BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 23/2015/TB-LPQT
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 7 năm 2015
|
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC
TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực
hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về
nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Chương trình Newton Việt Nam), ký tại Hà Nội
ngày 03 tháng 6 năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 6 năm 2015.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Bản ghi nhớ
theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ PHÁP LUẬT VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Lê Đức Hạnh
|
BẢN GHI NHỚ
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC
AI-LEN VỀ NGHIÊN CỨU VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO (CHƯƠNG TRÌNH NEWTON VIỆT NAM)
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (sau đây gọi là "các
Bên tham gia"), trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị và hợp tác hiện có giữa
hai nước, và cụ thể nhằm khuyến khích, và hỗ trợ tăng cường năng lực của Việt
Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo,
Đã đạt được thỏa thuận như sau:
ĐIỀU 1
MỤC TIÊU
Mục tiêu chính của quan hệ hợp tác trong phạm vi Bản
ghi nhớ này là hỗ trợ năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vì sự
phát triển bền vững lâu dài. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc mở rộng và
tối đa hóa sự hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, giữa các nhà hoạch
định chính sách trong Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu,
các cơ sở giáo dục đại học, các công ty và doanh nghiệp.
Bản ghi nhớ này sẽ tạo ra một khuôn khổ quan trọng
cho việc tăng cường hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các mối quan
hệ đối tác dài hạn và bền vững, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết những
thách thức chính của Việt Nam.
Hợp tác trong Bản ghi nhớ này sẽ không ảnh hưởng tới
các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo song phương và đa phương
khác mà mỗi Bên tham gia mong muốn thực hiện.
Các hoạt động hợp tác thuộc Bản ghi nhớ này sẽ được
thực hiện phù hợp với pháp luật của mỗi quốc gia và các điều ước quốc tế mà hai
quốc gia là thành viên.
ĐIỀU 2
CÁC LĨNH VỰC VÀ HÌNH
THỨC CỦA CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC
Các Bên tham gia thông qua sự hợp tác này sẽ hỗ trợ
những nghiên cứu dựa trên tiến bộ khoa học, trong các lĩnh vực có thể đóng góp
tối đa vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu có thể bao gồm
từ nghiên cứu cơ bản cho đến ứng dụng trong khoa học và kỹ thuật.
Thông qua quá trình quản trị nhà nước, các Bên tham
gia sẽ cùng các đối tác của Việt Nam và Vương quốc Anh phát hiện những lĩnh vực
mà Chương trình nên tập trung hỗ trợ. Những lĩnh vực này có thể bao gồm:
- Y tế và khoa học sự sống.
- Tính phục hồi môi trường và an ninh năng lượng.
- Thành phố tương lai.
- Nông nghiệp.
- Công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.
Hình thức hoạt động hợp tác trong Bản ghi nhớ này dự
kiến sẽ bao gồm:
a. Các chương trình tài trợ tài năng chung, bao gồm
các chương trình học bổng và các chương trình huy động sinh viên và nhà nghiên
cứu, cho phép trao đổi nhân sự hai chiều;
b. Các hợp tác nghiên cứu chung và các trung tâm
liên kết quy mô và có chất lượng cao - cơ hội cho việc nghiên cứu ở mọi cấp độ
bao gồm nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, các chương trình và dự án theo
chủ đề hoặc thách thức;
c. Các quan hệ đối tác và nghiên cứu có định hướng
đổi mới sáng tạo.
ĐIỀU 3
CƠ QUAN THỰC THI
Cơ quan thực thi cho mục đích của Bản ghi nhớ này
là Bộ Khoa học và Công nghệ thay mặt cho Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và Bộ Doanh nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Kỹ năng thay mặt cho Vương quốc
Anh.
ĐIỀU 4
CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÁC
Trong điều kiện thích hợp, các Bên tham gia sẽ khuyến
khích và tạo điều kiện kết nối trực tiếp giữa các nhà hoạch định chính sách
trong Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở giáo
dục đại học, các công ty và doanh nghiệp.
ĐIỀU 5
SỞ HỮU TRÍ TUỆ, BÍ MẬT
THÔNG TIN KINH DOANH
Nếu các Bên tham gia xác định rằng một hoạt động cụ
thể có thể dẫn đến việc tạo ra các tài sản trí tuệ hoặc trao đổi bí mật kinh
doanh, các Bên sẽ tham vấn và thỏa thuận với nhau bằng văn bản phù hợp về việc
bảo vệ và phân bổ tài sản trí tuệ và bí mật thông tin kinh doanh, nhất quán với
mục tiêu đạt được tác động phát triển thực sự tại Việt Nam.
ĐIỀU 6
QUẢN LÝ
Để giám sát việc hợp tác và chịu trách nhiệm về các
thông tin liên lạc và giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc Bản ghi nhớ này, mỗi
Bên tham gia sẽ chỉ định một điều phối viên chính, Cho đến khi có thông báo
khác, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đóng vai trò điều phối chính thay mặt cho Chính
phủ Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam sẽ đóng vai trò điều phối chính
thay mặt cho Chính phủ Vương quốc Anh. Ngoài ra, khi thích hợp, các Bên tham
gia sẽ chỉ định một hoặc nhiều tổ chức chuyên gia chịu trách nhiệm cho sự hợp
tác trong những lĩnh vực ưu tiên được liệt kê trong Điều 2 của Bản ghi nhớ này.
Các điều phối viên chính sẽ đảm bảo quá trình quản
trị nhà nước hiệu quả trong các hoạt động hợp tác một cách liên tục trên cơ sở điều
phối với các tổ chức chuyên gia. Các điều phối viên chính có chức năng sau đây:
- Tạo điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động nằm
trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này;
- Xác định các tiêu chí và điều kiện để thực hiện,
các hoạt động chung dự kiến trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này;
- Đánh giá các hoạt động đã triển khai trong khuôn
khổ Bản ghi nhớ và tiếp tục theo dõi các hoạt động đó;
- Đánh giá việc thực hiện Bản ghi nhớ hiện tại.
- Các điều phối viên chính sẽ họp ít nhất một lần mỗi
hai năm và có thể mời thêm các tổ chức chuyên gia đã được chỉ định tham dự các
cuộc họp này.
ĐIỀU 7
TÀI TRỢ VÀ CÁC NGUỒN
LỰC
Các hoạt động hợp tác thực hiện theo Bản ghi nhớ
này sẽ được đồng tài trợ bởi Chương trình Newton Việt Nam. Cả hai Bên tham gia
sẽ tìm kiếm nguồn lực tài chính để thực thi Quan hệ đối tác này trên cơ sở nỗ lực
tương đương.
Việc quản trị các nguồn tài trợ của mỗi hoạt động hợp
tác tại Việt Nam sẽ được quyết định trước khi triển khai hoạt động.
ĐIỀU 8
SỬA ĐỔI VÀ GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP
Bản ghi nhớ này có thể được sửa đổi với sự đồng thuận
bằng văn bản của các Bên tham gia.
Tất cả các vấn đề liên quan đến việc áp dụng Bản
ghi nhớ này sẽ được các Bên tham gia cùng xem xét. Mọi tranh chấp liên quan đến
việc giải thích hoặc áp dụng Bản ghi nhớ này sẽ được giải quyết hoàn toàn bằng
biện pháp ngoại giao giữa các Bên tham gia.
ĐIỀU 9
THỜI GIAN, NGÀY CÓ
HIỆU LỰC VÀ KẾT THÚC
Bản ghi nhớ này sẽ có hiệu lực vào ngày ký của các
Bên tham gia và sẽ có hiệu lực trong khoảng thời gian 3 năm và có thể được kéo
dài thêm 2 năm trên cơ sở dàn xếp chung sau khi đánh giá thành công các hoạt động.
Bản ghi nhớ có thể được kết thúc sớm hơn bởi một Bên tham gia bằng cách thông
báo bằng văn bản cho Bên tham gia còn lại ít nhất 90 ngày trước ngày kết thúc.
Việc kết thúc Bản ghi nhớ sẽ không ảnh hưởng đến
các hoạt động hợp tác chưa hoàn thành trừ khi các Bên tham gia có quyết định
khác.
Bản ghi nhớ này là một tuyên bố về ý định hợp tác
nhưng không có mục đích như một tài liệu ràng buộc pháp lý và không tạo ra
nghĩa vụ pháp lý theo luật quốc tế.
Những điều trình bày trên đây đại diện cho sự hiểu
biết đã đạt được giữa các Bên tham gia về các vấn đề được đề cập trong Bản ghi
nhớ này.
Ký kết thành hai bản tại Hà Nội vào ngày 03 tháng 6
năm 2015 bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cả hai bản có giá trị như nhau.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Nguyễn Quân
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHIỆP
|
THAY MẶT CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC
ANH VÀ BẮC AI-LEN
Giles Lever
ĐẠI SỨ VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AI-LEN TẠI VIỆT NAM
|