37650

Nghị định 169-HDDBT năm 1988 quy định cơ chế quản lý kinh tế các cơ sở quốc doanh sản xuất nông nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

37650
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Nghị định 169-HDDBT năm 1988 quy định cơ chế quản lý kinh tế các cơ sở quốc doanh sản xuất nông nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu: 169-HĐBT Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng Người ký: Võ Văn Kiệt
Ngày ban hành: 14/11/1988 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 15/12/1988 Số công báo: 23-23
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 169-HĐBT
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
Người ký: Võ Văn Kiệt
Ngày ban hành: 14/11/1988
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 15/12/1988
Số công báo: 23-23
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 169-HĐBT

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1988

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 169-HĐBT NGÀY 14-11-1988 BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ KINH TẾ CÁC CƠ SỞ QUỐC DOANH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP  

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG    

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Để cụ thể hoá Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (khoá VI). Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị và Quyết định số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng thành cơ chế quản lý kinh tế đối với các cơ sở quốc doanh sản xuất nông nghiệp,

NGHỊ ĐỊNH:  

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định của Hội đồng bộ trưởng về cơ chế quản lý kinh tế đối với các cơ sở quốc doanh sản xuất nông nghiệp.

Điều 2. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 3. Nghị định này thi hành từ ngày ban hành; những quy định trước đây trái với những quy định này đều bãi bỏ.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ KINH TẾ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ QUỐC DOANH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP 
(Ban hành kèm theo Nghị định số 169-HĐBT ngày 14-11-1988 của Hội đồng Bộ trưởng)

Phần 1:

SẮP XẾP VÀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT, KINH DOANH

Điều 1.

Xí nghiệp nông nghiệp quốc doanh là tổ chức kinh tế cơ sở thuộc sở hữu Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, hạch toán kinh tế và tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh.

Việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm cho các xí nghiệp phát huy đầy đủ vai trò chủ đạo, thể hiện trên các mặt chủ yếu sau đây:

- Làm trung tâm hiệp tác, liên kết, liên doanh đối với các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế gia đình và các thành phần kinh tế khác, trước hết ở trong vùng về sản xuất kinh doanh nông sản hàng hoá, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, tổ chức quản lý, dạy nghề, bồi dưỡng công nhân và cán bộ.

- Làm nòng cốt và thực hiện dịch vụ một số khâu then chốt như sản xuất giống cây, giống con, chế biến nông sản, thức ăn gia súc, sửa chữa cơ khí, tưới tiêu nước, bảo vệ thực vật, thú y v.v...

- Góp phần tích cực trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xây dựng vùng kinh tế mới và phân bố lại dân cư, lao động giữa các vùng.

Điều 2.

Căn cứ vào quy hoạch sản xuất nông nghiệp trong cả nước và từng vùng kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Tổng cục Cao su, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính rà soát lại quy hoạch luận chứng kinh tế - kỹ thuật hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng xí nghiệp và phân loại để có kế hoạch củng cố, chấn chỉnh đối với từng loại xí nghiệp;

- Đối với những xí nghiệp có phương hướng sản xuất kinh doanh ổn định, quy mô thích hợp và kinh doanh có hiệu quả, thì tập trung đầu tư chiều sâu, thâm canh bằng vốn tự có của xí nghiệp là chủ yếu, đồng thời kết hợp vốn đầu tư của Nhà nước để mở rộng sản xuất kinh doanh và xây dựng những công trình thiết yếu tăng cường kết cấu hạ tầng của vùng (năng lượng, thuỷ lợi, giao thông...).

- Đối với những xí nghiệp có nhiệm vụ sản xuất giống cây, giống con, những xí nghiệp ở các địa bàn trọng yếu kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, điều kiện sản xuất và đời sống có khó khăn, thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật và các công trình phúc lợi cần thiết.

- Đối với những xí nghiệp sản xuất chưa ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, bị lỗ vốn, quy mô quá lớn, thì phải xác định lại nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, quy mô, tổ chức lao động cho phù hợp với các điều kiện sản xuất và tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các xí nghiệp này chủ động sản xuất kinh doanh để sau 1-2 năm khắc phục những yếu kém tồn tại và chuyển sang kinh doanh có lãi.

- Đối với một số xí nghiệp xét thấy trước mắt và lâu dài tồn tại không có hiệu quả (sản xuất không phát triển, kinh doanh tiếp tục thua lỗ v. v...) thì chuyển từng bộ phận hoặc cả xí nghiệp sang các hình thức kinh tế khác. Cơ quan chủ quản cấp trên của xí nghiệp hướng dẫn giúp đỡ cho cán bộ, công nhân viên tổ chức sản xuất theo hình thức phù hợp để có hiệu quả.

- Việc đầu tư xây dựng xí nghiệp mới phải được cân nhắc, tính toán về hiệu quả đầu tư, có luận chứng kinh tế - kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Điều 3.

Sắp xếp lại sản xuất kinh doanh trong các xí nghiệp.

- Giám đốc xí nghiệp với tư cách là chủ đầu tư, phải cùng với tập thể lao động xác định phương hướng sản xuất kinh doanh của xí nghiệp theo nguyên tắc chuyên môn hoá, thâm canh, kinh doanh tổng hợp, gắn sản xuất của xí nghiệp với cơ cấu kinh tế của vùng, với tiêu thụ. Kết hợp chặt chẽ trồng trọt với chăn nuôi; nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp với công nghiệp chế biến v.v... Trên cơ sở đó mà bố trí cơ cấu đầu tư thích hợp.

- Các xí nghiệp được phát triển và mở rộng các hình thức liên kết, liên doanh giữa các xí nghiệp với nhau, xí nghiệp với kinh tế tập thể, và các thành phần kinh tế khác, sản xuất với khoa học, với tiêu thụ sản phẩm theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

- Đối với các xí nghiệp có quy mô diện tích quá lớn không phù hợp với điều kiện sản xuất và trình độ quản lý thì xí nghiệp tiến hành quy hoạch lại, có phương án tách chia hoặc điều chỉnh quy mô phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ và phương tiện quản lý và báo cáo lên cấp có thẩm quyền quyết định.

- Sau khi điều chỉnh quy mô đất đai hợp lý, số diện tích dôi ra xí nghiệp phải báo cáo lên cơ quan chủ quản cấp trên để có kế hoạch sử dụng hợp lý hoặc chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý sử dụng.

Điều 4.

Xí nghiệp sắp xếp lại tổ chức, tinh giảm biên chế bộ máy quản lý xí nghiệp, thực sự gọn nhẹ, gồm có Giám đốc, từ 1 đến 2 Phó Giám đốc, kế toán trưởng và thực hiện chế độ trợ lý giúp việc, chỉ tổ chức một số phòng nghiệp vụ thực sự cần thiết. Cấp đội gồm đội trưởng và một số đội phó kỹ thuật (nếu cần thiết). Tiến hành việc tiêu chuẩn hoá cán bộ, từng bước thực hiện chế độ hợp đồng lao động đối với cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật. Thực hiện chế độ một thủ trưởng trong công tác quản lý xí nghiệp.

Giám đốc xí nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi để tập thể công nhân viên chức thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình thông qua hoạt động của Đại hội công nhân viên chức, Hội đồng xí nghiệp, Ban Thanh tra công nhân, đại diện của các tổ chức quần chúng trong xí nghiệp (công đoàn, thanh niên, phụ nữ...).

Việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất kinh doanh trong các xí nghiệp phải hoàn thành trong năm 1989.

Phần 2:

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ SẢN XUẤT VÀ HẠCH TOÁN KINH DOANH XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

I- CÔNG TÁC KẾ HOẠCH

Điều 5.

Kế hoạch của xí nghiệp phải nhằm mục tiêu sử dụng hợp lý nhất toàn bộ đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng lao động của xí nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sản lượng, chất lượng sản phẩm hàng hoá và các dịch vụ kỹ thuật cần thiết, tạo nguồn thu ngày càng lớn và vững chắc, bảo đảm hoàn thành các nghĩa vụ về bán sản phẩm và nộp ngân sách, tích luỹ tái sản xuất mở rộng và tăng thu nhập, cải thiện đời sống của cán bộ công nhân.

Kế hoạch của xí nghiệp phải bao gồm toàn bộ hoạt động sản xuất, dịch vụ trong kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính thống nhất của xí nghiệp.

Xí nghiệp có quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch từ mọi nguồn cân đối, kể cả nguồn do xí nghiệp huy động được.

Kế hoạch của xí nghiệp do Giám đốc chỉ đạo xây dựng với sự tham gia dân chủ tập thể công nhân viên chức và do Đại hội công nhân viên chức quyết định trên nguyên tắc phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đối với Nhà nước.

Điều 6.

Nhà nước căn cứ vào nhu cầu, khả năng cân đối các điều kiện vật chất cơ bản và hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng xí nghiệp để giao từ 1 đến 2 chỉ tiêu pháp lệnh.

- Đối với việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm được Nhà nước cân đối vật tư và các điều kiện vật chất khác thì giao 2 chỉ tiêu:

1- Số lượng, chất lượng sản phẩm hàng hoá chủ yếu tiêu thụ theo địa chỉ quy định.

2- Các khoản nộp ngân sách Nhà nước (nếu có).

- Đối với các dịch vụ sửa chữa được Nhà nước cân đối vật tư và các điều kiện vật chất khác thì giao 1 chỉ tiêu các khoản giao nộp ngân sách Nhà nước.

II- VẬT TƯ VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Điều 7. Cơ quan cung ứng vật tư và năng lượng cho xí nghiệp phải bảo đảm cung ứng đúng số lượng, chất lượng, địa điểm, thời gian và giá cả theo hợp đồng đã ký kết. Xí nghiệp lập quỹ dự trữ vật tư cần thiết và tổ chức sản xuất khai thác vật tư để bảo đảm chủ động cân đối kế hoạch.

Điều 8. Xí nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các hợp đồng bán sản phẩm theo kế hoạch. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, xí nghiệp giao trực tiếp cho các tổ chức xuất khẩu theo quy định của Nhà nước và hợp đồng. Đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước và không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, xí nghiệp giao trực tiếp cho các tổ chức tiêu thụ, hoặc trực tiếp tổ chức bán thẳng cho người tiêu dùng.

Điều 9. Đối với các sản phẩm vượt kế hoạch, sản phẩm tận thu (gia súc, vườn cây đã hết khấu hao, sản phẩm thu bói...), các sản phẩm kinh doanh tổng hợp không được Nhà nước cân đối vật tư thì quyền tiêu thụ thuộc xí nghiệp quyết định, được bán theo giá thoả thuận hoặc trao đổi lấy vật tư, lương thực và hàng hoá cần thiết.

Điều 10. Tuỳ theo điều kiện cụ thể các xí nghiệp được mở cửa hàng tại các thị trấn, thị xã, khu dân cư tập trung v.v... để giới thiệu và bán sản phẩm do xí nghiệp sản xuất.

III- CHÍNH SÁCH ĐƯA KỸ THUẬT TIẾN BỘ VÀO SẢN XUẤT KINH DOANH

Điều 11. Xí nghiệp chủ động thiết lập và mở rộng mọi hình thực liên kết, liên doanh với các cơ sở khoa học kỹ thuật (Viện, trường, trung tâm nghiên cứu của cả trung ương và địa phương) các tập thể hoặc cá nhân để nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.

Các xí nghiệp được sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận tăng thêm trong 3 năm đầu và 70% giá trị vật tư tiết kiệm được do ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại để bổ sung vào các quỹ và khen thưởng thoả đáng cho những tập thể và cá nhân đã trực tiếp đóng góp vào kết quả đó.

Điều 12. Trên cơ sở bảo đảm nghĩa vụ Nhà nước giao, các xí nghiệp được sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ, công nhân và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có để tổ chức làm dịch vụ (sản xuất giống cây, giống con, sửa chữa xe máy, bảo vệ thực vật, thú y v.v...) tổ chức chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi dưới các hình thực gia công, liên kết, liên doanh với kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác. Phần lợi nhuận thu được từ các hoạt động dịch vụ này xí nghiệp được để lại một tỷ lệ (%) thoả đáng để bổ sung 3 quỹ của xí nghiệp.

IV- QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH

Điều 13. Chế độ hạch toán kinh tế:

Các xí nghiệp phải thực hiện đầy đủ chế độ hạch toán kinh tế, kinh doanh có lãi trên cơ sở tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm hàng hoá và hạ giá thành. Thực hiện tự trang trải chi phí sản xuất, chi phí quản lý, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và trả nợ nước ngoài đúng kỳ hạn, có tích luỹ tái sản xuất mở rộng và tăng thu nhập của cán bộ, công nhân.

- Đối với các xí nghiệp sản xuất giống cây, giống con nguyên chủng và cấp I theo kế hoạch Nhà nước giao, các xí nghiệp làm nhiệm vụ đặc biệt kết hợp kinh tế quốc phòng, an ninh ở những địa bàn xung yếu, khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ về tài chính trong một thời gian nhất định.

- Trường hợp bị thiên tai, dịch bệnh, gây thiệt hại lớn được Nhà nước hỗ trợ về tài chính.

- Các xí nghiệp thuộc xí nghiệp liên hợp, liên hiệp các xí nghiệp, tổng công ty v.v... đang thực hiện chế độ hạch toán phụ thuộc, nay chuyển sang thực hiện chế độ hạch toán độc lập để bảo đảm quyền tự chủ tài chính và tư cách pháp nhân đầy đủ của đơn vị kinh tế cơ sở.

Điều 14. Chế độ tạo vốn:

Về vốn tự có: Ngoài phần vốn cố định và vốn lưu động được Nhà nước đầu tư ban đầu theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật, xí nghiệp có trách nhiệm tự tạo vốn (gồm vốn lưu động, các quỹ xí nghiệp, vốn xây dựng cơ bản do xí nghiệp đầu tư) và được toàn quyền sử dụng vốn đó để mở rộng sản xuất kinh doanh. Vốn tự có của xí nghiệp được hình thành từ các nguồn sau đây:

- Được bổ sung bằng lợi nhuận để lại của xí nghiệp.

- Chênh lệch giá vật tư, hàng hoá, sản phẩm, bán thành phẩm và chi phí dở dang chưa thu hoạch.

- Toàn bộ khấu hao cơ bản.

- Vay vốn nước ngoài để nhập vật tư thiết bị hàng hoá.

- Vốn góp thông qua các hình thức liên kết, liên doanh với các thành phần kinh tế.

- Vốn góp cổ phần, vốn vay của tập thể, cá nhân trong và ngoài xí nghiệp.

Về vốn xây dựng cơ bản:

- Ngân sách Nhà nước đầu tư vốn ban đầu cho các công trình nghiên cứu thực nghiệm và sản xuất giống cây, giống con, các công trình trọng điểm lớn thời gian thu hồi vốn lâu, các công trình hợp tác kinh tế kỹ thuật với nước ngoài v.v... tương ứng với luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt và giao cho Giám đốc cùng tập thể công nhân viên chức xí nghiệp quản lý sử dụng tái tạo để phát triển sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư ban đầu này được ngân sách cấp theo tiến độ xây dựng cho đến khi kết thúc việc xây dựng theo luận chức kinh tế - kỹ thuật được duyệt.

- Các công trình khác phải dựa vào nguồn vốn tín dụng Ngân hàng.

- Toàn bộ vốn khấu hao cơ bản (trừ vốn vay Ngân hàng) được để lại xí nghiệp để bổ sung hoặc xây dựng mới tài sản cố định.

- Đầu tư chiều sâu và mở rộng sản xuất bằng nguồn vốn tự có của xí nghiệp hoặc vay Ngân hàng, kể cả vốn vay nước ngoài.

- Đối với tài sản cố định (trang thiết bị, nhà xưởng, kho tàng, gia súc cơ bản v.v...) nếu xí nghiệp xét thấy trước mắt và lâu dài không cần đến thì có thể cho thuê hoặc nhượng bán cho các đơn vị kinh tế khác kể cả kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể. Trường hợp cần bán tài sản cố định đầu tư bằng vốn của ngân sách, xí nghiệp phải báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên xem xét, quyết định. Sau 30 ngày, kể từ khi gửi báo cáo, nếu cơ quan cấp trên không có ý kiến, xí nghiệp được bán theo phương án đề nghị của mình. Tiền cho thuê hoặc nhượng bán tài sản đó được bổ sung vào quỹ phát triển sản xuất của xí nghiệp. Nghiêm cấm việc mua đi bán lại tài sản cố định để kiếm lời.

- Toàn bộ giá trị sản phẩm thu bói trong thời kỳ xây dựng cơ bản, sản phẩm tận thu của các vườn cây, đàn gia súc và các máy móc thiết bị đã hết khấu hao (sau khi đã trừ chi phí) được để lại xí nghiệp làm vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản và bổ sung vốn lưu động. Các khoản này xí nghiệp phải hạch toán và theo dõi riêng.

Về vốn lưu động:

Ngoài vốn ngân sách đầu tư ban đầu được cấp theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật, vốn lưu động của xí nghiệp được bổ sung từ các nguồn:

- Trích một tỷ lệ (%) quỹ phát triển sản xuất để bổ sung tuỳ theo mức độ cần thiết của từng xí nghiệp.

- Số chênh lệch giá các vật tư hàng hoá, sản phẩm, bán thành phẩm tồn kho và chi phí dở dang khi có quyết định thay đổi giá của cấp có thẩm quyền.

- Vốn nhàn rỗi huy động trong cán bộ, công nhân, nhân dân (kể cả kiều bào ở nước ngoài) với các hình thức cho vay, góp cổ phần.

- Vốn vay của Ngân hàng.

Điều 15. Phân phối lợi nhuận:

Lợi nhuận thực hiện (bao gồm lợi nhuận sản xuất chính, sản xuất phụ và kinh doanh tổng hợp) bằng tổng doanh thu thực hiện trừ (-) tổng giá thành sản phẩm tiêu thụ, trừ (-) toàn bộ giá trị sản phẩm thu bói trong thời kỳ xây dựng cơ bản, sản phẩm tận thu của các tài sản cố định đã hết khấu hao (sau khi đã trừ chi phí) trừ (-) thu quốc doanh và chênh lệch giá (nếu có).

Lợi nhuận thực hiện sau khi trừ (-) 100% phần lợi nhuận vượt kế hoạch do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh (3 năm đầu) và 70% giá trị tiết kiệm vật tư, số còn lại coi như 100% được phân phối như sau:

Đối với sản xuất chính (chỉ tiêu pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng của Nhà nước):

Đối với các xí nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao thì nộp ngân sách 40% và để lại xí nghiệp 60%.

Đối với sản xuất phụ và kinh doanh tổng hợp:

Không phân biệt trong kế hoạch hoặc vượt kế hoạch được phân phối theo tỷ lệ:

- Xí nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sản xuất chính, được để lại 70% và nộp ngân sách 30%.

- Xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sản xuất chính, được để lại 50% và nộp ngân sách 50%.

Lợi nhuận để lại trích lập các quỹ xí nghiệp bằng toàn bộ số lợi nhuận để lại nói ở phần trên, trừ (-) lãi vay Ngân hàng ngoài kế hoạch tín dụng, trừ (-) các khoản nộp phạt (vi phạm hợp đồng, nợ quá hạn v.v...).

Phân phối lợi nhuận để lại như sau:

- Quỹ phát triển sản xuất ít nhất là 35% (không hạn chế số tối đa), trong đó trích 1% để lập quỹ dự trữ tài chính tập trung ở cấp trên và một tỷ lệ (%) để bổ sung vốn lưu động tuỳ mức độ cần thiết của từng xí nghiệp.

- Số còn lại lập quỹ khen thưởng và phúc lợi, tỷ lệ mỗi quỹ bao nhiêu do Đại hội công nhân, viên chức và Giám đốc xí nghiệp quyết định.

Điều 16. Về thu quốc doanh:

- Các sản phẩm hàng hoá do xí nghiệp sản xuất thì nộp thu quốc doanh theo Quyết định số 188-CT ngày 21-6-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Được miễn thu quốc doanh đối với các sản phẩm cây, con giống nguyên chủng và cấp I và lương thực, thực phẩm do các cơ sở sản xuất quốc phòng, an ninh sản xuất để hỗ trợ đời sống cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.

Điều 17. Hạch toán giá thành sản phẩm:

Xí nghiệp được hạch toán vào giá thành sản phẩm những khoản chi sau đây:

- Vật tư do Nhà nước cân đối hoạch toán theo giá Nhà nước quy định.

- Vật tư do xí nghiệp tự cân đối hạch toán theo giá thực mua.

- Các khoản lãi vay Ngân hàng về mua sắm tài sản cố định để đầu tư chiều sâu, lãi vay vốn lưu động trong định mức và trên định mức trong kế hoạch tín dụng.

- Các khoản chi bồi dưỡng tay nghề tập trung, các trường lớp bên cạnh xí nghiệp, chi phí bệnh xá, trạm xá, chi phí phục vụ nhà ăn tập thể, nhà ăn bồi dưỡng ca 3, độc hại v.v...

- Các khoản chi phí áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trực tiếp đến sản xuất sản phẩm.

Không hoạch toán vào giá thành sản phẩm tiền lãi vốn lưu động trên định mức nhiều ngoài kế hoạch tín dụng, tiền lãi vốn vay của tập thể hoặc tư nhân, các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, phạt tín dụng thanh toán, các khoản chi không đúng chế độ. Những khoản chi nói trên phải trả bằng nguồn lợi nhuận để lại xí nghiệp.

V- TÍN DỤNG VÀ THANH TOÁN

Điều 18.

Xí nghiệp được mở tài khoản tại Ngân hàng và gửi các loại vốn bằng tiền chưa sử dụng vào Ngân hàng và được Ngân hàng trả lãi.

Xí nghiệp có quyền chọn cơ sở Ngân hàng thuận lợi nhất trong phạm vi tỉnh và thành phố để mở tài khoản tiền gửi chính và giao dịch để thực hiện các dịch vụ gửi, rút tiền, vay, trả tiền và thanh toán. Đồng thời xí nghiệp được mở các tài khoản gửi phụ và tài khoản tiền vay phụ ở Ngân hàng thuộc địa phương khác, nơi có các đơn vị quan hệ thường xuyên với xí nghiệp.

Ngân hàng có trách nhiệm tổ chức công tác thanh toán thuận lợi, nhanh và phải bồi thường cho xí nghiệp trong trường hợp thanh toán chậm hoặc sai sót do lỗi của Ngân hàng.

Điều 19. Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm tiến hành bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất và luân chuyển vốn của các xí nghiệp nông nghiệp (thường phải phụ thuộc mùa vụ và chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, gia súc, gia cầm v.v... và phải dự trữ vật tư cho vụ sản xuất kế tiếp và dự phòng chống thiên tai, dịch bệnh). Lãi suất vốn vay để sản xuất giống theo kế hoạch Nhà nước phải thấp hơn vốn vay để sản xuất các loại nông sản khác.

VI- QUYỀN TỰ CHỦ VỀ GIÁ CẢ

Điều 20. Xí nghiệp được quyền quyết định hoặc thoả thuận với khách hàng để quyết định giá các loại sản phẩm và dịch vụ sau:

- Các loại sản phẩm ngoài danh mục Nhà nước định giá.

- Các sản phẩm tự cân đối, vật tư, các sản phẩm kinh doanh tổng hợp và ngoài kế hoạch pháp lệnh của Nhà nước.

- Các sản phẩm điều động nội bộ xí nghiệp (giống cây, giống con, nguyên liệu chế biến v.v...) để tiếp tục quá trình sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng tiêu thụ được.

- Sản phẩm trong chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh Nhà nước giao nhưng các tổ chức thương nghiệp được chỉ định không đến nhận theo đúng hợp đồng đã ký kết, xí nghiệp được quyền tìm khách hàng khác để tiêu thụ theo giá cả thoả thuận.

- Các sản phẩm sản xuất thử, sản phẩm mới chưa đưa vào kế hoạch kinh doanh, sản phẩm bán giới thiệu chào hàng tại các cửa hàng, các hội chợ triển lãm, các dịch vụ kỹ thuật (sửa chữa cơ khí, bảo vệ thực vật, thú y, tưới tiêu nước v.v...).

- Các vật tư, hàng hoá tồn kho kém hoặc mất phẩm chất sau khi làm đầy đủ thủ tục xác định vật tư hàng hoá kém hoặc mất phẩm chất theo quy định.

Điều 21. Đối với các sản phẩm thuộc danh mục Nhà nước thống nhất quản lý giá:

- Xí nghiệp chủ động xây dựng phương án giá thành và kiến nghị giá bán gửi lên cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Xí nghiệp được quyền bảo vệ mức giá kiến nghị trước cơ quan duyệt giá theo quy chế phân cấp quản lý giá của Nhà nước.

- Cơ quan duyệt giá quyết định mức giá sau khi trao đổi với xí nghiệp và đơn vị tiêu thụ và phải duyệt giá kịp thời, chậm nhất là 20 ngày. Nếu là sản phẩm tươi sống, thời vụ thì phải duyệt trong 10 ngày, kể từ ngày cơ quan duyệt giá nhận được phương án giá, quá thời hạn đó, xí nghiệp được quyền thoả thuận với khách hàng về giá bán theo mức đề nghị trong phương án; khi có quyết định chính thức không phải thanh toán lại.

VII- LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG VÀ XÃ HỘI

Điều 22.

Xí nghiệp thực hiện quyền tự chủ về tổ chức và quản lý lao động từ các khâu tuyển chọn, hợp đồng, đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp lao động. Xí nghiệp có trách nhiệm thường xuyên bảo đảm phương tiện và điều kiện bảo hộ lao động, tăng cường trang bị kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập của cán bộ, công nhân.

Điều 23. Xí nghiệp có quyền chọn và thực hiện các hình thực trả lương (trả theo sản phẩm cuối cùng, theo khối lượng công việc hoàn thành, theo thời gian v.v...), phù hợp với điều kiện lao động và kết quả sản xuất kinh doanh của xí nghiệp trên cơ sở các chế độ chính sách của Nhà nước và do Đại hội công nhân viên chức quyết định.

Điều 24.

Khuyến khích các xí nghiệp mở rộng các hình thực khoán sản phẩm cuối cùng đến hội, nhóm hộ, người lao động và tổ đội sản xuất. Xí nghiệp được giao cho người nhận khoán quyền sử dụng ruộng đất ổn định trong một thời gian phù hợp với đặc điểm sinh trưởng và chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng.

Trong thời gian nhận khoán, người nhận khoán được trồng xen và thu hoạch sản phẩm trồng xen trong các vườn cây lâu năm, được chuyển quyền sử dụng ruộng đất cho người khác theo pháp luật của Nhà nước. Trường hợp người nhận khoán vi phạm quy chế quản lý sử dụng ruộng đất hoặc sử dụng ruộng đất đạt hiệu quả thấp, thì xí nghiệp có quyền giảm hoặc thu hồi diện tích giao khoán.

Điều 25. Khuyến khích mở rộng các hình thức gia công chăn nuôi (lợn, bò sữa, gia cầm v.v...) cho các gia đình cán bộ, công nhân viên của xí nghiệp, các tổ chức và nhân dân, trên cơ sở xí nghiệp đảm nhận các khâu kỹ thuật về giống, thức ăn bổ sung, thú y, tổ chức giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (kể cả xuất khẩu) để tạo ra những vùng chăn nuôi hàng hoá có hiệu quả cao.

Điều 26.

Xí nghiệp mở rộng hình thức đấu thầu để giao khoán cho tập thể, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình hoặc cá thể, tư nhân đảm nhận thi công một số công trình kiến trúc, giao thông, thuỷ lợi, sản xuất vật liệu, sử dụng đất trồng, đồi núi trọc, ao hồ v.v...

Nhà nước thừa nhận và bảo trợ quyền sở hữu cá nhân đối với công cụ, sức kéo, máy móc và các tài sản khác do cán bộ, công nhân xí nghiệp mua sắm để sản xuất và kinh doanh hợp pháp.

Điều 27. Xí nghiệp xây dựng các định mức khoán hợp lý và ổn định trong một thời gian nhất định (3 đến 5 năm). Phần vượt khoán xí nghiệp phải thanh toán lại cho người nhận khoán với một tỷ lệ (%) khuyến khích thoả đáng, không hạn chế số tuyệt đối, tính theo giá, thoả thuận (nếu thanh toán bằng giá trị) và phù hợp với từng loại sản phẩm, từng loại công việc cụ thể.

Điều 28. Người nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành và hoàn thành vượt mức hợp động khoán với xí nghiệp, góp phần hoàn thành kế hoạch của Nhà nước và các cam kết với khách hàng, thực hiện đầy đủ quy trình, quy phạm kỹ thuật, quy hoạch, kế hoạch của xí nghiệp và pháp luật của Nhà nước về ruộng đất, lao động, bảo vệ sản xuất và môi trường v.v...

Điều 29. Thực hiện khoán quỹ lương cho bộ máy quản lý xí nghiệp và đội sản xuất, gắn thù lao tiền lương, tiền thưởng của cán bộ, nhân viên quản lý với kết quả sản xuất kinh doanh của cả xí nghiệp và từng loại sản phẩm, từng hoạt động dịch vụ và công tác cụ thể.

Điều 30.

Xí nghiệp phải có kế hoạch khuyến khích phát triển kinh tế gia đình gắn liền với kế hoạch sản xuất kinh doanh của xí nghiệp. Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng nơi, xí nghiệp có quy hoạch dành một số diện tích đất đai và giúp đỡ, hướng dẫn các gia đình phát triển sản xuất để cải thiện đời sống, tăng thêm hàng hoá tiêu dùng và tham gia xuất khẩu.

Khuyến khích cán bộ, công nhân viên giải quyết nhà ở theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trên cơ sở quy hoạch dân cư phù hợp trước mắt và lâu dài.

Các xí nghiệp kết hợp chặt chẽ với chính quyền, địa phương và các đơn vị kinh tế có liên quan trên địa bàn để cùng đầu tư xây dựng các cơ sở trường học, chữa bệnh, và các công trình phúc lợi công cộng khác.

VIII- XUẤT NHẬP KHẨU, HỢP TÁC KINH TẾ VÀ LIÊN DOANH SẢN XUẤT VỚI NƯỚC NGOÀI

Điều 31. Nhà nước khuyến khích các xí nghiệp sản xuất, hoặc liên kết để sản xuất nông sản xuất khẩu. Xí nghiệp có sản phẩm xuất khẩu hoặc được nhập khẩu có nhiệm vụ và quyền lợi theo chính sách và cơ chế xuất, nhập khẩu của Nhà nước.

Điều 32. Các xí nghiệp được giao kế hoạch sản xuất hàng xuất khẩu để thực hiện hiệp định với các nước xã hội chủ nghĩa, được Nhà nước cân đối lại vật tư, thiết bị tương ứng với kế hoạch được giao.

Điều 33. Các xí nghiệp có quyền tự lựa chọn các tổ chức xuất nhập khẩu để uỷ thác xuất khẩu và nhập vật tư, thiết bị theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và được bảo đảm quyền sử dụng ngoại tệ để nhập vật tư, thiết bị v.v... Trường hợp xí nghiệp có số lượng hàng xuất khẩu lớn, có đủ điều kiện, được Nhà nước cho phép xí nghiệp quan hệ trực tiếp với khách hàng nước ngoài để thực hiện kế hoạch xuất, nhập khẩu theo quy định của Nhà nước.

Phần 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34.

Bản quy định này áp dụng cho tất cả các cơ sở quốc doanh sản xuất nông nghiệp do các ngành và địa phương quản lý.

Các Bộ, Tổng cục chủ quản và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ sở trực thuộc thi hành nghiêm chỉnh bản Quy định này.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản