Phân loại công trình kiến trúc có giá trị

Phân loại công trình kiến trúc có giá trị
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị thế nào? Việc phân loại công trình kiến trúc có giá trị ra sao? - Ái Phương (Tiền Giang)

Phân loại công trình kiến trúc có giá trị

Phân loại công trình kiến trúc có giá trị (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị

Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị theo Điều 3 Nghị định 85/2020/NĐ-CP như sau:

- Tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau:

+ Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc;

+ Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình;

+ Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên;

+ Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.

- Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau:

+ Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử;

+ Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương;

+ Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.

- Bảng tính điểm đánh giá công trình kiến trúc có giá trị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 85/2020/NĐ-CP.

2. Phân loại công trình kiến trúc có giá trị

Phân loại công trình kiến trúc có giá trị theo Điều 4 Nghị định 85/2020/NĐ-CP như sau:

- Công trình kiến trúc có giá trị được phân thành 03 loại:

Loại I khi đáp ứng hai tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa; tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan phải đạt từ 80 điểm trở lên. Loại II khi đáp ứng hai tiêu chí; loại III khi đáp ứng một trong hai tiêu chí trên.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 85/2020/NĐ-CP phân loại và quyết định biện pháp, kinh phí thực hiện để quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của công trình kiến trúc.

3. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị

Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Điều 5 Nghị định 85/2020/NĐ-CP như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

- Lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị:

+ Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức rà soát, đánh giá hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc để lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

+ Trường hợp tổ chức, cá nhân có đề xuất đưa công trình kiến trúc vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị thì gửi yêu cầu bằng văn bản kèm theo hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc tới cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để rà soát, đánh giá.

+ Hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc, gồm nội dung về lịch sử và đánh giá giá trị của công trình; các hình ảnh hiện trạng kiến trúc và hình ảnh lịch sử công trình (nếu có); các bản vẽ tổng mặt bằng, mặt bằng các tầng, các mặt đứng và các mặt cắt; hình ảnh và bản vẽ mô tả các chi tiết trang trí (nếu có) và làm rõ các giá trị công trình.

+ Hồ sơ danh mục công trình kiến trúc có giá trị gồm: dự thảo Tờ trình; danh mục công trình kiến trúc có giá trị và phụ lục kèm theo; thuyết minh về các nội dung đề xuất trong danh mục; hồ sơ tư liệu của từng công trình kiến trúc và tài liệu liên quan kèm theo; đề xuất biện pháp quản lý bảo vệ, phát huy các giá trị kiến trúc của công trình, kinh phí thực hiện.

+ Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc và danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Kiến trúc 2019 trong thời gian tối thiểu 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị:

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp, các chuyên gia lĩnh vực kiến trúc, văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

+ Hội đồng thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo tiêu chí đánh giá, phân loại quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định 85/2020/NĐ-CP.

- Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị căn cứ kết quả thẩm định tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

- Thời gian thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thời gian phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị tối đa 15 ngày kể từ ngày có đủ hồ sơ hoàn thiện theo kết quả thẩm định.

- Điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị:

+ Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị rà soát, đánh giá các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị phù hợp tình hình, điều kiện thực tế.

+ Nội dung cần điều chỉnh trong danh mục công trình kiến trúc có giá trị phải được lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt theo trình tự, thời gian quy định tại điểm đ khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 5 Nghị định 85/2020/NĐ-CP; nội dung không điều chỉnh của danh mục đã được phê duyệt vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

217 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;