QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ VỀ CÔNG
TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4141/QĐ-UBND ngày
25 25 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Nguyên tắc phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ về công tác an toàn
thực phẩm
1.
Việc phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ về công tác an toàn thực phẩm
thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải tuân thủ
và thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
2.
Đảm bảo sự quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy
ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn về
chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan, đơn vị y tế cấp trên đối với cơ quan, đơn vị
y tế cấp dưới.
3.
Việc phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ về công tác an toàn thực phẩm
phải phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, đồng
thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan ngoài ngành
y tế.
4. Đảm bảo nguyên tắc Một
cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Điều 2. Nội dung phân công,
phân cấp thực hiện các nhiệm vụ về công tác an toàn
thực phẩm
1.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an
toàn thực phẩm và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm trên
địa bàn.
2.
Thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn
thực phẩm.
3.
Giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
4.
Thực hiện kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm, thực phẩm và các biện pháp chuyên môn kỹ
thuật khác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do
hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.
2. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế
biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm
chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẳn, căng -tin và bếp ăn tập thể.
3. Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến
dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán
rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự.
4. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những
quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan
quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn
đối với sức khỏe, tính mạng con người.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Y tế, các cơ
quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế
1. Sở Y tế chịu trách nhiệm trước
Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa
bàn:
a) Là đầu mối tổng
hợp, báo cáo tình hình an toàn thực phẩm tại địa phương cho Ủy ban nhân dân
tỉnh, Bộ Y tế;
b) Thanh tra, kiểm tra
các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp của Bộ Y tế
và của Liên Bộ Y tế - Bộ Công Thương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Chủ trì, phối hợp
với các sở chuyên ngành tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với
toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các
ngành khác khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên
ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và của Bộ Y tế; khi phát hiện thực phẩm,
phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói,
chứa đựng thực phẩm lưu thông trên địa bàn có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến sức khỏe người tiêu dùng; khi có sự khác biệt trong kết luận thanh
tra của các sở chuyên ngành; theo đề nghị của các Sở chuyên ngành;
d)
Định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm trên địa
bàn; là đầu mối giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn; giải quyết
khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền.
2. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đơn vị tiếp nhận, thực
hiện kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm, thực phẩm để tìm nguyên nhân gây ngộ độc
thực phẩm; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác về an toàn thực phẩm
theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cử viên chức tham gia công tác thanh tra,
kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Sở Y tế hoặc đề
nghị của cơ quan có thẩm quyền.
3. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan trực tiếp
giúp Sở Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; có
nhiệm vụ tổ chức thực hiện, điều hành các hoạt động công tác an toàn thực phẩm
theo thẩm quyền được quy định tại Quyết định số 2046/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7
năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc ban hành quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế và mối quan hệ công tác của
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức giải quyết (tiếp nhận, thẩm định và
trả kết quả) các thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa và Một cửa liên thông
trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm:
a) Thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp quy
định an toàn thực phẩm đối với tất cả các loại thực phẩm đã qua chế biến, bao
gói sẵn (kể cả những thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ khác) chỉ
thực hiện ở ngành y tế;
b) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực
phẩm cho các cơ sở: cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống
đóng chai, bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc phạm vi quản
lý của ngành y tế trên địa bàn; cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thực phẩm chức năng, thực
phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến
thực phẩm; cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi
chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có yêu cầu
bảo quản sản phẩm đặc biệt (không thuộc Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng
nhận); cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, gồm: cơ sở chế biến suất ăn sẵn, nhà
hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống, siêu thị, dịch vụ
nấu ăn lưu động do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
(hoặc Giấy chứng nhận đầu tư); căn tin hoặc bếp ăn tập thể trong các bệnh viện đa
khoa tuyến tỉnh; bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học có quy mô phục
vụ từ 200 người trở lên; các khu du lịch, lễ hội, hội nghị, hội chợ do tỉnh tổ
chức quản lý; các cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền
quản lý của từ 02 sở, ngành trở lên trong đó có sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền
quản lý của Sở Y tế thì Chi cục An toàn toàn thực phẩm chịu trách nhiệm quản lý;
c) Thủ
tục cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc quản lý của ngành y
tế, gồm: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; phụ gia thực phẩm, chất
hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong
quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc lĩnh vực phân công quản lý của
Bộ Y tế; xác nhận hồ sơ đăng ký tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm
thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế trên địa bàn; xác nhận nội dung quảng cáo
thực phẩm của các bộ, ngành khác quản lý khi quảng cáo có công bố tác dụng tới
sức khỏe;
d)
Thực hiện các nhiệm vụ của công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ
tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Sở Y tế.
Điều 5. Trách nhiệm của UBND
các huyện, thị xã, thành phố
1. Tổ chức, điều hành
Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện, thị xã, thành
phố.
2. Chỉ đạo, thực hiện
các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh về an toàn thực
phẩm.
3. Quản lý hoạt động
kinh doanh thức ăn đường phố, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện, thị xã,
thành phố bao gồm: các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch
vụ ăn uống do cấp huyện cấp giấy phép kinh doanh; dịch vụ nấu ăn lưu động, căn
tin hoặc bếp ăn tập thể trong các bệnh viện tuyến huyện; bếp ăn tập thể trong
khu công nghiệp, trường học có quy mô phục vụ dưới 200 người; dịch vụ ăn uống,
bếp ăn tại các khu du lịch, lễ hội, hội nghị, hội chợ do huyện tổ chức quản lý…
4. Thực hiện việc cấp
Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ủy quyền cho Trung tâm Y tế
cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền.
Điều 6. Trách nhiệm
của Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Y tế tuyến huyện
1. Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố chịu
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương
tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây
dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức triển khai thực hiện và kiểm
tra, giám sát; tham mưu tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an
toàn thực phẩm, các quy định và tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm thuộc tuyến
huyện quản lý; tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thành lập các
đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; chủ trì lập kế hoạch
và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh
trên địa bàn theo phân cấp quản lý như tại Khoản 3 Điều 5; đề xuất với Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định và theo dõi việc thực hiện các
quyết định xử phạt.
2. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố có
trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thống
kê, báo cáo công tác an toàn thực phẩm; tổ chức công tác tuyên truyền, giáo
dục, tập huấn về an toàn thực phẩm, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến
thức an toàn thực phẩm cho cán bộ tuyến dưới và cộng đồng; tổ chức giải quyết
(tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả) các thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa
về an toàn thực phẩm và tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố cấp Giấy chứng
nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng được quy định tại
Khoản 3 Điều 5 (hoặc thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh
thực phẩm cho các đối tượng được quy định tại Khoản 3 Điều 5 khi được UBND
huyện, thị xã, thành phố ủy quyền).
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị
xã về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa bàn.
1. Tổ chức, điều hành
Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm xã, phường, thị trấn.
2. Thực hiện các quy
định của Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân cấp trên về an toàn thực phẩm.
3. Tổ chức kiểm tra, giám sát
và giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm các cơ sở
sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện tỉnh, huyện quản lý.
Điều 8. Trách nhiệm của Trạm
Y tế xã, phường, thị trấn
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan ở địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện công tác an
toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức thực hiện công tác tập huấn và thông tin,
tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực
phẩm tại cộng đồng; thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản
xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Quy định này trình
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn
thực phẩm.
Điều 9. Tổ chức tập huấn và
xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm
Việc tổ chức tập huấn và xác
nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được thực hiện theo nguyên tắc cấp nào cấp
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở sản
xuất, kinh doanh thực phẩm thì cấp đó tổ chức tập huấn và cấp Giấy xác nhận
kiến thức về an toàn thực phẩm.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Giao Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Quy định này, tổ
chức triển khai trong phạm vi ngành và địa phương mình.
Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì chưa phù hợp cần
sửa đổi, bổ sung, thì Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ
quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) để xem
xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.