ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 202/KH-UBND
|
Hải Phòng, ngày 26 tháng 9 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
CẤP
GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ PHÊ DUYỆT TIỀN CẤP QUYỀN KHAI
THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC CHO CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày
26/12/2012;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP
ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 82/2017/NĐ-CP
ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp
quyền khai thác tài nguyên nước;
Căn cứ Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT
ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc
đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy
phép tài nguyên nước.
Căn cứ Quyết định số 1318/QĐ-UBND
ngày 17/6/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch tài
nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế
hoạch cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phê duyệt
tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn
thành phố với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Tăng cường kiểm soát hoạt động khai
thác, sử dụng tài nguyên nước (nước mặt, nước ngầm, nước biển); phòng chống suy
thoái, cạn kiệt và lãng phí nguồn tài nguyên nước; bảo vệ, phân bổ tài nguyên
nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra bảo đảm cấp đủ
nước cho cộng đồng dân cư và cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội thành
phố trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Tăng nguồn thu ngân sách từ việc
thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; phục vụ công tác quản lý nhà nước
về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.
2. Yêu cầu:
- Tổ chức tuyên truyền trên các
phương tiện truyền thông để các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải lập hồ sơ
xin cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đối tượng phải nộp tiền cấp
quyền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn thành phố biết và thực
hiện theo đúng quy định pháp luật.
- Thống kê, rà soát, lập danh sách
các tổ chức, cá nhân đang khai thác sử dụng tài nguyên nước lập hồ sơ xin phép
khai thác, hồ sơ xin phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo
quy định của pháp luật.
- Đến hết năm 2020, cấp Giấy phép cho
cơ bản các tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa
bàn thành phố, chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái pháp
luật.
II. ĐỐI TƯỢNG CẤP PHÉP TÀI NGUYÊN
NƯỚC
1. Đối tượng phải xin cấp Giấy
phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP
ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định các trường hợp khai thác, sử dụng tài
nguyên nước không phải xin cấp Giấy phép, gồm:
- Khai thác, sử dụng nước cho sinh
hoạt của hộ gia đình;
- Khai thác, sử dụng nước biển để sản
xuất muối;
- Khai thác, sử dụng nước phục vụ các
hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;
- Khai thác, sử dụng nước cho phòng
cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp
khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
- Các trường hợp khai thác, sử dụng
tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm:
+ Khai thác nước dưới đất cho hoạt
động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày
đêm và không thuộc các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức;
+ Khai thác nước mặt cho sản xuất
nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây;
+ Khai thác nước mặt cho các mục đích
kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày
đêm;
+ Khai thác, sử dụng nước mặt để phát
điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW;
+ Khai thác, sử dụng nước biển phục
vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô không
vượt quá 10.000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước biển phục vụ
các hoạt động trên biển, đảo.
Ngoài các trường hợp đã nêu trên thì
tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước khác
đều phải lập hồ sơ xin cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
2. Đối tượng phải nộp tiền cấp
quyền khai thác tài nguyên nước
Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép
khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất thuộc một trong các trường hợp sau
đây phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:
- Đối với khai thác nước mặt:
+ Khai thác nước mặt để phát điện;
+ Khai thác nước mặt để phục vụ hoạt
động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát
máy, thiết bị, tạo hơi.
- Đối với khai thác nước dưới đất:
+ Khai thác nước dưới đất để phục vụ
hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm
mát máy, thiết bị, tạo hơi;
+ Khai thác nước dưới đất (trừ nước
lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su,
điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày
đêm trở lên.
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Nhiệm vụ:
- Tuyên truyền rộng rãi quy định về
các đối tượng phải xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và đối
tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
- Hướng dẫn các cơ sở về trình tự, thủ tục lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên
nước theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
- Hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ xin
phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định
số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức
thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
2. Giải pháp:
- Tuyên truyền rộng rãi trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
- Trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn và
đôn đốc các cơ sở lập hồ sơ xin cấp giấy phép và phê duyệt tiền cấp quyền khai
thác tài nguyên nước theo quy định.
- Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình dây dưa, chây ỳ không lập hồ sơ xin cấp giấy phép sau
khi được kiểm tra, hướng dẫn, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước
theo quy định tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy
định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
- Đình chỉ hoạt
động khai thác nước của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép, khai thác, sử
dụng nước trái quy định của pháp luật.
3. Kinh phí thực hiện:
- Từ nguồn ngân sách chi thường xuyên
cho hoạt động quản lý tài nguyên nước cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường hàng
năm.
- Số tiền được trích lại từ nguồn thu
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Lập Kế hoạch cấp Giấy phép khai
thác, sử dụng tài nguyên nước cho từng năm. Rà soát, lập danh sách các tổ chức,
cá nhân đang khai thác tài nguyên nước thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép để
chủ động tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn lập hồ sơ xin cấp phép.
- Rà soát, lập danh sách các chủ giấy
phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất đã được cấp phép thuộc trường
hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Điều 3
của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương
pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gửi Thông báo đến
từng chủ giấy phép để yêu cầu lập hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài
nguyên nước theo quy định, nộp hồ sơ về Sở để thẩm định, trình Ủy ban nhân dân
thành phố phê duyệt.
- Xử lý nghiêm những trường hợp cố
tình vi phạm, chây ỳ không lập hồ sơ xin cấp giấy phép sau khi được kiểm tra,
nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện.
- Tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ
đề nghị phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các chủ giấy
phép khai thác tài nguyên nước kể từ sau ngày 01/9/2017.
- Tiếp nhận, thẩm định các hồ sơ xin
cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước lồng ghép cùng thủ tục phê duyệt
tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm
quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân thành phố;
- Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân thành phố kết quả thực hiện Kế hoạch này.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện Luật Tài nguyên nước, lập
hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Rà soát, kiện toàn nhằm
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức ngành tài nguyên môi trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
3. Các Sở, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và
Công nghệ, Cục Thuế thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy
lợi phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định hồ sơ
cấp giấy phép khai thác, tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đảm bảo
đúng quy định.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình
Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Cổng Thông tin điện tử thành
phố:
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường đưa tin, viết bài phổ biến về nội dung Kế hoạch này, tuyên truyền rộng
rãi quy định về các đối tượng phải xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài
nguyên nước và đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
5. Các tổ chức, cá nhân khai thác,
sử dụng tài nguyên nước thuộc đối tượng phải xin phép
Có trách nhiệm
lập hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác tài nguyên nước và nộp tiền cấp quyền khai
thác tài nguyên nước theo quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó
khăn, vướng mắc, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Tài
nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch;
- PCT Phạm Văn Hà;
- Các Sở: TN&MT, NN&PTNT, TC, KH&CN, XD, CT;
- UBND các quận, huyện;
- Các Công ty TNHH MTV KTCTTL;
- Đài PTTHHP, Báo HP, ANHP, Cổng Thông tin điện tử thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử TP;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Văn Hà
|