Luật Thuế bảo vệ môi trường: Mới thông qua đã thấy nhiều bất cập!

Luật Thuế Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua ngày 15-11-2010 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2012. Mặc dù được áp dụng chưa lâu, song bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thuế Bảo vệ môi trường cũng đã bộc lộ một số điểm hạn chế.

Bảo vệ môi trường luôn là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Thực tế, thuế bảo vệ môi trường được xác định là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Điều 3 Luật thuế bảo vệ môi trường quy định 8 nhóm sản phẩm hàng hóa hiện nay đang chịu sự điều chỉnh của Luật Thuế Bảo vệ môi trường. Đó là xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); túi ni lông thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa được đưa vào diện điều chỉnh của Luật Thuế Bảo vệ môi trường, ví dụ như các chất tẩy rửa trong công nghiệp, thuốc lá, chất thải phóng xạ. Không nhiều hàng hóa được đưa vào danh mục chịu thuế bảo vệ môi trường là một trong những lý do khiến cho Thuế Bảo vệ môi trường, mặc dù là thuế gián thu nhưng lại ít được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, cũng như số thu thuế bảo vệ môi trường còn khá khiêm tốn. Nên chăng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có lộ trình mở rộng từng bước diện đối tượng chịu thuế. Không chỉ hạn chế ở phạm vi đối tượng chịu thuế, ngay trong quy định hiện hành của Luật thuế bảo vệ môi trường về một số hàng hóa thuộc diện chịu thuế cũng đang có những tranh luận.

Một bất cập của Luật Thuế Bảo vệ môi trường chính là mức thuế bảo vệ môi trường. Luật hiện hành xác định tính thuế bảo vệ môi trường theo mức thuế tuyệt đối để đơn giản, minh bạch trong thực hiện, ổn định số thu cho ngân sách. Tuy nhiên, khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa áp dụng cho một loại hàng hóa là tương đối lớn nhất, dẫn tới khả năng việc áp dụng sẽ không thống nhất đối với các doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng nhưng tại các địa phương khác nhau. Ví dụ, Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11-11- 2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8-8-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường xác định túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa xốp) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin)…nhưng không xác định rõ áp dụng với loại túi đơn lớp hay đơn nguyên liệu (PE). Thực tế có những loại túi làm từ nhiều nguyên liệu nhưng cũng chỉ một lớp. Khi đánh thuế, cơ quan thực thi cứ thấy túi có chữ "PE” là đánh thuế, bất kể đó là túi một lớp hay nhiều lớp. Điều này làm cho giá bán hàng tăng, dễ mất năng lực cạnh tranh đối của doanh nghiệp Việt Nam với Doanh nghiệp nhựa nước ngoài. Ngoài ra, tại khoản 1 điều 8 Luật thuế bảo vệ môi trường, mức thuế được tính là 30.000đ/kg đến 50.000đ/kg, và cán bộ thuế, vốn không có trình độ kỹ thuật chuyên môn ngành nhựa, khó có thể phân biệt loại nào đánh thuế với mức 30.000đ/kg, loại nào đánh thuế với mức 50.000đ/kg, dễ dẫn tới khả năng áp dụng tùy tiện hay một số tiêu cực trong việc tính thuế.

Đối với mặt hàng xăng, thuế suất thuế bảo vệ môi trường được áp dụng chung cho tất cả các loại xăng, chỉ trừ etanol là chưa hợp lý. Trên thế giới các nước thường phân loại xăng dựa vào mức độ ô nhiễm khác nhau. Ví dụ: Đức căn cứ vào hàm lượng lưu huỳnh có trong xăng để định thuế suất: Đối với xăng có hàm lượng lưu huỳnh trên 10mg/kg mức thuế suất là 669,80 Euro/lit; xăng có hàm lượng lưu huỳnh dưới 10 mg/kg mức thuế suất là 654,90 Euro/lit. Hay Singapore căn cứ vào chỉ số octan có trong xăng để quy định thuế suất: xăng octan 92/95 mức thuế suất là 0,4 đôla Sin/lit; xăng octan 97 và trên 97 mức thuế suất là 0,44 đôla Sing/lít.

Thuế Bảo vệ môi trường còn là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều người dân. Bảo vệ môi trường được coi là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại. Cùng với các biện pháp kinh tế, pháp lý khác, việc ban hành và áp dụng Luật Thuế Bảo vệ môi trường là một yêu cầu tất yếu. Vấn đề là song song với quá trình áp dụng, cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật thuế bảo vệ môi trường nhằm góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái về môi trường và tạo thêm nguồn thu cho hoạt động khôi phục môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Nguồn: Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Dung

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
855 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;