214724

Quyết định 6236/QĐ-UBND năm 2013 về Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội”

214724
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Quyết định 6236/QĐ-UBND năm 2013 về Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội”

Số hiệu: 6236/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Vũ Hồng Khanh
Ngày ban hành: 15/10/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 6236/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
Người ký: Vũ Hồng Khanh
Ngày ban hành: 15/10/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6236/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”;

Thực hiện Quyết định số 1531/QĐ-BTP ngày 24 tháng 06 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc chọn các địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố, Giám đốc Công an Thành phố tại Tờ trình liên ngành số 1932/TTrLN/TP-TA-VKS-THADS-CA ngày 01 tháng 08 năm 2013 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để t/h);
- VPCP;
- Bộ Tư pháp;
- TT TU, TT HĐND TP;
- BCĐ CCTP TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Ban Nội chính (TU);
- Các PCT UBND TP;
- Các cơ quan tại Phần VIII Đề án;
- VPUB: CVP, PVP: N.V.Hoạt, TH, NC, TNMT;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Khanh

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6236/QĐ-UBND ngày 15/10/2013 của UBND thành phố Hà Nội)

I. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC VỀ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM THỪA PHÁT LẠI

Chủ trương xã hội hóa hoạt động tư pháp được đề cập trong các văn kiện của Đảng, như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong giai đoạn tới; Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đặc biệt Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ: “Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự. Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình... từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”; “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TW đã ban hành Kế hoạch số 05-KH/CCTP ngày 22/02/2006, tại Điểm 4c, Mục C, Phần II, có nêu rõ: “Nghiên cứu mô hình tổ chức Thừa phát lại, trước mắt tổ chức thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh (hoàn thành việc nghiên cứu trong năm 2006 để có thể tổ chức thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007).

Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thực hiện”.

Như vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương và giải pháp cụ thể về xã hội hóa một số nội dung trong hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án nói riêng. Trong đó, đối với hoạt động tố tụng, phải phát triển các loại hình dịch vụ để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với hoạt động thi hành án, việc xã hội hóa tập trung ở hoạt động thi hành án dân sự mà trọng tâm là giao cho cá nhân, tổ chức phi nhà nước thực hiện một số công việc về thi hành án. Thừa phát lại là tổ chức để thực hiện các công việc đó.

Để sớm triển khai thực hiện chủ trương trên, tại Quyết định số 1325/QĐ-BTP ngày 25/06/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của ngành tư pháp triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã xác định việc triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố là một nội dung quan trọng của ngành Tư pháp.

Thực hiện Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, Ngành và Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện thí điểm chế định này tại thành phố Hồ Chí Minh.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN VỀ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI

1. Cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án:

- Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tại khoản 1 Điều 49 của Nghị định có quy định “Các quy định của Nghị định này cũng được áp dụng khi thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác”.

- Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/09/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-TANDTC-BTC ngày 24/06/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại và chế độ tài chính đối với Văn phòng Thừa phát lại.

- Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/07/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn một số nội dung về thực hiện công việc của Thừa phát lại.

Qua hơn 02 năm thực hiện, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy được hiệu quả, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả.

Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó, việc thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.

Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội ngày 25/03/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” trong đó xác định việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ là một nội dung quan trọng để tiếp tục thực hiện thí điểm Chế định này.

Ngày 07/02/2013, UBND thành phố Hà Nội có công văn số 1244/UBND-NC gửi Bộ Tư pháp đăng ký triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố.

Ngày 14/06/2013, Thành ủy Hà Nội có Văn bản số 607-CV/TU gửi Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đồng ý với chủ trương triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố.

Ngày 24/06/2013, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BTP về việc chọn địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong đó có thành phố Hà Nội.

Ngày 30/07/2013, Sở Tư pháp tổ chức cuộc họp với Văn phòng Thành Ủy, Văn phòng UBND Thành phố, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án. Ngày 01/08/2013, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố có Tờ trình liên ngành số 1932/TTrLN/TP-TA-VKS-THADS-CA đồng trình Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội” và đề nghị Thành Ủy cho ý kiến chỉ đạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, thẩm định, trình Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án.

Ngày 13/08/2013, Tổng cục Thi hành án Dân sự - Bộ Tư pháp có Văn bản số 2150/TCTHADS-NV1 Thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính tại cuộc họp xem xét, đánh giá Đề án của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong đó có thành phố Hà Nội.

Ngày 22/08/2013, Bộ Tư pháp có Thông báo số 6038/TB-BTP thông báo kết luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”.

Ngày 30/9/2013, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 586-TB/TU thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về chủ trương thực hiện thí điểm Đề án chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội. Trong đó, nêu rõ: Cơ bản đồng ý với “Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội”.

2. Cơ sở thực tiễn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh:

Thực hiện Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức quán triệt chủ trương, mục đích, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại cho Cấp Ủy, Chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị số 22/2011/CT-UBND ngày 11/6/2011 về tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại. Nhờ đó đã tạo nên sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cơ quan có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện.

Trong năm 2010, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập, cấp phép hoạt động cho 05 văn phòng Thừa phát lại. Sau Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm các thủ tục cần thiết để thành lập thêm 03 văn phòng Thừa phát lại. Đến hết năm 2012, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có 8 văn phòng Thừa phát lại được thành lập và đăng ký hoạt động với 33 Thừa phát lại, 68 Thư ký Thừa phát lại và 33 nhân viên khác làm việc tại các văn phòng Thừa phát lại. Năm 2013, thực hiện thí điểm giai đoạn 2, Thành phố Hồ Chí Minh đang làm thủ tục chuẩn bị thành lập thêm 04 văn phòng Thừa phát lại.

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ đã khẳng định: Mặc dù mới chỉ trong thời gian hoạt động thí điểm và với số lượng văn phòng không nhiều, nhân lực mỏng, nhưng có thể thấy, Thừa phát lại bắt đầu khẳng định được vị trí của mình trong đời sống pháp luật của Thành phố, cụ thể là tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính - tư pháp. Hoạt động của Thừa phát lại đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội bước đầu như giảm tải nhân lực, thời gian và chi phí, đảm bảo các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, hành chính, nhất là trong việc lập vi bằng, tạo lập chứng cứ, giúp người dân có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong tố tụng và trong thực hiện các giao dịch.

Thực tiễn thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò, hiệu quả của mô hình Thừa phát lại; chủ trương tái lập chế định thừa phát lại theo Chiến lược Cải cách tư pháp của Đảng với việc thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Kết quả về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại hiện nay cho thấy, việc triển khai Nghị định số 61/2009/NĐ-CP là nghiêm túc, có hiệu quả và bước đầu việc thực hiện thí điểm mô hình này đã thành công.

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy còn những khó khăn, vướng mắc như:

- Trong việc tống đạt văn bản, giấy tờ:

Thứ nhất, thời gian đầu, các Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự còn e ngại, chưa thật sự có niềm tin vào năng lực tống đạt của các Văn phòng Thừa phát lại, do vậy, việc thỏa thuận để ký kết hợp đồng tống đạt bị chậm trễ, kéo dài nhiều tháng. Bên cạnh đó, Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự chỉ mới chuyển giao một số loại văn bản cần tống đạt mang tính “thăm dò” nên số lượng văn bản chuyển giao tống đạt cho các Văn phòng Thừa phát lại còn ít so với nhu cầu thực tế.

Thứ hai, một số cơ quan, tổ chức và cán bộ địa phương chưa thực sự hỗ trợ, giúp đỡ cho Thư ký Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản, giấy tờ.

Thứ ba, thù lao tống đạt chưa thật phù hợp, chưa đủ trang trải chi phí cho các Văn phòng Thừa phát lại, thủ tục thanh quyết toán còn chậm.

- Trong việc xác minh điều kiện thi hành án: Một số cơ quan, tổ chức chưa hoặc không hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ cho Thừa phát lại trong việc cung cấp thông tin về tài sản thi hành án.

- Trong việc thi hành án: Người được thi hành án còn e ngại, chưa thật sự tin tưởng vào khả năng thi hành án của các Văn phòng Thừa phát lại. Vẫn còn phổ biến nhận thức cho rằng việc thi hành án là rất khó khăn, ngay như cơ quan Thi hành án dân sự của nhà nước với đội ngũ cán bộ hùng hậu, chuyên nghiệp, với quyền lực và sức mạnh tổng hợp nhưng việc tổ chức thi hành án còn chưa thật hiệu quả thì các Văn phòng Thừa phát lại là mô hình tư nhân, còn non trẻ thì khó có thể tổ chức thi hành án hiệu quả được.

III. KHÁI NIỆM, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP CỦA THỪA PHÁT LẠI:

1. Khái niệm Thừa phát lại:

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm một số công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại:

Điều 3 Nghị định 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định công việc Thừa phát lại được làm:

- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự (bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan Thi hành án dân sự);

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

- Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự (trừ các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án).

Khoản 2 Điều 5 Nghị định 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại: Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án Dân sự, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP.

3. Mối quan hệ phối hợp của Thừa phát lại với các cơ quan liên quan:

- Thừa phát lại hỗ trợ Tòa án trong việc xét xử thể hiện ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt giấy tờ đang do cán bộ Tòa án đảm nhiệm, làm giảm thiểu công việc của Tòa án. Trong mối quan hệ này, Thừa phát lại đóng vai trò là một tổ chức làm dịch vụ cho Tòa án. Tuy làm dịch vụ, nhưng Thừa phát lại phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng về công việc tống đạt của mình. Nếu việc tống đạt không đúng quy định có thể làm chậm trễ, sai lệch quá trình xét xử, không đảm bảo quyền, lợi ích của các bên. Như vậy, đây là một loại hình dịch vụ đặc biệt và Thừa phát lại là một khâu trong quá trình giải quyết vụ án.

Thứ hai, thông qua việc lập các vi bằng có giá trị chứng cứ trong xét xử, Thừa phát lại góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án, bảo đảm quyền, lợi ích của các bên đương sự. Vi bằng do Thừa phát lại lập phải bảo đảm tính khách quan, chính xác và Tòa án có thể tin cậy trong khi xét xử. Như vậy, Thừa phát lại sẽ có mối quan hệ khăng khít với Tòa án và trong giai đoạn thí điểm, Tòa án nhân dân phải phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại trong việc thực hiện công việc của mình.

- Trong hoạt động thi hành án dân sự, Thừa phát lại là một tổ chức dịch vụ thi hành án bên cạnh Cơ quan thi hành án dân sự hiện hành: dịch vụ cho người dân (xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành án); dịch vụ cho Cơ quan thi hành án dân sự (tống đạt các giấy tờ, quyết định về thi hành án). Đây là một mối quan hệ bình đẳng và có yếu tố “cạnh tranh” giữa một bên là Cơ quan thi hành án dân sự công và một bên là tổ chức thi hành án tư.

Khi thi hành nhiệm vụ, Thừa phát lại phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thi hành án và trong nhiều trường hợp, kết quả thực hiện công việc của Thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng giúp Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành đúng pháp luật và hiệu quả bản án, quyết định. Do vậy, Thừa phát lại và Cơ quan thi hành án dân sự phải có mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ.

- Thừa phát lại hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, do đó cần chịu sự giám sát của Viện kiểm sát nhân dân, cụ thể đối với hoạt động thi hành án dân sự cần chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân. Hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân đối với hoạt động thi hành án của Thừa phát lại nhằm đảm bảo cho hoạt động của tổ chức này đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự nói riêng và người dân nói chung.

- Đối với Cơ quan Công an:

Thứ nhất, cơ quan Công an có trách nhiệm giữ gìn trật tự công cộng nói chung theo quy định của pháp luật, do vậy trong quá trình thực hiện công việc của mình mà gặp phải sự chống đối, thì Thừa phát lại có quyền đề nghị cơ quan Công an can thiệp để giữ gìn trật tự.

Thứ hai, khi trực tiếp thi hành án và trong trường hợp thi hành quyết định cưỡng chế của mình, được Cục trưởng Cục thi hành án dân sự phê duyệt, Thừa phát lại được quyền yêu cầu cơ quan Công an hỗ trợ, bảo vệ cưỡng chế tương tự như thẩm quyền của chấp hành viên về vấn đề này. Có thể nói, việc hỗ trợ này là yếu tố quan trọng bảo đảm cho việc thi hành án của Thừa phát lại đạt hiệu quả. Thừa phát lại là hoạt động dịch vụ, do đó Thừa phát lại cần phải chịu chi phí cho việc hỗ trợ của cơ quan Công an, kể cả thù lao cho những người trực tiếp tham gia hỗ trợ theo thỏa thuận của các bên.

- Đối với Ủy ban nhân dân và chính quyền cơ sở: Thừa phát lại là tổ chức dịch vụ trên địa bàn, do vậy chịu sự quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân địa phương theo quy định của pháp luật. Công việc của Thừa phát lại chủ yếu thực hiện tại cơ sở (lập vi bằng, thi hành án, tống đạt..), do vậy chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ Thừa phát lại, trước hết theo quy định của pháp luật tố tụng và thi hành án dân sự.

IV. MÔ HÌNH TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI:

1. Tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm Thừa phát lại:

Theo Điều 10 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại như sau: Là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Thành phố, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ Cử nhân Luật; Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, trọng tài viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên; Đã qua Lớp Tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; Không kiêm nhiệm hành nghề luật sư, công chứng và các công việc khác theo quy định của pháp luật; Không có tiền án, tiền sự.

2. Văn phòng Thừa phát lại:

- Văn phòng Thừa phát lại do Thừa phát lại thành lập. Văn phòng do một Thừa phát lại thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình Doanh nghiệp tư nhân; Văn phòng do hai Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh. Khuyến khích thành lập Văn phòng Thừa phát lại có từ 02 Thừa phát lại trở lên. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng phải là Thừa phát lại.

- Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại do Thừa phát lại lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của văn phòng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại bao gồm: Có nhân viên giúp việc, trong đó bắt buộc phải có kế toán; Có địa điểm để làm văn phòng với diện tích bảo đảm và thuận tiện cho khách hàng, có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động; Phải mở tài khoản và đăng ký thuế; Phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

V. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THỪA PHÁT LẠI:

1. Cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại:

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quản lý nhà nước về Thừa phát lại có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quy hoạch, phát triển nghề Thừa phát lại ở địa phương; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Thừa phát lại; Cho phép thành lập, giải thể Văn phòng Thừa phát lại; Chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của Thừa phát lại.

Sở Tư pháp giúp UBND Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại có nhiệm vụ, quyền hạn: Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại; Tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các văn bản đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Thừa phát lại; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho Thừa phát lại; cấp Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại; Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động Thừa phát lại; Tổ chức Sơ, Tổng kết công tác Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Tư pháp.

2. Chế độ thông tin, báo cáo:

Chế độ thông tin, báo cáo của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện như sau: Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Văn phòng Thừa phát lại báo cáo Sở Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động của mình; Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố. Ngoài báo cáo định kỳ, Văn phòng Thừa phát lại báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp thực hiện các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Tư pháp. Hàng năm, UBND Thành phố báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố. Ngoài báo cáo về tổ chức và hoạt động quy định nêu trên, Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc báo cáo để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát, quản lý tài chính, thuế theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm tra, thanh tra hoạt động Thừa phát lại:

Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an Thành phố, Cục Thi hành án Dân sự Thành phố tiến hành kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất, phát hiện, xử lý vi phạm của Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thừa phát lại:

Điều 45 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại đối với việc tống đạt và thi hành án dân sự của Thừa phát lại như sau:

- Đương sự và những người liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thừa phát lại trong việc trực tiếp thi hành án dân sự và tống đạt, nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của mình.

- Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện như sau:

+ Giám đốc Sở Tư pháp ra quyết định giải quyết lần đầu đối với khiếu nại của đương sự trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

+ Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết khiếu nại trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là quyết định giải quyết cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

Điều 46 quy định về giải quyết tranh chấp việc lập vi bằng của Thừa phát lại như sau: Đối với việc lập vi bằng, nếu có tranh chấp thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 47 quy định về giải quyết việc tố cáo hành vi trái pháp luật của Thừa phát lại như sau: Việc tố cáo hành vi trái pháp luật của Thừa phát lại của công dân, thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và văn bản liên quan.

5. Các hình thức xử lý vi phạm:

Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, Thừa phát lại có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài hình thức xử lý vi phạm hành chính, Thừa phát lại có thể còn bị xử lý bằng hình thức sau: Miễn nhiệm và thu hồi thẻ Thừa phát lại, trừ trường hợp việc xử lý vi phạm hành chính đã bao gồm hình thức xử lý này; Truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền xử lý vi phạm: Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Việc xử lý về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật.

VI. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

1. Đối với việc thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố:

Toàn Thành phố có 30 cơ quan thi hành án dân sự gồm Cục Thi hành án dân sự Thành phố và 29 Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã với 518 cán bộ làm công tác thi hành án, trong đó có 220 chấp hành viên.

Về kinh phí, toàn bộ hoạt động của các Cơ quan Thi hành án dân sự đều do ngân sách nhà nước cấp, gồm kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm, sửa chữa... Năm 2000, ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho mỗi cán bộ, chấp hành viên là 16,5 triệu đồng/1 người/1 năm, đến nay là 45 triệu đồng/1 người/1 năm (bao gồm cả quỹ tiền lương). Hiện nay, tổng số tiền mà ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên cho các Cơ quan Thi hành án Dân sự đã lên tới gần 22 tỷ đồng một năm, không kể vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm, sửa chữa....

Về lượng việc, số việc thụ lý mới năm 2010 là 34.320, năm 2011 là 37.820 việc, năm 2012 là 31.763. Hiện nay, trung bình mỗi chấp hành viên tại Thành phố phải tổ chức thi hành trên 170 việc/năm, trong đó: quận Đống Đa là 370 việc/năm, quận Ba Đình là 327 việc/năm, quận Hoàn Kiếm là 250 việc/năm.

Các số liệu về biên chế, kinh phí, lượng việc hàng năm nói trên đều liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước (lượng việc thụ lý mới tăng, kéo theo biên chế tăng, do đó ngân sách nhà nước cấp cho lĩnh vực này cũng liên tục tăng theo). Điều quan ngại là tuy ngân sách tăng, biên chế tăng nhưng mức tăng cũng không theo kịp quy mô công việc. Hệ quả là lượng án tồn đọng chuyển sang năm sau ngày càng nhiều.

Từ thực trạng nêu trên trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố, việc thí điểm giao Thừa phát lại thi hành án sẽ giúp giảm tải một phần công việc cho cơ quan thi hành án dân sự.

2. Đối với việc tống đạt các loại văn bản, giấy tờ của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự:

Trong lĩnh vực xét xử, hiện nay Tòa án thành phố Hà Nội và quận, huyện, thị xã thụ lý giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động... mỗi năm hơn 20.000 vụ việc. Trong lĩnh vực thi hành án, theo thống kê, tại thành phố Hà Nội mỗi năm phải thụ lý giải quyết hơn 30.000 việc. Do vậy, nhu cầu tống đạt các văn bản, giấy tờ liên quan đến tố tụng theo yêu cầu của Tòa án và tống đạt các văn bản, giấy tờ của Cơ quan Thi hành án Dân sự là rất lớn. Hàng năm, riêng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phải chi từ 600 đến 800 triệu đồng để chuyển văn bản cần tống đạt qua bưu điện. Tuy nhiên, việc chuyển văn bản qua bưu điện có hạn chế như sau: Nhân viên bưu điện chỉ làm công việc thuần túy là chuyển văn bản, nhân viên bưu điện không được đào tạo về pháp luật, không có thẩm quyền và không chịu trách nhiệm về việc tống đạt. Đã có nhiều trường hợp vụ án không thể đưa ra xét xử được vì đương sự không nhận được văn bản tống đạt đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định theo pháp luật tố tụng. Thừa phát lại là người có trình độ pháp luật, được đào tạo về nghiệp vụ, quy trình, có thẩm quyền tống đạt văn bản. Vì vậy, giao việc tống đạt văn bản cho Thừa phát lại sẽ tốt hơn giao cho nhân viên bưu điện và giúp tiết kiệm thời gian cho cán bộ Tòa án, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự theo đúng quy định của pháp luật tố tụng.

3. Đối với việc tạo lập chứng cứ, bổ sung nguồn chứng cứ để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ dân sự, kinh tế phát triển đa chiều và phức tạp dẫn đến nhiều tranh chấp và vi phạm pháp luật do những mâu thuẫn khác nhau về lợi ích. Nhu cầu đối với các dịch vụ pháp lý cũng phát triển mạnh dẫn tới sự hình thành nhiều tổ chức có nhiệm vụ hỗ trợ về mặt pháp luật cũng như cung cấp dịch vụ pháp lý cho xã hội như Luật sư, Công chứng, Trọng tài thương mại, Giám định tư pháp. Sự gia tăng các tranh chấp và vi phạm pháp luật tạo ra quá tải đối với cơ quan tư pháp trong việc xử lý các vi phạm, tranh chấp vì trình tự, thủ tục điều tra, thu thập chứng cứ, xác minh hiện trạng, lấy lời khai, tiến hành dàn xếp hòa giải theo quy định của pháp luật đến việc cung cấp, tống đạt các văn bản tố tụng dân sự và thi hành án đều do các cơ quan nhà nước thực hiện. Bộ máy chưa đủ về nhân sự với trình độ, phương tiện làm việc thiếu thốn. Vì vậy, tình trạng án tồn đọng chưa xử, bản án đã có hiệu lực pháp luật chưa được thi hành đang là thực tế phải giải quyết.

Pháp luật nước ta đã quy định nhiều nguyên tắc cơ bản cho việc điều chỉnh các quan hệ dân sự. Một trong những nguyên tắc đó là nguyên tắc cung cấp chứng cứ và tự chứng minh.

Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ hợp pháp. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

Như vậy, pháp luật dân sự đã quy định rõ, khi có quyền lợi dân sự bị xâm phạm, các bên có quyền khởi kiện để được bảo vệ, nhưng có nghĩa vụ phải xuất trình chứng cứ để chứng minh yêu cầu đó là hợp pháp. Nếu không đưa ra được hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh hoặc chứng minh không đầy đủ đó. Nguyên tắc này, không những chỉ áp dụng trong lĩnh vực dân sự, mà cả trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, hành chính, lao động.

Mặc dù đã được Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định, pháp luật hiện hành lại chưa có một cơ chế hữu hiệu, cụ thể để cá nhân, tổ chức thu thập, xác lập được các chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Chứng cứ có vai trò rất quan trọng đối với vụ án, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, việc thu thập và xuất trình chứng cứ để chứng minh là rất khó khăn. Văn bản của các bên tự xác lập, sự kiện pháp lý tự các bên xác nhận chắc chắn không bảo đảm giá trị pháp lý và độ tin cậy. Trong khi đó, Thừa phát lại với trình độ pháp luật, kỹ năng soạn thảo văn bản có thể lập vi bằng với hình thức và nội dung có chất lượng hơn văn bản do đương sự tự xác lập. Qua đó, vi bằng do Thừa phát lại lập có thể phần nào giúp tạo lập chứng cứ, bổ sung nguồn chứng cứ để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

4. Đối với việc xác minh điều kiện thi hành án:

Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ quy định: Tại Khoản 1: Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Tại Khoản 2: Người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả.

Luật Thi hành án Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định giảm gánh nặng cho Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án, đồng thời gắn trách nhiệm của người được thi hành án trong việc cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp thi hành án theo yêu cầu, làm cơ sở để Chấp hành viên tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, người được thi hành án phần nhiều không biết phải đến cơ quan, tổ chức nào, gặp ai để yêu cầu cung cấp thông tin; trong thực tế cho thấy, ngay cả khi người được thi hành án đến yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án cung cấp thông tin, xác minh thì gặp rất nhiều khó khăn do cơ quan, tổ chức không hợp tác. Thêm vào đó, người được thi hành án cũng rất khó chứng minh việc: Không có điều kiện tiến hành xác minh; đã tự xác minh hoặc ủy quyền cho người khác tiến hành xác minh nhưng không có kết quả. Sau đó, mới có thể yêu cầu Chấp hành viên xác minh. Việc để Thừa phát lại giúp người được thi hành án xác minh điều kiện thi hành án sẽ giúp người được thi hành án được hưởng quyền, lợi ích từ bản án, quyết định được thi hành, giúp tiết kiệm thời gian cho cán bộ thi hành án.

VII. TÍNH KHẢ THI CỦA VIỆC THÍ ĐIỂM THỪA PHÁT LẠI TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI:

1. Tính khả thi của việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội:

Việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội sẽ khả thi vì một số lý do:

Thứ nhất, Thừa phát lại đã được thí điểm có kết quả tại thành phố Hồ Chí Minh, qua đó đã đúc kết nhiều kinh nghiệm tạo cơ sở thuận lợi về lý luận và thực tiễn để triển khai ở thành phố Hà Nội.

Thứ hai, thành phố Hà Nội là nơi có mức phát triển kinh tế và thu nhập trên đầu người cao thứ hai cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Với điều kiện kinh tế và mặt bằng dân trí cao nên người dân sẵn sàng chấp nhận và sử dụng các loại hình dịch vụ pháp lý, kể cả trong lĩnh vực Thi hành án Dân sự;

Thứ ba, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong và thực hiện có hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp; là nơi có đội ngũ luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chứng viên hùng hậu, có thể phối hợp tốt với Thừa phát lại;

Thứ tư, trong lĩnh vực tư pháp hay hành chính, tình trạng quá tải trong công việc là rất phổ biến (ví dụ: toàn ngành Tòa án Thành phố trong 03 năm (2010-2012) thụ lý trên 63.466 vụ, đã giải quyết được 60.287 vụ; trung bình mỗi năm số lượng án các cấp tại Thành phố thụ lý tăng hơn 1.000 vụ so với năm trước. Trong lĩnh vực Thi hành án Dân sự, trong 03 năm (2010-2012), lượng việc, án phải thi hành là 103.903. Bình quân mỗi chấp hành viên tại thành phố Hà Nội phải tổ chức thi hành trên 170 việc/năm, trong đó: quận Đống Đa là 370 việc/năm, quận Ba Đình là 327 việc/năm, quận Hoàn Kiếm là 250 việc/năm, cao hơn 03 lần so với mức bình quân của cả nước.

2. Một số khó khăn, vướng mắc có thể ảnh hưởng đến việc triển khai:

Về thể chế: Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất về Thừa phát lại là Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính phủ, Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/09/2009 của Bộ Tư pháp, Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-TANDTC-BTC ngày 24/06/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/07/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Hiện nay, chưa có Luật về Thừa phát lại, chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc phối hợp, hỗ trợ hoạt động của Thừa phát lại nên việc triển khai thí điểm trên thực tế sẽ gặp không ít khó khăn.

Về nhận thức: Nhìn chung hiện nay chế định Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân. Hầu hết các công việc Thừa phát lại được làm đều đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện vì vậy, người dân chưa quen nhìn nhận và sử dụng Thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình. Nhận thức của các cơ quan hữu quan về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Thừa phát lại cũng chưa thật rõ ràng, đầy đủ nên việc thí điểm bước đầu không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả chế định này cần sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự quyết tâm thực hiện thành công chế định này của các ngành, các cấp có liên quan.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Tổ chức thực hiện:

1.1. Quán triệt chủ trương của Đảng về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại:

Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả chế định Thừa phát lại cần sự thống nhất trong chỉ đạo, sự quyết tâm phối hợp thực hiện thí điểm của các ngành liên quan, UBND Thành phố tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Văn bản để quán triệt trong đảng viên, cán bộ và nhân dân về việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại trong hoạt động; ban hành Chỉ thị, Kế hoạch thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố.

Tiến độ thực hiện: Quý IV 2013.

1.2. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội:

Ban Chỉ đạo gồm đại diện: Thành ủy, UBND, Tòa án, Viện Kiểm sát, Cục Thi hành án Dân sự, Công an, Sở Tư pháp Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã nơi triển khai thí điểm và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tiến độ thực hiện: Quý IV /2013.

1.3. Triển khai tuyên truyền về Thừa phát lại:

a) Biên soạn và phát hành sách hỏi - đáp, tờ gấp “Một số quy định cần biết về Thừa phát lại” và Bộ Tài liệu “Những Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Thừa phát lại”.

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự, Công an Thành phố, các Sở, Ban, Ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013 và Quý I/2014.

b) Tổ chức Họp báo, Hội nghị giao ban báo chí của Thành phố, phối hợp với các báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Cổng Thông tin Điện tử thành phố để thông tin, tuyên truyền về chế định Thừa phát lại thực hiện thí điểm trên địa bàn Thành phố.

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013 và Quý I/2014

c) Tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Thành phố và các quận, huyện, thị xã các văn bản pháp luật về Thừa phát lại

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: UBND các quận, huyện, thị xã.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013; Quý I, II/2014.

d) Thông báo về nội dung Đăng ký hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, các tổ chức tín dụng và một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013.

đ) Xây dựng Trang Thông tin điện tử về Thừa phát lại:

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự, Công an Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013.

1.4. Tập huấn nghiệp vụ về Thừa phát lại:

a) Tập huấn nghiệp vụ Tống đạt cho Thừa phát lại, Thư ký Thừa phát lại:

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân Thành phố.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013, năm 2014.

b) Tập huấn nghiệp vụ Thi hành án dân sự cho Thừa phát lại, Thư ký Thừa phát lại:

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Cục Thi hành án dân sự Thành phố.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013, năm 2014.

1.5. Bổ nhiệm, miễn nhiệm và cấp Thẻ Thừa phát lại:

Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ bổ nhiệm Thừa phát lại. Nếu hồ sơ đầy đủ, Sở Tư pháp trình Bộ Tư pháp xét quyết định, bổ nhiệm Thừa phát lại. Thừa phát lại không được phép hành nghề tự do, phải hành nghề trong một Văn phòng Thừa phát lại.

Thừa phát lại hành nghề tại Văn phòng Thừa phát lại nộp hồ sơ đề nghị cấp Thẻ Thừa phát lại lên Sở Tư pháp. Nếu hồ sơ đầy đủ, Sở Tư pháp trình hồ sơ lên Bộ Tư pháp đề nghị cấp Thẻ Thừa phát lại.

1.6. Thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại:

a) Số lượng Văn phòng Thừa phát lại:

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, để góp phần giảm tải công việc cho cán bộ Tòa án và Thi hành án Dân sự Thành phố, trên cơ sở tiêu chí xác định vị trí đặt Văn phòng Thừa phát lại, trước mắt thành phố Hà Nội thành lập 5 Văn phòng Thừa phát lại. Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải tuân theo quy hoạch. Căn cứ vào thực tiễn công tác xét xử của ngành Tòa án và công tác Thi hành án Dân sự trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua, thành phố Hà Nội sẽ đặt các Văn phòng Thừa phát lại tại một số quận, huyện đáp ứng các yêu cầu sau:

- Các hoạt động của Tòa án, Thi hành án Dân sự và công tác tư pháp được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của cấp ủy và chính quyền, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, trình độ dân trí cao phù hợp với nhu cầu, chức năng hoạt động Thừa phát lại.

- Trong những năm gần đây có số lượng các vụ án xét xử và số án dân sự phải thi hành lớn (Có Phụ lục kèm theo).

- Trình độ dân trí của người dân tại các quận, huyện này tương đối cao, nhu cầu của tổ chức, cá nhân về việc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại lớn.

- Nhân lực đáp ứng việc hành nghề và thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại các quận, huyện này là sẵn có và đáp ứng được nhu cầu đặt ra.

b) Quy trình:

Thừa phát lại có nguyện vọng thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng tại Sở Tư pháp. Sở Tư pháp xét duyệt hồ sơ và chọn các hồ sơ đáp ứng yêu cầu, trình UBND Thành phố xem xét, cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Sở Tư pháp cấp Giấy Đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại.

Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải thận trọng, xem xét từng trường hợp cụ thể, tuân theo quy hoạch, có lộ trình thích hợp với từng giai đoạn thí điểm. Thừa phát lại, đặc biệt là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ, sức khỏe kinh nghiệm công tác, có mối quan hệ tốt với các cơ quan liên quan.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013.

1.7. Xây dựng cơ sở dữ liệu về Thừa phát lại:

Xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động Thừa phát lại bao gồm: Việc thụ lý, hồ sơ, thống kê kết quả công việc, lưu trữ, tra cứu, tổng hợp, báo cáo, ... Chia sẻ cơ sở dữ liệu của Thừa phát lại với các cơ quan liên quan, tiếp nhận, tra cứu thông tin, dữ liệu của các cơ quan liên quan.

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự, Công an Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, các Sở, Ban, Ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013

1.8. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại:

Họp Ban Chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại.

Tiến độ thực hiện: Mỗi Quý một lần.

1.9. Kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại:

a) Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động Thừa phát lại theo chức năng nhiệm vụ và quy định tại Luật Thi hành án Dân sự, Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

b) Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tham gia giám sát việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

1.10. Hợp tác trong nước, quốc tế về Thừa phát lại:

a) Cử Đoàn Công tác đến thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi về hoạt động thí điểm và thực tiễn về nghề Thừa phát lại.

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Cục Thi hành án Dân sự Thành phố, các cơ quan có liên quan khác.

Tiến độ thực hiện: Năm 2014

b) Mời các chuyên gia về Thừa phát lại ở các nước phát triển, có lịch sử lâu đời về Thừa phát lại trên thế giới đến Hà Nội giảng dạy, trao đổi lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tổng cục Thi hành án Dân sự - Bộ Tư pháp, Chương trình Đối tác Tư pháp, Sở Ngoại vụ và các cơ quan có liên quan khác.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2013, năm 2014, năm 2015.

1.11. Sơ kết, Tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại:

Sơ kết 01 năm triển khai và Tổng kết 02 năm thực hiện:

Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự, Công an Thành phố, Sở Tài chính, các Sở, Ban, Ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

Tiến độ thực hiện: Quý IV/2014 và Quý IV/2015.

2. Phân công trách nhiệm của các Sở, ngành đơn vị và đề nghị phối hợp triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại:

2.1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành Ủy:

Chỉ đạo Ban Tuyên giáo các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương và Thành phố về Thừa phát lại; định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố.

2.2. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố:

a) Phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại.

b) Bên cạnh việc giao Cơ quan Thi hành án Dân sự thi hành Bản án, Quyết định, đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố bổ sung quy định trong Bản án, Quyết định của Tòa án nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã giao Văn phòng Thừa phát lại thi hành Bản án, Quyết định, tạo điều kiện để đương sự lựa chọn giữa Cơ quan Thi hành án Dân sự và Văn phòng Thừa phát lại.

c) Chuyển giao, chỉ đạo Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã chuyển giao các văn bản cần tống đạt cho Thừa phát lại; Hướng dẫn nghiệp vụ tống đạt cho Thừa phát lại và Thư ký Thừa phát lại.

d) Trong thời gian thí điểm, định kỳ thông tin cho Sở Tư pháp về số lượng và chất lượng của vi bằng được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử tại Tòa án nhân dân Thành phố và Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã.

đ) Thực hiện các nội dung tại Phần Tổ chức thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành mình.

2.3. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố:

a) Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại.

b) Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại.

c) Thông tin cho Sở Tư pháp việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của Tòa án, các văn bản về thi hành án và trong hoạt động thi hành án của Thừa phát lại.

d) Thực hiện các nội dung tại Phần Tổ chức thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành mình.

2.4. Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố: Tham gia giám sát việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố.

2.5. Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam:

Cung cấp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp thông tin về đăng ký tàu biển và thế chấp tàu biển phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

2.6. Sở Tư pháp:

a) Tham mưu giúp UBND Thành phố ban hành các Văn bản triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở Hà Nội.

b) Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Cục Thi hành án dân sự Thành phố, Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.

c) Giúp UBND Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại.

d) Thực hiện các nội dung quy định chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp.

2.7. Cục Thi hành án dân sự Thành phố:

a) Chuyển giao, chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã chuyển giao các văn bản cần tống đạt cho Thừa phát lại thực hiện.

b) Chỉ đạo Chi cục Thi hành án Dân sự các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại, đặc biệt là hỗ trợ về kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự.

c) Thông tin cho Sở Tư pháp việc thực hiện các công việc về thi hành án dân sự của Thừa phát lại.

d) Thực hiện các nội dung tại Phần Tổ chức thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành mình.

2.8. Công an Thành phố:

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký xe cơ giới phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

b) Chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án theo quy định của pháp luật về tố tụng, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

c) Chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã và Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại tổ chức bảo vệ cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Khoản 4 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ.

d) Chỉ đạo các Trại giam, Trại tạm giam phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 180 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan.

đ) Thực hiện các nội dung tại Phần Tổ chức thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành mình.

2.9. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

2.10. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký kinh doanh, đầu tư phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan.

2.11. Sở Giao thông Vận tải:

Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký phương tiện thủy nội địa, xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan.

2.12. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự Thành phố và các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn lập dự toán, bố trí kinh phí phục vụ cho việc thực hiện Đề án trình UBND Thành phố quyết định.

b) Thực hiện các nội dung tại Phần Tổ chức thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở mình.

2.13. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chế định Thừa phát lại, dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền phổ biến trên các chuyên trang, chuyên mục pháp luật về nội dung của các văn bản pháp luật liên quan đến Thừa phát lại.

b) Thực hiện các nội dung tại Phần Tổ chức thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở mình.

2.14. Các cơ quan thông tin đại chúng:

Các báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về chủ trương của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước về Thừa phát lại trên các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; theo dõi và đưa tin thường xuyên về hoạt động của Thừa phát lại để nhân dân và các tổ chức nắm bắt, sử dụng có hiệu quả công cụ mới trong thi hành án dân sự.

2.15. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội:

a) Phổ biến về trách nhiệm, hướng dẫn các tổ chức tín dụng phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 176 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

2.16. Kho bạc Nhà nước Thành phố:

Thực hiện và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các quận, huyện, thị xã phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 176 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

2.17. Cục Thuế Thành phố:

Cung cấp và chỉ đạo các Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã cung cấp thông tin về thuế phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Luật Quản lý thuế, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

2.18. Cục Hải quan Thành phố:

Cung cấp và chỉ đạo các Chi cục Hải quan cung cấp thông tin về thuế phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Luật Quản lý thuế, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

2.19. Bảo hiểm xã hội Thành phố:

Thực hiện và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 177 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

2.20. Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại thành phố Hà Nội:

Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

2.21. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại:

Thực hiện công việc về thi hành án dân sự quy định tại Điều 175 và Điều 180 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

Thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

c) Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng và các cơ quan chuyên môn cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

d) Thực hiện các nội dung tại Phần Tổ chức thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình.

2.22. Ngoài các quy định cụ thể tại Văn bản này, các Sở, Ban, Ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động của Thừa phát lại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

3. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí để triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố lấy từ nguồn ngân sách Thành phố, có dự trù kinh phí kèm theo Đề án (tại Phụ lục 3).

4. Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc:

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; báo cáo Bộ Tư pháp, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành phố, Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định./.

 

PHỤ LỤC 1

KẾT QUẢ THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT CÁC LOẠI ÁN CỦA NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2010 - 2012
(theo Văn bản số 359/TA-VP ngày 05/03/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội)

STT

Tên đơn vị hành chính cấp huyện

2010

2011

2012

Tổng 3 năm

1

Quận Đống Đa

1.691

1.804

1.881

5.376

2

Quận Hai Bà Trưng

1.274

1.413

1.529

4.216

3

Quận Hoàng Mai

1.068

1.229

1.337

3.634

4

Quận Ba Đình

1.128

1.182

1.323

3.633

5

Huyện Từ Liêm

913

1.112

1.209

3.234

6

Quận Hoàn Kiếm

899

955

1.039

2.893

7

Quận Long Biên

830

925

1.130

2.885

8

Quận Thanh Xuân

751

745

803

2.299

9

Quận Hà Đông

673

744

842

2.259

10

Quận Cầu Giấy

615

761

904

2.280

11

Huyện Thanh Trì

461

497

653

1.611

12

Quận Tây Hồ

459

557

592

1.608

13

Thị xã Sơn Tây

467

475

492

1.434

14

Huyện Đông Anh

753

850

913

2.516

15

Huyện Sóc Sơn

516

630

680

1.826

16

Huyện Ba Vì

416

461

532

1.409

17

Huyện Gia Lâm

391

468

576

1.435

18

Huyện Chương Mỹ

374

446

512

1.332

19

Huyện Mê Linh

298

345

440

1.083

20

Huyện Hoài Đức

288

316

427

1.031

21

Huyện Thường Tín

265

296

292

853

22

Huyện Đan Phượng

227

253

308

788

23

Huyện Mỹ Đức

227

257

436

920

24

Huyện Ứng Hòa

226

224

280

730

25

Huyện Thanh Oai

209

249

282

740

26

Huyện Thạch Thất

205

263

327

795

27

Huyện Phúc Thọ

203

301

287

791

28

Huyện Quốc Oai

191

287

284

762

29

Huyện Phú Xuyên

190

182

244

616

30

Tòa án nhân dân TP Hà Nội

2.632

2.877

2.968

8.477

 

Tổng

18.840

21.104

23.522

63.466

 

PHỤ LỤC 2

KẾT QUẢ THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT CÁC VỤ, VIỆC CỦA CÁC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2010 - 2012
(Theo Báo cáo của Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hà Nội)

STT

Tên đơn vị hành chính cấp huyện

2010

2011

2012

Tổng 3 năm

1

Quận Đống Đa

3.469

4.070

2.955

10.494

2

Quận Hai Bà Trưng

2.462

2.048

1.861

6.371

3

Quận Hoàng Mai

1.795

1.733

2.014

5.542

4

Quận Ba Đình

2.485

3.689

2.167

8.341

5

Huyện Từ Liêm

1.582

1.639

1.511

4.732

6

Quận Hoàn Kiếm

2.867

3.031

1.655

7.553

7

Quận Long Biên

1.344

1.302

1.352

3.998

8

Quận Thanh Xuân

1.508

1.987

1.402

4.897

9

Quận Hà Đông

702

889

1.111

2.702

10

Quận Cầu Giấy

880

1.039

1.119

3.038

11

Huyện Thanh Trì

1.001

1.059

1.082

3.142

12

Quận Tây Hồ

1.174

1.396

983

3.553

13

Thị xã Sơn Tây

743

912

725

2.380

14

Huyện Đông Anh

1.874

2.026

1.620

5.520

15

Huyện Sóc Sơn

925

1.175

945

3.045

16

Huyện Ba Vì

645

769

750

2.164

17

Huyện Gia Lâm

950

789

930

2.669

18

Huyện Chương Mỹ

513

534

731

1.778

19

Huyện Mê Linh

895

971

758

2.624

20

Huyện Hoài Đức

566

596

736

1.898

21

Huyện Thường Tín

343

447

350

1.140

22

Huyện Đan Phượng

430

535

464

1.429

23

Huyện Mỹ Đức

512

433

554

1.499

24

Huyện Ứng Hòa

385

495

463

1.343

25

Huyện Thanh Oai

408

451

399

1.258

26

Huyện Thạch Thất

411

525

339

1.275

27

Huyện Phúc Thọ

415

443

486

1.344

28

Huyện Quốc Oai

346

390

469

1.205

29

Huyện Phú Xuyên

282

339

311

932

30

Cục Thi hành án DS TP HN

2.408

2.108

1.521

6.037

 

Tổng

34.320

37.820

31.763

103.903

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản