446323

Quyết định 282/QĐ-UBND về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định

446323
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Quyết định 282/QĐ-UBND về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu: 282/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
Ngày ban hành: 31/01/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 282/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
Ngày ban hành: 31/01/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 31 tháng 01 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

Căn cứ Quyết định số 137/QĐ-BYT ngày 17/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 11/TTr-SYT ngày 20/01/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ban hành tại điều 1 đạt mục tiêu, kết quả, chỉ tiêu đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Giao thông Vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Y tế (báo cáo);
- Cục YTDP, Viện Pasteur Nha Trang, Viện SR-KST-CT Quy Nhơn;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các hội đoàn thể;
- Các đơn vị y tế TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- BCH QS tỉnh, BCH BĐBP tỉnh;
- Báo BĐ, đài PTTH BĐ (Đưa tin);
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh và CV;
- Lưu: VP, K15.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2020 CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2020 của UBND tỉnh Bình Định)

Phần I

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2019

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới:

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan đầu mối Quốc gia thực hiện điều lệ Y tế quốc tế (IHR) và hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm Việt Nam; trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó ghi nhận các bệnh nguy hiểm mới nổi như: dịch Ebola tại Công hòa Công Gô; dịch MERS-CoV tại một số quốc gia khu vực Trung đông; bệnh bại liệt tại Philippines, Myanmar, Trung Quốc; Sốt vàng tại một số quốc gia khu vực Nam Mỹ và châu Phi; dịch tả tại Sudan; một số trường hợp viêm phổi cấp nghi do vi rút chưa xác định tác nhân gây bệnh tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Báo cáo tình hình Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo, kể từ khi dịch bệnh được tuyên bố vào ngày 01/8/2018, nước này đã ghi nhận 3.380 trường hợp mắc, trong đó có 2.232 trường hợp tử vong.

Kể từ tháng 4 năm 2012 đến cuối tháng 9 năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã được thông báo về 2.468 trường hợp nhiễm MERS-CoV được xác định trong phòng thí nghiệm, ghi nhận 851 ca tử vong liên quan đến các trường hợp nhiễm MERS-CoV; trong đó phần lớn các ca bệnh được báo cáo từ Saudi Arabia.

Tính đến tuần thứ 45, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 65.961 trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết. Tại Lào, đến tuần 41 đã ghi nhận tổng cộng 33.729 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 59 ca tử vong. Tại Malaysia tính đến ngày 16/10/2019, ghi nhận 114.745 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 158 ca tử vong, cao hơn 66.570 ca mắc và 111 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2018. Tại Philippines tính đến ngày 02/10/2019, đã ghi nhận 387.254 ca mắc, trong đó có 1.452 ca tử vong, số ca tử vong ghi nhận tại đây cao hơn 1.004 ca so với cùng kỳ năm 2018.

Theo báo cáo các trường hợp mắc sởi của Tổ chức Y tế thế giới đến ngày 11/12/2019, từ báo cáo của 187 nước đã ghi nhận 430.437 ca mắc sởi, trong đó có 95.512 ca xác định trong phòng xét nghiệm. Châu Phi là châu lục có số mắc sởi cao nhất với 191.206 ca.

2. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam:

Tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương.

Cả nước ghi nhận 335.728 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 55 trường hợp tử vong. Số mắc sốt xuất huyết tăng so với năm 2018 và tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và Nam Trung bộ.

Bệnh tay chân miệng trong năm 2019 ghi nhận số mắc là 107.973 ca và 01 trường hợp tử vong tại Kiên Giang; số mắc cao nhất là tại miền Nam với 90.010 ca bệnh, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh (28.710 ca), đồng Nai (9.932 ca), đồng Tháp (6.510 ca) và rải rác ở các tỉnh thành khác. Dịch bệnh tay chân miệng được dự báo có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Có 40.053 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/sởi tại tất cả các tỉnh, thành phố, trong đó có 04 trường hợp tử vong tại Sơn La (01 ca), Hòa Bình (02 ca), Hà Nam (01 ca). Các tỉnh, thành phố có số mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao nhất như Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, đắk Lắk, Quảng Ninh, Kiên Giang, Sơn La,…

Theo số liệu giám sát năm 2019, tính đến đầu tháng 12 có trên 400.000 người mắc cúm, thấp hơn rất nhiều so với số mắc trung bình hàng năm và thấp hơn 15% so với cùng kỳ 2018. Hiện chưa ghi nhận sự bất thường về số lượng mắc cũng như chủng vi rút cúm. Theo kết quả giám sát trọng điểm bệnh cúm tại khu vực miền Bắc, chủng gây bệnh chủ yếu là chủng cúm A(H1N1) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận thấy chủng vi rút cúm mới cũng như chưa thấy có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

Tại khu vực miền Trung, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, tính đến hết tháng 11/2019 đã ghi nhận 70.747 ca mắc, cao gấp 2,66 lần so với cùng kỳ năm 2019 (21.015 ca). Số tử vong trong 11 tháng đầu năm là 9 ca, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2018. Các tỉnh có số mắc cao như Quảng Bình (12.178 ca), Quảng Nam (10.564 ca), Khánh Hòa (10.532 ca), đà Nẵng (7.729 ca), Bình Định (6.078 ca).

3. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh:

Trên địa bàn tỉnh, năm 2019 đã ghi nhận:

- 6.819 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở tất cả các huyện/thị xã/thành phố và 01 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại Quy Nhơn. Các ca bệnh phân bố cụ thể như sau: Hoài Nhơn 1.685 ca, An Nhơn 1.127 ca, Quy Nhơn 727 ca, Tây Sơn 724 ca, Tuy Phước 615 ca, Phù Mỹ 453 ca, Hoài Ân 413 ca, Phù Cát 396 ca, Vân Canh 303 ca, Vĩnh Thạnh 248 ca, An Lão 128 ca. Đã phát hiện và xử lý 336 ổ dịch sốt xuất huyết; trong đó Hoài Nhơn 87 ổ, Phù Mỹ 43 ổ, An Nhơn 38 ổ, Tuy Phước 35 ổ, Phù Cát 34 ổ, Quy Nhơn 31 ổ, Tây Sơn 19 ổ, Vĩnh Thạnh 18 ổ, Hoài Ân 13 ổ, Vân Canh 09 ổ, An Lão 09 ổ. Số ca mắc cao gấp 2,1 lần so với năm 2018 (năm 2018 đã ghi nhận 3.219 ca, 132 ổ dịch sốt xuất huyết).

Kết quả xét nghiệm đã thu thập 972 mẫu huyết thanh (Đạt tỷ lệ 14,4% số bệnh nhân); trong đó: Xét nghiệm Mac - Elisa 707 mẫu (Đạt tỷ lệ 10,4% số bệnh nhân), kết quả có 466 mẫu dương tính (tỷ lệ dương tính 65,9%); phân lập 309 mẫu (Đạt tỷ lệ 4,6% số bệnh nhân), dương tính 171 mẫu (tỷ lệ phân lập dương tính 55,3%). Các týp vi rút phân lập được gồm: 34 typ D1, 102 typ D2, 21 typ D4, 10 typ D1&D2, 03 typ D2&D4, 01 typ D1&D2&D4.

- 467 trường hợp mắc tay chân miệng ở tất cả các huyện/thị xã/thành phố. Ca bệnh phân bố cụ thể như sau: Tây Sơn 108 ca, Phù Cát 74 ca, Quy Nhơn 72, Hoài Nhơn 39, Tuy Phước 39 ca, Phù Mỹ 38, An Nhơn 30 ca, Vân Canh 29 ca, Vĩnh Thạnh 20 ca, An Lão 11 ca, Hoài Ân 07 ca. Đã phát hiện và xử lý 04 ổ dịch tay chân miệng tại Tây Sơn (02 ổ), Hoài Nhơn (01 ổ) và Vân Canh (01 ổ). Số ca mắc thấp hơn so với năm 2018 (năm 2018 đã ghi nhận 1.044 ca, 40 ổ dịch tay chân miệng). Đã gửi xét nghiệm 14 mẫu, kết quả 01 mẫu dương tính EV71, 09 mẫu dương tính với Coxsackievirus A16, 03 mẫu dương tính với Coxsackievirus A6, 01 mẫu âm tính.

- 72 trường hợp bệnh sốt rét (Vân Canh 45 ca, Vĩnh Thạnh 05 ca, An Lão 05 ca, Tuy Phước 05 ca, Hoài Ân 04 ca, Tây Sơn 04 ca, An Nhơn 01 ca, Hoài Nhơn 01 ca, Phù Cát 01 ca, Quy Nhơn 01 ca); trong đó có 70 ca ký sinh trùng sốt rét +, 02 ca sốt rét lâm sàng. Số ca mắc tăng 22 ca so với năm ngoái (năm 2018 ghi nhận 50 ca, trong đó có 05 ca lâm sàng và 45 ca ký sinh trùng sốt rét +).

- Các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng: đã phát hiện, điều tra 64 ca sốt phát ban (SPB) nghi sởi, trong đó có 18 ca dương tính với sởi (Hoài Ân: 05, Quy Nhơn: 04, Tây Sơn: 02, An Nhơn: 02, Phù Cát: 02, Phù Mỹ: 02, Hoài Nhơn: 01). So với cùng kỳ năm 2018, số ca SPB nghi sởi và số ca dương tính với sởi gần tương đương (năm 2018 ghi nhận 63 ca SPB, trong đó có 16 ca dương tính). Năm 2019 không có ca dương tính với rubella. Giám sát 08 ca liệt mềm cấp nghi bại liệt, trong đó lấy mẫu 07 ca, không có ca dương tính với bại liệt. Giám sát 12 ca nghi ho gà, lấy mẫu 12 ca, trong đó 05 ca dương tính với ho gà (Hoài Nhơn: 2, Hoài Ân: 1, Quy Nhơn: 1, Phù Cát: 1).

- Đã tiêm phòng dại cho 9.354 người bị súc vật nghi dại cắn. Ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Vân Canh (bệnh nhân không tiêm vắc xin/huyết thanh kháng dại). So với cùng kỳ năm 2018, số người bị súc vật nghi dại cắn đến tiêm phòng tăng 375 trường hợp, số trường hợp tử vong do bệnh dại giảm (năm 2018 là 8.979 người đến tiêm phòng dại, ghi nhận 05 trường hợp tử vong do dại).

- Bệnh do vi rút Zika: không ghi nhận ca bệnh, xét nghiệm 187 mẫu kết quả âm tính.

- Ghi nhận 04 trường hợp dương tính với Cúm A (H1pdm) tại: Tây Sơn 02 ca, Quy Nhơn 01 ca và Hoài Nhơn 01 ca. Trong đó có 02 trường hợp tử vong tại Quy Nhơn và Tây Sơn.

- Hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), tình hình về Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung đông do vi rút Corona (MERS-CoV) và các bệnh dịch nguy hiểm khác.

4. Một số khó khăn trong phòng chống dịch:

Năm 2019 là năm tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, ca bệnh cao từ cuối năm 2019 và kéo sang đầu năm 2020. Trước tình hình bệnh cúm gia tăng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước ở thời điểm cuối năm, tại tỉnh Bình Định ghi nhận 04 trường hợp mắc, trong đó có 02 trường hợp tử vong do cúm A/H1pdm. Một số bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sởi cũng ghi nhận tăng so với những năm trước. Với sự nỗ lực của các địa phương và ngành Y tế, mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp, số mắc sốt xuất huyết năm 2019 tăng cao so với những năm trước, nhưng tỉnh đã khống chế, không để dịch bùng phát trên diện rộng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động phòng, chống dịch vẫn còn những khó khăn, vướng mắc sau:

- Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, chu kỳ của dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là bệnh sốt xuất huyết.

- Ý thức tự kiểm tra và loại trừ ổ chứa bọ gậy tại các hộ gia đình chưa tốt, trong khi đó các ổ chứa bọ gậy rất đa dạng, khó phát hiện, dễ bỏ qua; từ đó tạo điều kiện cho véc tơ trung gian truyền bệnh phát triển.

- Các địa phương đã tổ chức hoạt động diệt bọ gậy chủ động phòng, chống sốt xuất huyết nhưng hầu hết chưa đạt kết quả, chỉ số bọ gậy còn cao sau khi tổ chức chiến dịch. Hoạt động này chưa được duy trì thường xuyên trong cộng đồng dẫn đến một số ổ dịch số mắc giảm rồi tăng trở lại chỉ sau một thời gian.

- Việc chỉ đạo phòng chống dịch ở một số xã, phường chưa thật quyết liệt, chưa huy động được các lực lượng và cộng đồng cùng tham gia. Một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế, chính quyền địa phương và cộng đồng khi tổ chức phun hóa chất, tỷ lệ hộ gia đình trong diện xử lý không được phun hóa chất còn tương đối cao.

- Số mắc sốt rét tăng mạnh ở các tỉnh trong khu vực như Phú Yên, Gia Lai, đắk Lắk, trong khi đó tình trạng người dân đi làm rừng, ngủ rẩy, đi vào các vùng dịch tễ sốt rét tự do, khó quản lý, khi về không chủ động đến cơ sở y tế khám và lấy mẫu làm xét nghiệm là nguy cơ gia tăng bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh.

- Giao thông đi lại thuận tiện giữa các địa phương, vùng miền cũng là yếu tố thuận lợi cho việc lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như bệnh cúm...

- Kinh phí chi cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đều do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách. Tuy nhiên một số địa phương trong tỉnh còn có khó khăn nên kinh phí chi cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh chủ động khi chưa xảy ra dịch còn thấp, chưa đảm bảo hoạt động. Một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh, còn xem đây là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế nên công tác tuyên truyền và huy động các nguồn lực phòng chống dịch bệnh chưa tốt.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH NĂM 2020

Do tác động của biến đổi khí hậu, tính chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết, sự lưu hành đồng thời nhiều týp vi rút Dengue trên địa bàn tỉnh nên số mắc sốt xuất huyết luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống sốt xuất huyết của cộng đồng còn nhiều hạn chế, khí hậu thời tiết thay đổi thất thường nên có nguy cơ sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian tới.

Bệnh sởi đang tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và ghi nhận nhiều trường hợp bệnh ở trong tỉnh, nguy cơ lây truyền bùng phát dịch là rất cao. Cần chú ý nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh sởi ở trong các cơ sở điều trị.

Bệnh sốt rét chủ yếu do muỗi truyền, thường lưu hành tại các địa phương vùng núi, có liên quan chặt chẽ với môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi Anopheles phát triển, kết hợp với trình độ dân trí và điều kiện kinh tế - xã hội thấp tại các vùng núi, các phong tục tập quán canh tác làm nương rẫy và ngủ qua đêm trên nương rẫy, trong rừng, dân di cư tự do vào vùng sốt rét… đều là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh.

Bệnh nguy hiểm như cúm A và các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên như bệnh Whitmore đã được ghi nhận trên địa bàn tỉnh và có nguy cơ gia tăng nếu không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch kịp thời trong thời gian tới.

Việc quản lý đàn chó, các ổ dịch dại ở động vật và việc tiêm phòng dại cho đàn chó còn rất hạn chế dẫn đến nguy cơ tăng khả năng phơi nhiễm, lây truyền bệnh dại từ động vật sang người là rất cao.

Chú ý các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tình hình số ca mắc sởi đang tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như MERS-CoV, Ebola, dịch hạch, bệnh dịch viêm phổi cấp do vi rút Corona mới… đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, tỉnh ta.

Phần II

KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2020

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Đảm bảo giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để, khống chế không để dịch bùng phát, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Tập trung nguồn lực, ưu tiên chống dịch; chủ động khống chế các bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành và các bệnh thuộc Tiêm chủng mở rộng, không để phát triển thành dịch như: sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản B,… Tăng cường công tác giám sát, chủ động phát hiện, khống chế ngay từ ca bệnh đầu tiên đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A(H7N9), Ebola, dịch hạch, dịch tả, bệnh dịch viêm phổi cấp do vi rút Corona mới và các bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm khác.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, tăng cường trách nhiệm và phân công cụ thể cho từng thành viên.

- Tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời triệt để nhằm đảm bảo giảm số ca mắc; thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh nhằm hạn chế biến chứng nặng và không để tử vong.

- Chú trọng công tác truyền thông, chú trọng các nội dung về dấu hiệu nhận biết bệnh và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức cho người dân; từ đó thay đổi hành vi trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

- Tăng cường hiệu quả sự phối hợp liên ngành giữa các ngành liên quan trong quá trình triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

- Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch.

3. Chỉ tiêu:

- 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời.

- 100% phương tiện vận tải, người, hàng hóa nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh có yếu tố nguy cơ được kiểm tra y tế và xử lý y tế theo đúng quy định.

- Giảm số mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm phổ biến, cụ thể:

+ Bệnh sốt xuất huyết: Không để dịch bệnh lớn xảy ra; giảm 8% số mắc bệnh sốt xuất huyết so với trung bình giai đoạn 2011 - 2016, khống chế tỷ lệ mắc dưới 120,9/100.000 dân, tử vong < 0,09%.

+ Bệnh tay chân miệng: giảm 10% so với số mắc bệnh tay chân miệng năm 2019, khống chế tỷ lệ mắc dưới 26,7/100.000 dân, tử vong < 0,05%.

+ Cúm A (H5N1), Cúm A (H7N9), Ebola, Bệnh MERS-CoV, Zika, bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona mới và các bệnh nguy hiểm, mới nổi khác: phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.

+ Khống chế không có trường hợp tử vong do bệnh dại.

+ Các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác: giám sát phát hiện sớm dịch bệnh, khoanh vùng xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng.

+ Các bệnh thuộc tiêm chủng mở rộng: duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới khống chế bệnh sởi. Tăng cường giám sát, đạt chỉ tiêu giám sát bệnh: liệt mềm cấp >1ca/100.000 trẻ em dưới 15 tuổi; sốt phát ban nghi sởi/sởi/rubella đạt >2 ca/100.000 dân. Khống chế không để xảy ra dịch sởi, bạch hầu, ho gà.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành:

- Tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành và huy động các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, tùy vào từng thời điểm và tình hình dịch bệnh có biện pháp cụ thể nhằm khống chế dịch bệnh sớm ngay từ ban đầu.

- Chủ động phối hợp giữa các ngành liên quan trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm để chủ động khống chế dịch, chú trọng công tác phát hiện, thông báo và xử lý kịp thời không để dịch kéo dài, lan rộng.

- Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch. Các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND.

- Xã hội hoá công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng và chính quyền. Huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống dịch nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất.

2. Chuyên môn kỹ thuật:

a) Các giải pháp giảm mắc:

- Chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm, thực hiện giám sát định kỳ hàng ngày, hàng tuần tại tất cả các cơ sở điều trị và tại cộng đồng. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Triển khai điều tra, xác minh, khoanh vùng và xử lý triệt để tất cả các ổ dịch theo đúng quy trình, không để dịch lan rộng và kéo dài.

- Theo dõi chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm, điều tra kịp thời các yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh. Phân tích số liệu giám sát một cách liên tục, hệ thống, dự báo xu hướng phát triển của từng loại bệnh dịch cụ thể ở từng địa phương để có biện pháp phòng, chống chủ động ngay từ đầu.

- Tăng cường năng lực thực hiện công tác kiểm dịch y tế quốc tế, đảm bảo kiểm soát các yếu tố nguy cơ và chủ động phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh, đặc biệt tại Cảng Hàng không Phù Cát, Cảng biển Quy Nhơn; tập trung kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai mạnh mẽ phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm để phân tích số liệu, báo cáo nhanh, chính xác trong giám sát dịch bệnh.

- Phát huy tối đa biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm chủ động bằng vắc xin; triển khai mạnh mẽ việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng chống một số bệnh dịch có vắc xin nhưng thường xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh như: thủy đậu, cúm mùa, rubella, quai bị, viêm màng não do não mô cầu.

- Tổ chức các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella, Td,… Tăng cường quản lý vắc xin, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm, theo các chỉ số cảnh báo để có biện pháp phòng chống chủ động. Tăng cường hoạt động giám sát bệnh dịch có tỷ lệ mắc cao hàng năm theo kết quả phân tích tình hình dịch bệnh trong các năm gần đây.

- Củng cố mạng lưới cộng tác viên, y tế thôn tại các địa phương, đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Vận động cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch.

- Triển khai giám sát dựa vào sự kiện nhằm phát hiện sớm các sự kiện có nguy cơ gây bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhằm đáp ứng kịp thời, phù hợp, giảm thiểu tác hại đối với cộng đồng.

- Thành lập đội đáp ứng nhanh tại các tuyến nhằm phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời với các tình huống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế.

b) Các giải pháp giảm tử vong:

- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến, tuyến trên có trách nhiệm hỗ trợ tuyến dưới để kịp thời xử lý các ca nặng, hạn chế tử vong.

- Thường xuyên cập nhật phác đồ chẩn đoán, điều trị một số bệnh dịch cho cán bộ điều trị ở các tuyến.

- Củng cố hệ thống thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm ở các tuyến. Bảo đảm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ nhằm hạn chế biến chứng nặng và không để tử vong. Phân tuyến điều trị các trường hợp bệnh phù hợp năng lực của từng tuyến, bảo đảm chuyển tuyến kịp thời, an toàn.

- Xem xét bổ sung trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân và thuốc, hóa chất để đạt mục tiêu giảm tử vong.

- Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, điều trị của các phòng khám tư nhân, các cá nhân hành nghề y tế tư tại thôn, làng.

3. Công tác tập huấn, truyền thông - giáo dục sức khỏe:

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về giám sát, xử lý các loại dịch bệnh và tiêm chủng an toàn cho cán bộ làm công tác dự phòng các tuyến và y tế cơ sở.

- Tổ chức diễn tập định kỳ cho đội cơ động phòng, chống dịch; đội đáp ứng nhanh ở các tuyến.

- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, truyền thông cơ sở, trong các buổi sinh hoạt nhà trường, cộng đồng dân cư, lồng ghép hoạt động của các tổ chức nhằm huy động toàn thể người dân, hộ gia đình tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh nâng cao sức khỏe cộng đồng.

- Cán bộ y tế cơ sở phối hợp với các trường học, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sâu rộng trong cộng đồng, trong các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ quan, xí nghiệp để mọi người hiểu và tự giác thực hiện.

4. Công tác phối hợp liên ngành:

- Tăng cường phối hợp giữa các ngành liên quan trong giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin và xử lý các loại dịch bệnh theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.

- Phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin, truyền thông phòng chống dịch bệnh, truyền thông nguy cơ giữa các ngành liên quan. Tăng cường phối hợp trong hoạt động giám sát dựa vào sự kiện.

5. Đảm bảo nguồn lực, kinh phí cho công tác phòng chống dịch:

- Xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện công tác giám sát, xử lý chủ động và xử lý dịch. Bám sát thực tế, kịp thời đề xuất bổ sung kinh phí phù hợp với tình hình dịch bệnh. Huy động các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số và các nguồn đầu tư khác cho công tác phòng, chống dịch.

- Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc, hóa chất, kinh phí, nhân lực phục vụ cho công tác phòng chống dịch; kiểm dịch y tế quốc tế.

- Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực các tuyến, bảo đảm đủ năng lực điều tra, chẩn đoán, xử lý các loại dịch bệnh.

6. Công tác nghiên cứu khoa học:

Phối hợp với các đơn vị tuyến trung ương và địa phương triển khai thực hiện các nghiên cứu, đánh giá, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch.

7. Công tác kiểm tra, thanh tra:

- Tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, kiểm dịch y tế, truyền thông chỉ đạo tuyến tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

- Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi và các bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao trên địa bàn.

- Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Phối hợp trong thành lập các đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các đơn vị, địa phương trọng điểm.

III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương về công tác chuyên môn; theo dõi việc triển khai công tác phòng chống dịch tại các địa phương, các ngành; tổng hợp tình hình và kết quả các hoạt động, báo cáo cho UBND tỉnh, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan trong việc đề xuất cho UBND tỉnh đảm bảo nguồn lực triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho UBND các cấp xây dựng kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bố trí đầy đủ nguồn lực, nhân sự, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, các vùng trọng điểm. Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng chống dịch, tiêm chủng trên địa bàn.

2. Sở Giáo dục và đào tạo:

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo, các trường học thuộc thẩm quyền quản lý xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch ngay từ khi chưa có dịch xảy ra; phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền cho giáo viên và học sinh các biện pháp phát hiện sớm bệnh truyền nhiễm và các biện pháp dự phòng, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở học sinh như quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng,…

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở, ban, ngành trong xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh lây từ động vật sang người, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các khâu/chuỗi thuộc ngành nông nghiệp quản lý để phòng chống dịch bệnh lây sang người. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp trong việc chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định:

Phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai công tác tuyên truyền tới người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả. Chỉ đạo hệ thống đài phát thanh cơ sở chủ động phối hợp với ngành Y tế phát các thông điệp phòng chống dịch bệnh thường xuyên, liên tục.

5. Sở Tài chính:

- Cân đối, bố trí vào dự toán năm 2020 cho Sở Y tế kinh phí phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế xem xét, cân đối, đề xuất cho UBND tỉnh bổ sung kinh phí để mua thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng, trang bị phòng hộ… đảm bảo cho công tác phòng chống dịch khi có dịch xảy ra; báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban và UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch năm 2020. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác giám sát, phát hiện và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.

- Cân đối, bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện kế hoạch phòng chống dịch của địa phương.

7. Đề nghị các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh:

- Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong phạm vi quản lý thuộc cơ quan, đơn vị; phối hợp, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cho Sở Y tế theo quy định của Nhà nước.

- Phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong các trường hợp dịch bệnh khẩn cấp, lây lan trên diện rộng theo đề nghị của Sở Y tế và theo sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

- Các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho ngành Y tế tỉnh trong phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm có liên quan thuộc lĩnh vực phụ trách.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể:

Chỉ đạo công tác vận động nhân dân và các hội, đoàn thể trực thuộc tích cực tham gia vào hoạt động phòng chống dịch bệnh, vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ khi có dịch xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các ngành, các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này đúng mục tiêu, có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản