448121

Kế hoạch 530/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành

448121
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Kế hoạch 530/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu: 530/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Trần Thị Nga
Ngày ban hành: 25/02/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 530/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
Người ký: Trần Thị Nga
Ngày ban hành: 25/02/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 530/KH-UBND

Kon Tum, ngày 25 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2020

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2019

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới1

2. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam2

3. Tình hình dịch bệnh tại tỉnh Kon Tum

3.1. Tình hình dịch bệnh: Trong năm 2019, tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, không có dịch lớn xảy ra, số mắc các bệnh truyền nhiễm như lỵ trực trùng, lỵ amibe, cúm, viêm gan vi rút A, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, dại, quai bị giảm so với cùng kỳ năm trước, không ghi nhận mắc các bệnh cúm A(H5N1, H7N9…), hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do vi rút Corona (MERS- CoV), bệnh do vi rút ZiKa. Tuy nhiên một số bệnh nổi cộm trong thời gian qua ghi nhận số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2019 là bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), bệnh cúm A(H1N1), bệnh sởi, bệnh bạch hầu, bệnh thủy đậu, ho gà. Các ổ dịch xuất hiện đều đã được phát hiện sớm và chủ động triển khai các biện pháp khống chế, điều trị kịp thời, không để lây lan trên diện rộng3.

3.2. Công tác giám sát: Chủ động giám sát ca bệnh, điều tra theo mẫu theo quy định, giám sát véc tơ, giám sát chủ động tùy theo loại dịch bệnh và đường lây truyền, tiến hành xử lý môi trường4; đẩy mạnh việc giám sát dựa vào sự kiện thông qua các trang thông tin điện tử, báo chí, thông tin của các nguồn chính thức và không chính thức để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý các ổ dịch sớm trong cộng đồng; giám sát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và khu vực biên giới.

3.3. Công tác chẩn đoán và điều trị: Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; rà soát, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về chẩn đoán điều trị, nghiên cứu sử dụng thuốc phù hợp, hiệu quả, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến điều trị bệnh nhân theo quy định nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến tỉnh; kiện toàn các Đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu. Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

3.4. Công tác tiêm chủng mở rộng các bệnh truyền nhiễm

- Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai thường xuyên tại 102/102 xã, phường, thị trấn; ngoài ra hàng tháng còn tổ chức các điểm tiêm chủng ngoại trạm ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ vẫn duy trì ở mức cao (tỷ lệ 97,6%), không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng; tiêm chủng chiến dịch và tiêm chủng đáp ứng khi có dịch5 được triển khai kịp thời, hiệu quả; tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

- Số ca mắc bệnh có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất thấp qua các năm, bệnh nguy hiểm thuộc nhóm A như bại liệt không xảy ra. Tuy nhiên, trong năm 2019 ghi nhận 08 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, 104 trường hợp mắc bệnh sởi, 01 trường hợp mắc bệnh ho gà, 02 trường hợp uốn ván sơ sinh (01 trường hợp tử vong) và 01 trường hợp viêm não Nhật Bản6.

4. Công tác thống kê báo cáo tình hình dịch bệnh: Triển khai thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý theo Thông tư số 54/2015/TT- BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

II. NHẬN ĐỊNH NGUY CƠ, DỰ BÁO

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, diễn biến thất thường của thời tiết và đặc điểm dịch tễ của các loại dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh có thể phát sinh, xâm nhập và lan rộng, bùng phát tại tỉnh Kon Tum vẫn là rất lớn, đặc biệt là đối với các loại dịch bệnh rất nguy hiểm mới phát sinh, đó là do:

- Giao thông, giao thương giữa các xã, huyện, tỉnh, vùng, miền và qua cửa khẩu ngày càng thuận lợi, ý thức về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân chưa cao, cùng với một số tập quán, hủ tục lạc hậu là yếu tố rất thuận lợi cho việc phát sinh và lây lan các bệnh truyền nhiễm.

- Các nhóm bệnh do vi rút, bệnh chưa có vắc xin dự phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu luôn có nguy cơ phát sinh và lan rộng trong cộng đồng; các bệnh lây truyền qua véc tơ hoặc từ động vật sang người có xu hướng gia tăng; trong khi vẫn đang phải tiếp tục đối phó với các loại dịch bệnh lưu hành tại địa phương như SXHD, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, quai bị, thủy đậu... diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là ở những khu vực đô thị, có sự biến động dân cư lớn, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 54%).

- Kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh (đào tạo, tập huấn, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ đi phòng chống dịch, hóa chất, vật tư, bảo hộ...) còn rất hạn chế.

- Một số chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng, còn cho đây là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế. Cho nên công tác tuyên truyền và huy động các nguồn lực phòng chống dịch bệnh nhiều lúc còn gặp rất nhiều khó khăn.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2020

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

- Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.

- Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

- Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp.

- Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

- Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020.

- Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

- Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

- Quyết định số 2018/QĐ-BYT ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện”.

- Quyết định số 2598/QĐ-BYT ngày 16 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Chương trình "Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh" giai đoạn 2015- 2020.

- Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn thiết lập và vận hành Đội đáp ứng nhanh.

- Quyết định số 137/QĐ-BYT ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020.

- Các hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị, giám sát và phòng chống dịch bệnh Ebola, MERS-Cov, Zika, cúm A(H1N1, H5N1, H7N9, H5N6), viêm gan, não mô cầu, viêm não vi rút, liên cầu lợn, dại, Rubella, dịch hạch, sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, sốt rét, sởi, Covid-19...

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Giảm 5-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2015-2019. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

- Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng.

- Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.

- Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại các địa phương.

- Tăng cường hợp tác liên ngành và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm dịch y tế theo Điều lệ Y tế quốc tế.

- Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến.

3. Chỉ tiêu chuyên môn

- 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời.

- 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu.

- 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và hướng dẫn sử dụng báo cáo bằng phần mềm qua mạng internet.

- 100 % hành khách xuất, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để tổ chức quản lý, cách ly.

- Giảm số mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm phổ biến, cụ thể: Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm gây dịch được báo cáo trong năm ≥60‰7; bệnh SXHD, tỷ lệ mắc <150/100.000 dân, tỷ lệ tử vong/mắc <0,09%; bệnh sốt rét, tỷ lệ mắc

<19/100.000 dân, tỷ lệ tử vong ≤0,02/100.000 dân; bệnh dại, khống chế ≤01 trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng, tỷ lệ mắc <100/100.000 dân, tỷ lệ tử vong <0,05%; 100% ổ dịch tả, lỵ trực trùng được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng; bệnh sởi, rubella, tỷ lệ mắc <40/100.000 dân, tỷ lệ tử vong <0,1%; giảm mắc 5% so với trung bình giai đoạn 5 năm 2011- 2015 đối với các bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật bản B và các bệnh truyền nhiễm khác thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; 100% ổ dịch bệnh cúm A(H7N9; H5N1; H5N6; H1N1), Ebola, MERS-CoV, bệnh viêm phổi cấp do Covid-19... được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng.

- Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt ≥97%. Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.

- 100% cấp huyện, cấp xã và thôn/làng/tổ dân phố tổ chức thực hiện Chiến dịch vệ sinh môi trường- diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống dịch bệnh.

- Trên 80% số người dân trong vùng dịch hiểu được mức nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm gây thành dịch bệnh tại địa bàn của tỉnh và biết cách phòng chống dịch bệnh.

- Trên 50% số người dân có thói quen rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh và có xà phòng tại nơi rửa tay.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh.

1.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế trên địa bàn.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương.

- Thành lập Đội đáp ứng nhanh (Rapid Response Team: RRT)8 các tuyến để sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ khi có dịch bệnh xâm nhập, tổ chức thường trực phòng chống dịch tại các đơn vị y tế khi cần thiết.

1.2. Công tác giám sát, dự phòng

- Tổ chức Chiến dịch vệ sinh môi trường- diệt lăng quăng/bọ gậy (VSMT- diệt LQ/BG) phòng chống dịch bệnh theo nề nếp, định kỳ và có hiệu quả: Cấp huyện, xã ra quân VSMT- diệt LQ/BG 01 lần/tháng; các thôn (và tương đương) tổ chức VSMT- diệt LQ/BG 01 lần/tuần.

- Tăng cường giám sát các trường hợp bệnh truyền nhiễm có yếu tố dịch tễ liên quan và giám sát các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng và tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan vào tỉnh Kon Tum, áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh.

- Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch tại các tuyến, tại cửa khẩu, chủ động bổ sung và sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống khi có dịch xảy ra.

- Tổ chức tập huấn về giám sát, phát hiện bệnh, phòng lây nhiễm và các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu gửi phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hoặc Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để chẩn đoán xác định.

1.3. Công tác điều trị

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

- Các cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phòng hộ cho cán bộ y tế, khu vực cách ly, giường bệnh, sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.

- Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.

1.4. Công tác truyền thông

- Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cơ sở điều trị và cộng đồng.

- Truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

1.5. Công tác hậu cần: Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống khi có dịch xảy ra.

1.6. Hợp tác quốc tế: Phối hợp chặt chẽ với các nước bạn Lào, Campuchia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

2. Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh.

2.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Sở Y tế tổng hợp, báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch và kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch.

- Các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch tại các huyện, thành phố.

2.2. Công tác giám sát, dự phòng

- Tăng cường giám sát các trường hợp bệnh truyền nhiễm; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT.

- Thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, triển khai việc khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu phù hợp với tình hình dịch và thông lệ quốc tế.

- Tăng cường giám sát trọng điểm và giám sát lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nặng chưa rõ nguyên nhân tại các bệnh viện để xét nghiệm xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan của bệnh.

- Tổ chức thường trực phòng chống dịch tại các cơ sở y tế; các đội RRT hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

2.3. Công tác điều trị

- Các trường hợp bệnh đầu tiên sẽ được điều trị theo quy định phân tuyến của Bộ Y tế.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cách ly đối với bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện theo quy định; làm thông thoáng buồng bệnh. Tập trung nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật điều trị bệnh nhân để hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh chủ động chuẩn bị triển khai kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân, mở rộng và sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

2.4. Công tác truyền thông

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Cung cấp thông tin báo chí về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

2.5. Công tác hậu cần

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.

- Thực hiện chính sách cho các cán bộ y tế thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

2.6. Công tác hợp tác quốc tế: Phối hợp chặt chẽ với các nước bạn Lào, Campuchia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

3. Tình huống 3: Dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng.

3.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Sở Y tế tổng hợp, báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch.

- Các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đánh giá tình hình dịch và thực hiện việc công bố dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch cấp bách trên địa bàn.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch tại các huyện, thành phố.

3.2. Công tác giám sát, dự phòng

- Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh thuộc bệnh truyền nhiễm; tăng cường giám sát và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT.

- Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.

- Thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và khu vực biên giới; tiếp tục duy trì kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu.

- Tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan bệnh do do các bệnh truyền nhiễm.

- Tổ chức thường trực phòng chống dịch tại các cơ sở y tế; các đội RRT hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

3.3. Công tác điều trị

- Các cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm cho cán bộ y tế hoặc lây nhiễm chéo.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

3.4. Công tác truyền thông

- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Cung cấp thông tin báo chí để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

4.5. Công tác hậu cần

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục bổ sung kinh phí để mua thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện... kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

- Thực hiện chế độ chính sách cho các cán bộ y tế thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo quy định.

4.6. Công tác hợp tác quốc tế: Phối hợp chặt chẽ với các nước bạn Lào và Campuchia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để nắm bắt và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, tùy vào tình hình thực tế triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của tỉnh năm 2020.

2. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai công tác phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2020, kế hoạch phòng chống dịch phải cụ thể trên cơ sở thực tiễn tình hình dịch bệnh của địa phương, đơn vị; đề ra các phương án đáp ứng chống dịch phù hợp, phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, ban, ngành khác trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

3. Xây dựng kế hoach về kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Chú trọng các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tử vong đến mức thấp nhất có thể; phát huy tối đa các biện pháp phòng bệnh chủ động bằng vắc xin đặc biệt là các hoạt động của Chương trình tiêm chủng quốc gia.

4. Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh; công tác thông tin truyền thông phải đảm bảo tính chính xác, đúng quy định của pháp luật, tránh gây tâm lý hoang mang làm ảnh hưởng đến các hoạt động an ninh xã hội.

5. Duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tuyến tỉnh, huyện, xã. Củng cố hệ thống giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch.

6. Chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo tình huống nếu xảy ra dịch lớn hoặc đại dịch.

7. Chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết khác, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nếu xảy ra dịch lớn hoặc xảy ra đại dịch; củng cố Đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới, cấp cứu tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ điều trị về tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

8. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp thu thập thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

9. Từng bước xã hội hóa công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

V. DỰ KIẾN KINH PHÍ

1. Dự toán kinh phí phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020, được xây dựng theo 03 tình huống với tổng nhu cầu kinh phí 9.510 triệu đồng (tình huống 01 và 02 thực hiện giám sát dịch bệnh thường xuyên khi chưa ghi nhận ca bệnh và xuất hiện các ca bệnh 2.682 triệu đồng9; tình huống 03 khi dịch bệnh lây lan và bùng phát trong cộng đồng 6.828 triệu đồng10).

2. Nguồn kinh phí:

- Đối với tình huống 01 và 02 thực hiện giám sát dịch bệnh thường xuyên khi chưa ghi nhận ca bệnh và xuất hiện các ca bệnh: cân đối, bố trí trong phạm vi dự toán chi sự nghiệp y tế giao năm 2020 và kinh phí do ngân sách cấp huyện, thành phố hỗ trợ theo phân cấp quản lý hiện hành để thực hiện theo quy định.

- Đối với tình huống 03 khi dịch bệnh lây lan và bùng phát trong cộng đồng: ngân sách tỉnh sẽ bổ sung kinh phí thực hiện theo qui định (phần kinh phí còn thiếu sau khi đã cân đối trong phạm vi chi sự nghiệp y tế được giao năm 2020, kinh phí do ngân sách cấp huyện, thành phố hỗ trợ theo phân cấp)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Chiến dịch VSMT- diệt LQ/BG phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020. Trong đó, ngành Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật; giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện; xây dựng các phương án dự phòng phù hợp với cấp độ dịch bệnh, đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các hoạt động của kế hoạch phòng chống dịch bệnh các cấp tại địa phương.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch trong vòng 48 giờ nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng ra cộng đồng; tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch: Bố trí đầy đủ nguồn lực, nhân sự, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.

- Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định liên quan đến việc công bố dịch; ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc xây dựng kế hoạch diễn tập phòng chống dịch bệnh khi cần thiết.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Phối hợp với ngành Y tế tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai công tác tuyên truyền tới người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả, phù hợp để người dân hiểu được sự nguy hiểm của bệnh, hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Y tế thẩm định dự toán chi sự nghiệp y tế được Ủy ban nhân dân tỉnh giao 2020, trong đó có phân bổ kinh phí thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh để tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung kinh phí theo từng tình huống dịch bệnh kịp thời và đảm bảo cho việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường tại vùng có dịch.

- Phối hợp với Sở Y tế, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hướng dẫn và giám sát việc xử lý môi trường tại các khu vực chôn cất người tử vong do bệnh truyền nhiễm.

5. Công an tỉnh: Tổ chức thực hiện việc ổn định an ninh, trật tự khi có trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; phối hợp với ngành Y tế trong công tác cách ly người bệnh theo đúng quy định.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sư đoàn 10: Chỉ đạo lực lượng quân y và các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Y tế hỗ trợ nhân lực, vật lực để triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, chú trọng đến các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Ban hành và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, kế hoạch triển khai công tác VSMT- diệt LQ/BG phòng chống dịch bệnh năm 2020 trên địa bàn.

- Chủ trì và chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp Phòng Y tế tham mưu, huy động các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn vận động và cùng người dân tổ chức triển khai quyết liệt Chiến dịch VSMT- diệt LQ/BG phòng chống dịch bệnh tại địa phương; tăng cường giám sát và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, chú ý đến các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, kịp thời cách ly và thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật biết, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hoặc Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm các xét nghiệm, đặc biệt nhóm nguy cơ cao.

- Chỉ đạo các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương bằng nhiều hình thức để phòng mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

- Hỗ trợ kinh phí chi cho các đơn vị y tế tuyến huyện, xã để giám sát và phòng chống dịch bệnh trong tình huống 01 và 02 (phụ cấp chống dịch; kinh phí mua hoá chất và hỗ trợ cho người trực tiếp phun hóa chất chủ động phòng chống dịch bệnh hoặc xử lý các ổ dịch; kinh phí truyền thông phòng chống dịch bệnh; kinh phí cho Đội xung kích, người dẫn đường; kinh phí mua nhiên liệu máy phun hoá chất, bảo hộ chống dịch, vật tư y tế khác phục vụ phòng chống dịch bệnh…); đối với tình huống 03, Ủy ban nhân dân tuyến huyện, xã tham mưu đề xuất kinh phí bổ sung (qua Sở Y tế) để Sở Y tế tham mưu đề xuất Sở Tài chính theo quy định.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Chỉ đạo các tổ chức thành viên vận động nhân dân tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh; huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ giúp đỡ khi có dịch xảy ra.

Căn cứ nội dung Kế hoạch, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan có thẩm quyền./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các đơn vị lực lượng vũ trang;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, PVP UBND tỉnh phụ trách;
- Lưu VT, KGVX1,4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga

 



1 - Bệnh do vi rút Ebola: Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), tình hình dịch bệnh Ebola tại CHDC Công Gô vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 07-10-2019, đã ghi nhận 3.186 trường hợp mắc với 2.908 trường hợp tử vong, trong đó có 160 nhân viên y tế. Ngày 11 tháng 6 năm 2019, tại Uganda thông báo 03 trường hợp mắc Ebola, đây là các trường hợp đầu tiên có sự lây truyền qua biên giới. Ngày 17 tháng 7 năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh do vi rút Ebola tại Công Gô là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. WHO đánh giá khả năng bùng phát dịch bệnh Ebola tại CHDC Công Gô vẫn ở mức cao dù quốc gia này cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống và triển khai việc điều trị bệnh bằng các loại thuốc mới.

- Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính vùng Trung Đông (MERS-CoV): Trong năm 2019, dịch MERS-CoV vẫn được ghi nhận rải rác tại khu vực Trung Đông (Quata, Ả Rập Xê Út, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất). Từ năm 2012 đến năm 2019, trên toàn cầu đã ghi nhận 2.266 trường hợp mắc MERS-CoV, trong đó có 804 trường hợp tử vong.

- Bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19), theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 08 giờ 30, ngày 24 tháng 02 năm 2020, trên thế giới đã có tổng số trường hợp mắc: 78.991, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 76.944, bên ngoài lục địa Trung Quốc: 2047 trường hợp và đã có tại 34 quốc gia, vùng lãnh thổ; tổng số trường hợp tử vong: 2.469 trường hợp, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 2.443 trường hợp.

- Bệnh cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6): Cúm A(H7N9): Năm 2019, Trung Quốc ghi nhận 01 trường hợp mắc. Từ năm 2013 đến năm 2019, thế giới ghi nhận 1.568 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 616 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc chủ yếu ghi nhận tại Trung Quốc. Cúm A(H5N1): Ngày 09 tháng 4 năm 2019, tại Nepal đã ghi nhận 01 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1). Từ năm 2003 đến năm 2019, trên thế giới đã ghi nhận 861 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 455 trường hợp tử vong tại 17 quốc gia. Cúm A(H5N6): Tháng 8 năm 2019, WHO thông báo ghi nhận 01 trường hợp mắc cúm A(H5N6) tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Từ năm 2014 đến năm 2019, trên thế giới đã ghi nhận 23 trường hợp mắc cúm A(H5N6), các trường hợp mắc chỉ ghi nhận tại Trung Quốc.

- Bệnh bại liệt: Từ 14-9-2019 đến 27-11-2019, Philippines đã ghi nhận 08 trường hợp bại liệt sau 19 năm loại trừ tại nước này. Ngoài ra, trong năm 2019 tại Myanmar cũng đã ghi nhận 06 trường hợp mắc, tại Trung Quốc ghi nhận 01 trường hợp mắc.

- Bệnh sốt vàng: Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), dịch bệnh sốt vàng vẫn ghi nhận một số trường hợp bệnh rải rác, xâm nhập tại châu Phi, Angola và Cộng hòa dân chủ Công Gô và một số các quốc gia khác (Ethiopia, Gambia, Senegal, Nigeria và Hà Lan, Brazil). Tại Nigeria, từ ngày 01-01 đến 31-7-2019, đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc tại 36 bang của nước này.

- Bệnh tả tại Sudan: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 24-9-2019, một ổ dịch tả đã được ghi nhận ở phía Đông Nam của Sudan. Đây là vụ dịch đầu tiên được ghi nhận tại khu vực này. Từ ngày 28-8-2019 (trường hợp đầu tiên khởi phát bệnh) đến 19-9-2019 đã ghi nhận tổng số 124 trường hợp nghi ngờ mắc tả, trong đó có 07 trường hợp tử vong tại 2 bang Blue Nile và Sennar. Ngày 19-9-2019, đã có 6/9 mẫu bệnh phẩm được lấy từ các khu vực có dịch đã có kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả 01 Ogawa. WHO chưa khuyến cáo phải hạn chế đi lại đến khu vực có dịch và Sudan.

- Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD): Bệnh SXHD hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu và được WHO đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất. Hiện bệnh đã lưu hành tại 128 quốc gia nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ, khu vực phía Đông Địa Trung Hải, trong đóĐông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo WHO, mỗi năm có khoảng 390 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%. Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước của khu vực bị SXHD nặng nề, là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em; tỷ lệ mắc SXHD trong khu vực tăng lên đáng kể trong vòng 17 năm qua và từ năm 1980 trở lại đây số mắc SXHD đã tăng lên gần gấp 5 lần so với 30 năm về trước.

- Bệnh sởi: Năm 2019, trên thế giới ghi nhận 664.221 trường hợp mắc sởi tại 171/194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có nhiều nước có số trường hợp mắc cao như: Cộng hòa dân chủ Congo, Madagascar, Sudan, Ethiopia, Yemen, Ukraine, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Myanmar, Philippines, Thailand and India, Pakistan, và Brazil. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, một số quốc gia đã công bố loại trừ bệnh sởi, tuy nhiên trong năm 2019 đều đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi như: Australia, Brunei Darussalam, Cambodia, Hong Kong SAR (China), Macao SAR (China), Japan, New Zealand, Hàn Quốc và Singapore.

2 Trong năm 2019, không ghi nhận sự xâm nhập của các bệnh nguy hiểm mới nổi, các bệnh dịch lưu hành tiếp tục được khống chế, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng có tỷ lệ mắc giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao. Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như bệnh tay chân miệng, SXHD có số mắc gia tăng cục bộ tại một số địa phương vào các tháng cao điểm, bệnh sởi ghi nhận rải rác, lẻ tẻ tại một số tỉnh, thành phố nhưng không thành ổ dịch tập trung cũng đã được can thiệp giải quyết kịp thời tránh được nguy cơ lan rộng và bùng phát thành dịch lớn.

- Dịch bệnh MERS-CoV: Không ghi nhận trường hợp mắc.

- Dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19): tính đến ngày 24 tháng 2 năm 2020 có 16 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong.

- Cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người: Không ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), cúm A(H7N9) trên người. Tuy nhiên vẫn ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) trên các đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành phố. Lũy tích từ năm 2003 đến năm 2019, Việt Nam ghi nhận 127 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 63 trường hợp tử vong.

- Bệnh tay chân miệng: Trong năm 2019, cả nước ghi nhận 107.669 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố (50.410 trường hợp nhập viện), trong đó có 01 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018 (133.789/65.288), số mắc cả nước giảm 19,5%, số trường hợp nhập viện giảm 22,8%.

- Bệnh SXHD: Trong năm 2019, cả nước ghi nhận 334.664 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố với 54 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018 (135.154/26) số mắc tăng 2,4 lần; tỷ lệ tử vong là 0,016%, tương đương cùng kỳ năm 2018.

- Bệnh viêm não vi rút: Trong năm 2019, cả nước ghi nhận 603 trường hợp mắc (106 trường hợp dương tính) với 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018 (784/22), số mắc giảm 23,1%, số tử vong giảm 06 trường hợp.

- Bệnh viêm não Nhật Bản: Trong năm 2019, cả nước ghi nhận 137 trường hợp mắc tại 45 tỉnh, thành phố (112 trường hợp dương tính) với 02 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018 (277/05), số mắc giảm 50,5%, số tử vong giảm 03 trường hợp.

- Bệnh sốt rét: Trong năm 2019, cả nước ghi nhận 5.908 trường hợp mắc (12 bệnh nhân sốt rét ác tính, 4.699 bệnh nhân có ký sinh trùng), không có trường hợp tử vong. Phân bố ký sinh trùng sốt rét tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên (60,8%), miền Trung (30%), miền Nam (7,9%). So với cùng kỳ năm 2018, số bệnh nhân sốt rét giảm 12,77%, bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét giảm 2,85%.

- Bệnh dại: Trong năm 2019, cả nước ghi nhận 77 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 31 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở khu vực phía Bắc). So với cùng kỳ năm 2018 (105 trường hợp), số tử vong do bệnh dại giảm 28 trường hợp.

- Các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng:

+ 19 năm liên tục Việt Nam bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt kể từ khi chính thức được WHO xác nhận vào năm 2000, trong bối cảnh vi rút bại liệt hoang dại vẫn lưu hành ở một số quốc gia vùng Nam Á, cũng như sự xuất hiện trở lại các ca bại liệt ở những quốc gia khác trong khu vực.

+ Năm thứ 14 Việt Nam duy trì loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh quy mô huyện trên phạm vi cả nước. Nhờ triển khai vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ tuổi sinh đẻ liên tục từ 1993 đến nay, số trường hợp mắc/tử vong do uốn ván sơ sinh đã giảm từ 334 trường hợp mắc, 225 trường hợp tử vong năm 1991 xuống còn 52 trường hợp mắc, 18 trường hợp tử vong năm 2017.

+ Đa số các bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có số mắc giảm nhiều lần so với năm 1984 khi chưa triển khai tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên vẫn ghi nhận một số dịch bệnh có xu hướng gia tăng trong năm 2019, như sau: Bệnh sởi ghi nhận 39.417 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (7.114 trường hợp dương tính) với 04 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2018 (8.444 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, 1.889 trường hợp sởi dương tính, 01 trường hợp tử vong), số trường hợp sốt phát ban nghi sởi tăng 4,8 lần, số dương tính với sởi tăng 4,6 lần, số tử vong tăng 03 trường hợp; bệnh bạch hầu ghi nhận 67 trường hợp mắc (38 trường hợp dương tính) với 04 trường hợp tử vong, so với năm 2018 (15 trường hợp mắc, 03 tử vong), số mắc tăng 52 trường hợp; bệnh ho gà ghi nhận 1.227 trường hợp mắc (756 trường hợp dương tính), 01 trường hợp tử vong, so với năm 2018 (676 trường hợp mắc, 02 tử vong), số mắc tăng 81,5%.

- Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Các trường hợp mắc bệnh xuất hiện rải rác, không có ổ dịch tập trung.

3 Tính đến 31/12/2019: Bệnh tay chân miệng ghi nhận 127 trường hợp, không có trường hợp tử vong, giảm 86 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; SXHD ghi nhận 1.725 trường hợp, có 02 trường hợp tử vong, tăng 1.239 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; bệnh thủy đậu ghi nhận 433 trường hợp, không có trường hợp tử vong, tăng 53 trường hợp so với cùng kỳ năm trước, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 01 trường hợp, không có trường hợp tử vong, giảm 01 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; bệnh quai bị ghi nhận 328 trường hợp, không có trường hợp tử vong, giảm 36 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; bệnh viêm gan vi rút A ghi nhận 11 trường hợp, không có trường hợp tử vong, giảm 31 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; bệnh dại ghi nhận 01 trường hợp, có 01 trường hợp tử vong, giảm 04 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; bệnh bạch hầu ghi nhận 08 trường hợp, không có trường hợp tử vong, tăng 01 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Bệnh sởi ghi nhận 104 trường hợp, không có trường hợp tử vong, tăng 104 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Bệnh ho gà ghi nhận 01 trường hợp, không có trường hợp tử vong, tăng 01 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Bệnh cúm A(H1N1) ghi nhận 02 trường hợp, có 01 trường hợp tử vong. Bệnh cúm A(H5N1, H7N9…), Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh do vi rút ZiKa không ghi nhận trường hợp mắc bệnh

4 Tính đến 31/12/2019: Bệnh tay chân miệng: Giám sát và khử khuẩn 127 hộ gia đình; SXHD: Giám sát và điều tra theo mẫu quy định 1.725 trường hợp; bệnh quai bị giám sát và khử khuẩn tại 328 hộ; bệnh thủy đậu giám sát và khử khuẩn tại 433 hộ; bệnh dại: Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tại địa phương tuân thủ các điều kiện cần thiết để thực hiện các hoạt động tiêm phòng bệnh dại và điều trị dự phòng bệnh dại trên người; bệnh bạch hầu: Phun hoá chất Cloramin B 0,5% clo hoạt chất tại Trường học và các hộ gia đình xung quanh nhà có bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu, cấp kháng sinh Erythromycin 500mg để điều trị dự phòng cho nhân viên y tế, những người tiếp xúc và những người lân cận xung quanh nhà có bệnh nhân mắc bệnh.

5 Triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu cho đối tượng từ 07 tuổi đến 25 tuổi tại xã Đăk Blà- thành phố Kon Tum; xã Ngọc Linh- huyện Đăk Glei; xã Hơ Moong- huyện Sa Thầy; xã Đăk Pxy, Đăk Ui, Ngọc Réo- huyện Đăk Hà; các xã thuộc huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông. Tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao tại các huyện, thành phố (Tu Mơ Rông, thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Kon Plông, Sa Thầy). Triển khai tiêm phòng chống bệnh dại tại 38 điểm tiêm tại 10 huyện/thành phố, số lượng: 2.064 người tiêm với 8.592 mũi tiêm (trong đó có 192 người được tiêm miễn phí với 666 mũi tiêm).

6 Tính đến 31/12/2019: Bệnh bạch hầu ghi nhận 08 trường hợp (Kon Tum 01, Đăk Hà 04, Đăk Tô 01, Ngọc Hồi 01, Sa Thầy 01); uốn ván sơ sinh ghi nhận 02 trường hợp tại huyện Đăk Hà với 01 trường hợp tử vong; bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 01 trường hợp tại huyện Kon Plong; bệnh ho gà ghi nhận 01 trường hợp tại huyện Ngọc Hồi; bệnh sởi ghi nhận 104 trường hợp (thành phố Kon Tum 38, Đăk Hà 33, Ngọc Hồi 04, Đăk Glei 01, Kon Rẫy 07, Kon Plong 14, Sa Thầy 06, Ia H’Drai 01).

7 Quyết định số 17-QĐ/SYT ngày 07/01/2020 của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum về việc giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.

8 Theo Quyết định số 5894/QĐ-BYT.

9 Ngân sách tỉnh 1.000 triệu đồng, ngân sách huyện 1.682 triệu đồng.

10 Ngân sách tỉnh 4.505 triệu đồng, ngân sách huyện 2.323 triệu đồng.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản