định giá cũng không hợp lý. Bởi đó là vấn đề rất quan trọng cần được quy định ngay trong luật.

Sao không có quyền tăng giá?

Khoản 6 điều 8 dự thảo luật quy định một trong những quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là “Hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ và thực hiện niêm yết công khai, rõ ràng tại cửa hàng, nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời gian hạ giá đối với các trường hợp đặc thù theo quy định của pháp luật”. Tại sao các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lại không có quyền tăng giá khi chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên ngoài mong muốn của họ? Phải chăng, việc tăng giá chỉ là quyền của Nhà nước?

Niêm yết giá để làm gì?

Tiết a, khoản 6 điều 9 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, công khai, không gây nhầm lẫn cho khách hàng”.

Theo quy định trên, người bán hàng chỉ có trách nhiệm niêm yết giá nhưng không bắt buộc phải bán đúng giá đã niêm yết. Vậy thì niêm yết giá để làm gì? Trong các siêu thị, dù không có quy định bắt buộc, người bán hàng vẫn phải niêm yết giá. Đó là điều cần thiết để người mua có đủ thông tin và người bán sẽ bán đúng giá niêm yết. Song, tại các cửa hàng nhỏ, lẻ, các hiệu thuốc, nếu theo quy định trên, bảng giá niêm yết sẽ chỉ là hình thức.

Hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật - rắc rối và vô lý

Dự thảo đưa ra một loạt các hành vi cấm như: Liên minh với các tổ chức, cá nhân khác để tác động làm sai lệch giá so với giá thị trường; lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền ấn định mức giá bán (hoặc mua) bất hợp lý, chào giá hoặc áp dụng giá bán hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng quá thấp bất hợp lý; bán phá giá hàng hoá nhập khẩu; bịa đặt, tung tin thất thiệt không có căn cứ về việc tăng hoặc giảm giá và làm cho giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm giá quá thấp bất hợp lý… Bên cạnh đó, việc lợi dụng chủ trương điều hành kinh tế, tài chính, tiền tệ, giá cả của Nhà nước để đầu cơ găm giữ hàng hoá, dịch vụ tăng giá, ép giá... cũng phạm luật.

Những hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật về giá được quy định tại điều 10: Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; điều 60: Các hành vi vi phạm pháp luật về giá; và điều 61: Các hành vi vi phạm pháp luật về thẩm định giá. Quy định như vậy là rất rắc rối, gây khó khăn cho người thực hiện.

Hơn nữa, khoản 6 điều 10 quy định một hành vi bị cấm là “Áp dụng phân biệt về giá (bao gồm phân biệt cả về giá bán buôn hoặc giá bán lẻ) khi cung cấp cùng một loại hàng hóa hoặc dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Điều cấm này là vô lý vì mức giá bán của cùng một hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau sẽ khác nhau do số lượng hàng mua khác nhau, thời hạn thanh toán khác nhau, cự ly vận chuyển khác nhau, sự tín nhiệm trong quan hệ thương mại giữa bên mua và bên bán khác nhau... Nếu coi hành vi trên là bị cấm thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp vi phạm.

Có cần tổ chức thanh tra chuyên ngành về giá?

Điều 56 dự thảo luật quy định về tổ chức thanh tra chuyên ngành về giá. Những vấn đề cần làm rõ là: Có tổ chức thanh tra chuyên ngành này không? Cục Quản lý giá hiện nay thuộc Bộ Tài chính, vậy thanh tra của Bộ Tài chính có thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra giá không? Nếu đặt thêm tổ chức thanh tra chuyên ngành về giá liệu bộ máy quản lý nhà nước sẽ tăng thêm bao nhiêu? Ngân sách nhà nước phải chi thêm bao nhiêu tiền trong một năm? Lợi ích của xã hội như thế nào?

Giải thích từ ngữ thiếu chính xác

Điều 4 dự thảo luật đã giải thích khá nhiều từ ngữ. Song, đáng tiếc là không ít từ ngữ được giải thích chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác. Chẳng hạn, theo khoản 1, điều 4 dự thảo luật: “Giá thị trường là số tiền tính bằng đồng Việt Nam hình thành trên cơ sở giá trị thị trường của một hàng hóa, dịch vụ tính cho một đơn vị sản phẩm tại một thời điểm, địa điểm nhất định theo thỏa thuận trong giao dịch khách quan trên thị trường giữa các bên không có quan hệ liên kết (các bên độc lập)”. Như vậy, để hiểu được giải thích này, cần phải giải thích khái niệm “Giá trị thị trường” nhưng khái niệm này lại không được giải thích.

Khoản 4, điều 4 dự thảo luật giá định nghĩa “Giá bán buôn là mức giá của hàng hóa, dịch vụ tính bằng đồng Việt Nam cho một đơn vị sản phẩm được hình thành và thực hiện do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc do sự thỏa thuận giữa người bán và người mua với khối lượng lớn để đưa vào sản xuất hoặc đem đi bán lại (bán lẻ)”. Định nghĩa này vừa thừa vừa không hoàn toàn đúng. Thừa là vì đoạn “được hình thành và thực hiện do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc do sự thỏa thuận giữa người bán và người mua” không liên quan đến nội dung cần giải thích. Không hoàn toàn đúng vì không rõ bao nhiêu thì được gọi là “khối lượng lớn” và trong thực tế, không nhất thiết phải có khối lượng lớn mới là bán buôn...

Nguồn: Luật gia Vũ Xuân Tiền - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
451 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;