ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3994/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày 14 tháng 10 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHỐNG LŨ LỤT VÙNG HẠ DU NĂM 2016
CÔNG TRÌNH: HỒ YÊN MỸ, HUYỆN TĨNH GIA
CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai
ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và
bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội khóa 10;
Căn cứ Nghị định số
72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;
Xét đề nghị của Công ty TNHH một
thành viên Sông Chu tại Tờ trình số 923/SC-KT ngày 09/8/2016 về việc phê duyệt
Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du năm 2016 công trình hồ Yên Mỹ, (kèm
theo phương án) và Kết quả thẩm định số 2289/SNN&PTNT-TL ngày 01/8/2016 của
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án
phòng chống lũ lụt vùng hạ du năm 2016 công trình hồ Yên Mỹ, huyện Tĩnh Gia,
bao gồm những nội dung chính như sau:
1. Các thông số kỹ thuật chủ
yếu:
1.1. Hồ Yên Mỹ:
- Là hồ điều tiết nhiều năm; công
trình cấp II.
- Diện tích tưới: 5.840 ha của
huyện Tĩnh Gia và Nông trường Yên Mỹ.
- Cắt giảm 50% tổng lượng lũ của sông
Thị Long với tần suất P = 1%.
- Cấp nước cho Nhà máy nước sạch
Tĩnh Gia với công suất 10.000 m3/ngày-đêm.
- Cấp nước cho Khu công nghiệp Nghi
Sơn với công suất 55.000 m3/ngày-đêm.
- Diện tích lưu vực 137 km2.
- MNDBT: Ñ(+20.36) m, ứng với dung tích WBT = 87,13x106m3.
- MNLTK: Ñ(+23.03) m, ứng với dung tích WSC = 124,51x106m3.
- MNLTK: Ñ(+23.75) m, ứng với dung tích WSC = 136,75x106m3.
- MNC: Ñ(+8.45) m, ứng với dung tích WC = 2,85x106m3.
- Đập chính dài 715 m, chiều rộng
đỉnh đập B = 5 m; cao trình đỉnh đập (+24.50) m; cao trình đỉnh tường chắn sóng
(+25.30) m.
- Đập phụ dài 1.147 m, chiều rộng
đỉnh đập B = 7 m; cao trình đỉnh đập (+24.50) m; cao trình đỉnh tường chắn sóng
(+25.30) m.
- Tràn xả lũ: Tràn xả sâu 3 cửa,
kích thước (bxh) = (6x3,86) m; cao trình ngưỡng tràn (+16.50) m, cao trình đỉnh
cửa điều tiết (+20.36) m; cửa van cung, vận hành bằng pittông thủy lực; phai
phụ bằng thép thả bằng tời trên xe phai; Qtràn = 423,3 m3/s.
- Cống lấy nước đập chính (bxh) =
(1,7x2) m, cao độ đáy tại tháp cống (+6.00) m, Qtưới = 7,8 m3/s;
cửa van phẳng thượng lưu, vận hành bằng vít đóng mở V50.
- Cống lấy nước đập phụ Φ 40 cm,
cao độ đáy tại tháp cống (+14.25) m, cửa van phẳng thượng lưu, vận hành bằng
vít đóng mở V2.
1.2. Hồ Bòng Bòng: Hồ nối tiếp hạ
lưu hồ Yên Mỹ.
- Đập chính dài 650 m; cao trình
đỉnh đập (+10.50) m.
- Đập phụ dài 1.200 m; cao trình
đỉnh đập (+10.50) m.
- Tràn xả lũ chiều rộng tràn B =
340 m; cao trình ngưỡng tràn (+8.50) m; Qtràn = 454 m3/s.
- Cống lấy nước có cao độ đáy cống
(+6.00) m, cửa van phẳng thượng lưu, vận hành bằng vít đóng mở V10.
2. Phương án phòng chống lũ lụt
vùng hạ du đập:
2.1. Mục tiêu:
- Xác định hoặc dự kiến được tuyến
lũ quét và phạm vi ngập lụt khi xảy ra sự cố.
- Đề ra được phương án bảo vệ,
phòng tránh hoặc giảm nhẹ thiệt hại cho các khu dân cư, cơ sở kinh tế, an ninh,
quốc phòng.
- Xây dựng phương án sơ tán dân cư
nhanh chóng, triệt để, bảo đảm tính mạng của nhân dân.
2.2. Dự kiến các tình huống:
- Trường hợp xả lũ kiểm tra qua
công trình xả lũ kiên cố (xả lũ qua tràn).
- Trường hợp khả năng xả lũ của hồ chứa
không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn thiết kế hiện hành, tình huống vỡ đập tính với
lũ thiết kế.
- Trường hợp khả năng xả lũ của hồ
đập đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế hiện hành, tình huống vỡ đập tính với lũ kiểm
tra.
2.3. Phương án xử lý các tình
huống:
2.3.1. Trường hợp 1: Xả lũ kiểm tra
qua tràn:
Lưu lượng xả qua tràn được tính với
trường hợp xả Max, mở 3 cửa tràn (6x3,86) m, tính với lũ kiểm tra tần suất P =
0,5%, thời gian lũ đến 64 h, Qxả max = 502,4 m3/s. Tổng
lượng nước xả xuống hạ du 57x106 m3 qua tràn hồ Yên Mỹ
xuống hồ Bòng Bòng và qua tràn hồ Bòng Bòng về sông Thị Long kết hợp với mưa
vùng hạ du (tương tự năm 2011) làm mực nước sông dâng cao. Mực nước sông
Thị Long tại đê tả, xã Tượng Lĩnh (+4.00) m, cao trình đê (+4.60) m, mực nước
tại cầu đường sắt (+4.10) m, cầu Chuồng (+4.30) m. Trong trường hợp này mực
nước sông còn thấp hơn cao trình đê từ (0,3 ÷ 0,6) m, đê không bị tràn. Như
vậy, dọc hành lang thoát lũ trên sông Thị Long, vùng chậm lũ khu vực xã Tượng
Sơn và vùng ven sông từ đập Cồn Cát đến cầu Chuồng, xã Công Chính bị ngập. Cụ
thể các địa phương có diện tích bị ảnh hưởng gồm các thôn: Yên Nẫm 1, Yên Nẫm
2, Yên Nẫm 3, xã Công Bình; Bòng Sơn, Kén, Cát Lễ, xã Tượng Sơn; Hồng Thái,
Thái Yên, Thái Sơn 1, Thái Sơn 2, Long Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Tiến, xã Công Chính;
Song, Đông, Cầu Đông, xã Hùng Sơn. Khu vực các thôn Yên Nẫm 1, 2, 3, xã Công
Bình bị ngập sâu khoảng từ (2 ÷ 3) m cần tổ chức sơ tán dân đảm bảo an toàn cho
người và tài sản. Thông báo trước 4 h khi xả lũ để nhân dân trong vùng ngập lụt
chủ động tránh lũ được kịp thời; cấm thuyền bè không được hoạt động trên sông.
2.3.2. Trường hợp 2: Khả năng xả lũ
của hồ chứa không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn thiết kế hiện hành, tình huống vỡ
đập tính với lũ thiết kế (tổng lượng nước xả xuống hạ du là 125x106
m3 bao gồm dung tích hồ và lượng nước lũ ứng với tần suất thiết kế).
a) Tình huống vỡ đập chính:
Vỡ đập chính Yên Mỹ, nước nhanh
chóng ập xuống hồ Bòng Bòng gây vỡ hồ Bòng Bòng. Toàn bộ lượng nước dồn xuống sông
Thị Long làm vỡ đê hữu Thị Long khu vực các xã Các Sơn và Anh Sơn gây nên ngập
lụt lớn cho toàn bộ diện tích canh tác vùng hạ du và các khu dân cư như: các
thôn Mỹ Phong, Trung Tâm, Trung Phú, Lâm Hòa, xã Yên Mỹ; các thôn Yên Nẫm 1,
Yên Nẫm 2, Yên Nẫm 3, xã Công Bình; các thôn Sơn Long, Bòng Sơn, Kén, Cát Lễ,
Cát Sơn, xã Tượng Sơn; các thôn Hồng Thái, Thái Yên, Thái Sơn 1, 2, Long Thắng,
Mỹ Tân, Mỹ Tiến, 327, Hòa Trung, Hòa Lập, Tân Luật, xã Công Chính; các thôn Minh
Thịnh, Phú Thiện, Châu Thành, Phú Sơn, Hoành Sơn, Các, xã Các Sơn; thôn An Cư,
xã Anh Sơn, các thôn Song, Cầu Đông, Đông, xã Hùng Sơn, độ sâu bị ngập từ (3 ÷
4) m. Diện tích đất đai bị ngập khoảng 1.500 ha, trong đó đất thổ cư khoảng 400
ha, đất canh tác khoảng 1.100 ha. Các vùng dân cư bị ngập sâu phải tổ chức di
dân.
b) Tình hình vỡ đập phụ:
Vỡ đập phụ hồ Yên Mỹ, một lượng
nước lớn khoảng 100x106m3 đổ xuống vùng Khe Tre, sông
Chuồng ra sông Thị Long gây ra lũ quét cho vùng ven hạ lưu sông, gây ngập lụt
cho các địa phương như: các thôn Mỹ Phú, Mỹ Hưng, xã Yên Mỹ; Khà La, xã Thanh
Tân; Yên Lai, xã Công Bình và ảnh hưởng các vùng ven sông Thị Long, huyện Tĩnh
Gia như trường hợp 1 với diện tích đất đai bị ngập khoảng 1.700 ha, trong đó
đất thổ cư khoảng 520 ha, đất canh tác khoảng 1.180 ha. Các vùng dân cư bị ngập
sâu phải tổ chức di dân.
2.3.3. Trường hợp 3: Khả năng xả lũ
của hồ chứa đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế, tình huống vỡ đập tính với lũ kiểm tra
(tổng lượng nước xả xuống hạ du là 130x106 m3 bao gồm
dung tích hồ và lượng nước lũ ứng với tần suất kiểm tra).
a) Tình huống vỡ đập chính:
Tuyến lũ quét, các thôn xóm bị ảnh
hưởng trực tiếp cần sơ tán như tình huống vỡ đập chính ứng với lũ thiết kế
nhưng tăng về diện tích đất canh tác, phạm vi, mức độ ngập lụt. Diện tích đất
đai bị ngập khoảng 2.100 ha, trong đó đất thổ cư khoảng 500 ha, đất canh tác
khoảng 1.600 ha. Các vùng dân cư bị ngập sâu phải tổ chức di dân.
b) Tinh hình vỡ đập phụ:
Tuyến lũ quét, các thôn xóm bị ảnh
hưởng trực tiếp cần sơ tán như tình huống vỡ đập phụ ứng với lũ thiết kế nhưng
tăng về diện tích đất canh tác, phạm vi, mức độ ngập lụt. Diện tích đất đai bị
ngập khoảng 2.400 ha, trong đó đất thổ cư khoảng 600 ha, đất canh tác khoảng
1.800 ha. Các vùng dân cư bị ngập sâu phải tổ chức di dân.
2.4. Phân giao nhiệm vụ:
2.4.1. UBND các huyện Tĩnh Gia,
Nông Cống:
- Tổ chức chỉ đạo các cơ quan tham mưu,
chính quyền các xã thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi hồ
chứa xả lũ và các tình huống xảy ra sự cố vỡ đập theo phương án đã duyệt.
- Huy động nhân lực, vật lực,
phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân cư để đối phó kịp thời với các tình
huống xảy ra trên địa bàn.
2.4.2. UBND các xã trong vùng:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
đến mọi gia đình, mọi người dân về các tình huống xả lũ hồ chứa, sự cố vỡ đập,
phương án phòng tránh lũ, quy định hướng sơ tán, vị trí sơ tán của từng thôn, từng
xóm để nhân dân chủ động thực hiện một cách nghiêm túc.
- Tổ chức thành lập các lực lượng cứu
hộ, cứu nạn, sơ tán dân cư, huy động phương tiện, nguồn lực giúp dân sơ tán,
bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa phương mình theo phương án đảm
bảo có hiệu quả.
2.4.3. Các đơn vị: Ban Chỉ huy quân
sự, Công an huyện, bệnh viện, trường học và các lực lượng vũ trang, các cơ quan
xí nghiệp nằm trên địa bàn tham gia phòng chống bão lũ theo sự phân công của UBND
huyện.
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Sau khi phương án được phê
duyệt, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) hồ Yên Mỹ phối hợp với Ban Chỉ
huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống tổ
chức triển khai, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, công tác phục vụ hậu
cần theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng đối phó khi có lũ lụt xảy ra.
Phổ biến, tuyên truyền và thông báo
rộng rãi phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du hồ Yên Mỹ đến tất cả các địa
phương và nhân dân vùng bị ảnh hưởng biết để chủ động ứng phó.
2. Chế độ thông tin liên lạc, chế
độ báo cáo của cụm quản lý đầu mối Yên Mỹ thuộc Công ty TNHH một thành viên Sông
Chu - Chi nhánh Tĩnh Gia:
2.1. Báo cáo Ban Chỉ huy phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống:
- Báo động 1: Ngày 1 lần vào lúc 7
h.
- Báo động 2: Ngày 3 lần vào lúc 7
h, 13 h, 19 h.
- Báo động 3: Báo động khẩn cấp 1 h
báo cáo 2 lần.
2.2. Báo cáo Ban Chỉ huy phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn - Chi cục Thủy lợi:
- Báo động 2: Ngày 3 lần vào lúc 7
h, 13 h, 19 h.
- Báo động 3: Báo động khẩn cấp 1 h
báo cáo 2 lần.
3. Quy định chế độ trực ban tại
đập, chế độ trực ban tại Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
các cấp:
3.1. Tại công trình:
Khi có báo bão, tất cả thành viên
trong Ban Chỉ huy PCLB công trình phải có mặt tại công trình và thực hiện nghiêm
túc nhiệm vụ được Trưởng Ban phân công. Bộ phận thường trực phải thường xuyên
có mặt 24/24 h để điều hành công tác theo phương châm chỉ huy tại chỗ.
3.2. Tại Ban Chỉ huy phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp:
Khi có bão lụt, các thành viên phải
có mặt đầy đủ thực hiện sự phân công của Trưởng Ban. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng
thành viên để tổ chức điều hành công tác có hiệu quả và bám sát Phương án phòng
chống lũ lụt vùng hạ du công trình hồ Yên Mỹ đã đề ra.
4. Thẩm quyền quyết định sơ tán dân
theo quy định hiện hành:
Công trình hồ Yên Mỹ là công trình
quan trọng cấp tỉnh do Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm
cứu nạn tỉnh quyết định sơ tán.
5. Quy định hiệu lệnh báo động cho
từng tình huống đã nêu trên:
Để thống nhất chung hiệu lệnh báo
động các tình huống xảy ra cho toàn vùng nhằm chủ động đối phó với các tình
huống; quy định hiệu lệnh như sau:
- Tình huống xả lũ qua tràn ứng với
lũ kiểm tra phải đề phòng cứu hộ đê do mực nước sông lên cao thì hiệu lệnh:
Trống hoặc kẻng đều đánh ngũ liên (5 tiếng liên hồi).
- Tình huống vỡ đập hiệu lệnh sơ
tán dân cư: Trống hoặc kẻng đánh tam liên (3 tiếng liên hồi).
- Đối với các địa phương có hệ
thống truyền thanh kết hợp dùng loa đài thông tin các tình huống trên để mọi
người dân biết.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng Ban Chỉ huy PCLB hồ Yên Mỹ, Chủ
tịch UBND các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Chu và Thủ trưởng các đơn vị liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Ban Chỉ đạo TW về PCTT (để b/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền;
- Phó Chánh Văn phòng Lê Thanh Hải;
- Lưu: VT, NN.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Quyền
|