112665

Thông tư 25/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

112665
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Thông tư 25/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu: 25/2010/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
Ngày ban hành: 31/08/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 22/10/2010 Số công báo: 601-602
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 25/2010/TT-BGTVT
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
Ngày ban hành: 31/08/2010
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 22/10/2010
Số công báo: 601-602
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 25/2010/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ- CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ- CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ- CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hoá 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thuỷ nội địa như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về việc quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa và hoạt động của phương tiện thủy tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

2. Cảng, bến thủy nội địa được phân loại thành cảng, bến hàng hóa; cảng, bến hành khách; bến khách ngang sông và bến dân sinh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa; sử dụng phương tiện thủy hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến cảng, bến thủy nội địa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cảng, bến hàng hóa là cảng, bến thủy nội địa chuyên xếp, dỡ hàng hóa; phục vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thuỷ hoặc thực hiện các dịch vụ khác (nếu có).

2. Cảng, bến hành khách là cảng, bến thủy nội địa chuyên đưa, đón hành khách lên xuống phương tiện thuỷ và thực hiện các dịch vụ khác (nếu có).

3. Bến khách ngang sông là bến thủy nội địa chuyên phục vụ vận tải hành khách ngang sông.

4. Bến dân sinh là bến thuỷ nội địa chỉ dùng riêng cho hoạt động của gia đình, tiếp nhận phương tiện có trọng tải toàn phần đến 15 tấn, tổng công suất máy chính đến 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người.

5. Luồng vào cảng, bến là luồng nối từ luồng chạy tàu thuyền đến vùng nước trước cầu cảng, bến thủy nội địa.

6. Vùng nước cảng thủy nội địa là vùng nước trước cầu cảng, vùng neo đậu phương tiện và luồng vào cảng, vùng nước dành cho dịch vụ cung ứng, vùng chuyển tải hàng hóa (nếu có).

7. Vùng nước bến thủy nội địa là vùng nước trước bến và vùng neo đậu phương tiện, luồng vào bến (nếu có)

8. Phương tiện thủy là các loại phương tiện thủy nội địa, tầu biển Việt Nam và phương tiện thủy nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.

9. Phương tiện thủy nước ngoài là phương tiện thủy nội địa, tàu biển do nước ngoài cấp Giấy chứng nhận đăng ký.

10. Chủ cảng, bến là tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa hoặc được chủ đầu tư giao quản lý cảng, bến thủy nội địa.

11. Chủ khai thác cảng, bến là tổ chức, cá nhân sử dụng cảng, bến thủy nội địa để kinh doanh, khai thác.

12. Vùng đón trả hoa tiêu là vùng nước được cơ quan có thẩm quyền công bố để phương tiện thủy nước ngoài, tầu biển Việt Nam neo đậu đón trả hoa tiêu.

13. Vùng nước cảng biển là vùng nước thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ Hàng hải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 4. Điều kiện hoạt động đối với cảng, bến hàng hoá; cảng, bến hành khách

1. Đối với cảng hàng hoá

a) Không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật; phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; có địa hình, thủy văn ổn định bảo đảm cho phương tiện ra vào an toàn, thuận lợi;

b) Vùng nước cảng không chồng lấn với luồng chạy tàu thuyền;

c) Công trình cầu tàu bảo đảm tiêu chuẩn an toàn; luồng vào cảng (nếu có) phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật luồng đường thuỷ nội địa theo quy định;

d) Lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định;

đ) Thiết bị xếp dỡ (nếu có) phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và phù hợp với kết cấu, sức chịu lực của công trình cầu tàu;

e) Đối với cảng chuyên xếp dỡ hàng nguy hiểm, ngoài các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này, phải thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đối với xếp dỡ hàng nguy hiểm.

g) Được cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này công bố cảng thủy nội địa.

2. Đối với cảng hành khách

a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều này;

b) Có cầu cho hành khách lên xuống an toàn, thuận tiện; có nhà chờ, nội quy cảng và bảng niêm yết giá vé; ban đêm có đèn chiếu sáng cho hành khách lên xuống.

3. Đối với bến hàng hoá

a) Không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật; có địa hình, thủy văn ổn định bảo đảm cho phương tiện ra vào an toàn, thuận lợi. Trường hợp bến nằm trong khu vực cấm xây dựng, có thể được sử dụng tạm thời nếu được cơ quan có thẩm quyền quản lý chuyên ngành đối với khu vực cấm xây dựng đó chấp thuận bằng văn bản.

b) Vùng nước bến không chồng lấn với luồng chạy tàu thuyền ;

c) Kết cấu bến phải bảo đảm an toàn; luồng vào bến (nếu có) phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật luồng đường thuỷ nội địa theo quy định;

d) Lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định;

đ) Thiết bị xếp dỡ (nếu có) phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và phù hợp với kết cấu, sức chịu lực của bến;

e) Đối với bến chuyên xếp dỡ hàng nguy hiểm, ngoài các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản này, phải thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đối với xếp dỡ hàng nguy hiểm.

g) Được cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.

4. Đối với bến hành khách

a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d, g khoản 3 Điều này;

b) Có cầu cho hành khách lên xuống an toàn, thuận tiện; có nơi chờ, nội quy bến và bảng niêm yết giá vé; ban đêm có đèn chiếu sáng cho hành khách lên xuống.

Điều 5. Điều kiện hoạt động đối với bến khách ngang sông

1. Không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật; phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa; có địa hình, thủy văn ổn định bảo đảm cho phương tiện hoạt động an toàn, thuận lợi.

2. Có đường, cầu cho người, phương tiện giao thông đường bộ lên xuống an toàn, thuận tiện; có đủ trang thiết bị để phương tiện neo buộc chắc chắn, an toàn; có đèn chiếu sáng nếu hoạt động ban đêm.

3. Lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định.

4. Có nơi chờ cho hành khách; có bảng nội quy và bảng niêm yết giá vé.

5. Đối với bến khách ngang sông được phép chở ô tô thì đường lên xuống bến phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại ô tô được phép chở ngang sông.

6. Được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

Điều 6. Điều kiện hoạt động đối với bến dân sinh

1. Không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật; có địa hình, thuỷ văn ổn định bảo đảm cho phương tiện ra vào thuận lợi, an toàn.

2. Vùng nước bến không được chồng lấn với luồng chạy tàu thuyền;

3. Lắp đặt báo hiệu đường thuỷ nội địa theo quy định.

Chương II

CÔNG BỐ CẢNG THỦY NỘI ĐỊA, CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Điều 7. Cơ quan có thẩm quyền công bố cảng thủy nội địa; cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố cảng thủy nội địa, vùng đón trả hoa tiêu đối với cảng thuỷ nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

2. Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam công bố cảng thuỷ nội địa không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

3. Chi cục trưởng Chi cục Đường thuỷ nội địa thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đối với các bến hàng hoá, bến hành khách thuộc phạm vi quản lý nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

4. Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đối với bến hàng hoá, bến hành khách thuộc phạm vi khu vực quản lý của mình.

5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

a) Công bố cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài; cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đối với cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên tuyến đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương và vùng nước cảng biển thuộc phạm vi địa giới hành chính của địa phương.

b) Cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông thuộc phạm vi địa giới hành chính của địa phương.

c) Tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

6. Trường hợp các cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông) do một tổ chức, cá nhân quản lý khai thác cùng nằm trên một khu đất vừa nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia vừa nằm trên tuyến đường thủy nội địa địa phương; hoặc vừa nằm trên đường thủy nội địa quốc gia vừa nằm trên vùng nước cảng biển sẽ do Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Chi cục trưởng Chi cục Đường thuỷ nội địa hoặc Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều này.

Điều 8. Thủ tục chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa

1. Đối với cảng thuỷ nội địa không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1a phần Phụ lục của Thông tư này.

- Sơ đồ mặt bằng cầu cảng và vùng nước trước cầu cảng đã được đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa xác nhận cầu cảng không nằm trong hành lang bảo vệ luồng và vùng nước trước cầu cảng không chồng lấn với luồng chạy tàu thuyền.

b) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

c) Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải xem xét, nếu bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 của Thông tư này thì có văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Căn cứ văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa, chủ đầu tư tiến hành các thủ tục về đầu tư xây dựng công trình cảng. Trong thời hạn 24 tháng đối với dự án nhóm A, 12 tháng đối với dự án khác kể từ ngày có văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa nếu dự án đầu tư không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thì văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa hết hiệu lực. Chủ đầu tư muốn tiếp tục triển khai dự án phải làm lại thủ tục chấp thuận xây dựng cảng thủy nội địa.

2. Đối với cảng thuỷ nội địa có tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư gửi 02 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo phạm vi thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

b) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, thẩm định hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

Sau khi thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải trình Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định kèm theo 01 bộ hồ sơ do chủ đầu tư nộp.

c) Bộ Giao thông vận tải gửi văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xem xét các điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 của Thông tư này để có văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa trả lời chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do

d) Thời hạn hiệu lực của văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 9. Thủ tục công bố cảng thuỷ nội địa

1. Đối với cảng không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng, chủ đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Chi cục Đường thuỷ nội địa thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (đối với cảng thuỷ nội địa thuộc thẩm quyền công bố của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam) hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị công bố cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1 phần Phụ lục của Thông tư này;

- Bản sao chứng thực Quyết định đầu tư xây dựng cảng của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư;

- Bản sao chứng thực giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất;

- Bản chính biên bản nghiệm thu đưa công trình cảng vào sử dụng kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt cắt ngang công trình cầu cảng;

- Bình đồ vùng nước cảng do đơn vị đủ tư cách pháp nhân về tư vấn thiết kế công trình thuỷ thực hiện bảo đảm theo đúng quy phạm về khảo sát lập bình đồ địa hình và phải đầy đủ các nội dung: vị trí vùng nước theo lý trình từ km…đến km…, bờ (trái, phải), sông (kênh)…, thuộc xã…, huyện…, tỉnh (thành phố)…hoặc xác định theo hệ toạ độ hoặc xác định khoảng cách tới vật chuẩn; đường ranh giới vùng nước ghi rõ kích thước; cao độ đáy vùng nước, mực nước thấp nhất và cao nhất, công trình cầu tàu xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách; cấp kỹ thuật và chiều dài của luồng vào cảng; các mốc đo đạc định vị; thời điểm khảo sát lập bình đồ;

- Bản chính văn bản xác nhận việc hoàn thành lắp đặt báo hiệu cảng thuỷ nội địa; xác nhận hoàn thành việc rà quét, thanh thải vật chướng ngại hình thành trong quá trình thi công xây dựng cảng (nếu có) của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện (nếu sử dụng phao nổi thay cho cầu tàu);

b) Chi cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thẩm định hồ sơ, trình Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam kết quả thẩm định kèm theo hồ sơ đề nghị công bố cảng thuỷ nội địa.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải xem xét, nếu bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 4 của Thông tư này thì ra quyết định công bố cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 2 phần Phụ lục của Thông tư này.

2. Đối với cảng có tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng, chủ đầu tư gửi 02 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo phạm vi thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

b) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.

c) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, trình Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định kèm theo 01 bộ hồ sơ do chủ đầu tư nộp.

d) Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình, Bộ Giao thông vận tải xem xét, nếu bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 4 của Thông tư này thì ra quyết định công bố cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 2 phần Phụ lục của Thông tư này.

3. Cơ quan có thẩm quyền công bố cảng thuỷ nội địa căn cứ thời hạn sử dụng đất để quy định thời hạn hiệu lực của Quyết định công bố cảng thuỷ nội địa.

4. Trường hợp cảng mới xây dựng xong phần cầu tàu nhưng chủ đầu tư cần đưa vào sử dụng ngay phục vụ cho việc xây dựng các hạng mục công trình khác của cảng thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố tạm thời phần cầu tàu đã hoàn thành theo thủ tục quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, nhưng thời hạn hiệu lực của quyết định công bố tạm thời không quá 12 tháng.

Điều 10. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động bến hàng hóa, bến hành khách

1. Thủ tục chấp thuận xây dựng bến

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở bến hàng hóa, bến hành khách gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị chấp thuận mở bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 3a phần Phụ lục của Thông tư này;

- Sơ đồ mặt bằng cầu bến và vùng nước trước bến đã được đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa xác nhận cầu bến không nằm trong hành lang bảo vệ luồng và vùng nước trước bến không chồng lấn với luồng chạy tàu thuyền.

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu đủ điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 4 của Thông tư này thì có ý kiến chấp thuận vào đơn, trả lại tổ chức, cá nhân xin mở bến để thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật và tiến hành việc xây dựng, gia cố bến. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận xây dựng bến, dự án xây dựng bến phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (đối với dự án phải phê duyệt theo quy định) hoặc phải được triển khai xây dựng, nếu quá thời hạn trên thì văn bản chấp thuận không còn hiệu lực.

2. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động bến

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng, gia cố bến và các công việc có liên quan, tổ chức, cá nhân xin mở bến gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo Mẫu số 3 phần Phụ lục của Thông tư này;

- Bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng sử dụng đất theo quy định của pháp luật có kèm theo bản vẽ khu đất.

- Bản chính Sơ đồ vùng nước bến và luồng vào bến (nếu có) do chủ bến tự lập hoặc do đơn vị tư vấn lập nhưng phải đầy đủ các nội dung: vị trí vùng nước theo lý trình từ km…đến km…, bờ (trái, phải)…, sông (kênh), thuộc xã…, huyện…, tỉnh (thành phố) hoặc xác định khoảng cách tới vật chuẩn; đường ranh giới vùng nước ghi rõ kích thước; độ sâu nhỏ nhất của vùng nước bến và luồng vào bến ứng với mực nước khi đo đạc; chiều dài và chiều rộng của luồng vào bến; cầu bến xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách, thời điểm khảo sát lập sơ đồ;

- Bản chính văn bản xác nhận việc hoàn thành lắp đặt báo hiệu bến thuỷ nội địa; xác nhận hoàn thành việc rà quét, thanh thải vật chướng ngại (nếu có) của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa;

- Bản sao Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phao nổi (nếu sử dụng phao nổi làm cầu bến);

- Văn bản chấp thuận cho phép san lấp mặt bằng của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp mở bến để phun đất, cát san lấp mặt bằng.

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho sử dụng tạm thời đối với trường hợp bến nằm trong hành lang bảo vệ các công trình theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa xem xét, nếu thoả mãn điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 4 của Thông tư này thì cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 4 phần Phụ lục của Thông tư này.

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa căn cứ thời hạn sử dụng đất, mục đích, tính chất sử dụng (thời vụ hay thường xuyên) hoặc theo đề nghị của chủ bến để quy định thời hạn hiệu lực của Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa nhưng thời hạn nhiều nhất không quá 5 năm.

3. Đối với trường hợp nhiều bến có vùng nước liền kề nhau (gọi là cụm bến), các tổ chức, cá nhân xin mở bến được phép thoả thuận bằng văn bản cử đại diện thay mặt các chủ bến làm thủ tục đề nghị chấp thuận xây dựng và cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa cho cụm bến đó theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 11. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông

1. Thủ tục chấp thuận mở bến khách ngang sông

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở bến khách ngang sông gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị chấp thuận mở bến khách ngang sông có ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, phường (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp xã) nơi mở bến theo Mẫu số 5a phần Phụ lục của Thông tư này;

- Văn bản của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa xác nhận vị trí hoạt động của bến bảo đảm các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.

b) Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông xem xét, nếu đủ điều kiện theo quy định thì có văn bản chấp thuận mở bến khách ngang sông để tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật đồng thời triển khai xây dựng bến, lắp đặt các trang thiết bị an toàn, hệ thống báo hiệu theo quy định.

c) Văn bản chấp thuận mở bến khách ngang sông có giá trị hiệu lực 24 tháng đối với bến được phép chở ô tô, 12 tháng đối với các bến còn lại kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận. Quá thời hạn trên mà dự án chưa được phê duyệt theo quy định hoặc chưa được triển khai xây dựng (đối với dự án không phải phê duyệt) thì văn bản chấp thuận hết hiệu lực.

2. Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng bến khách ngang sông, chủ bến khách ngang sông có thể trực tiếp kinh doanh khai thác hoặc cho thuê hoặc giao cho tổ chức, cá nhân khác khai thác.

Chủ khai thác bến khách ngang sông gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5 phần Phụ lục của Thông tư này;

- Văn bản của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa xác nhận việc hoàn thành lắp đặt báo hiệu bến khách ngang sông;

- Bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật kèm theo bản vẽ khu đất;

- Sơ đồ vùng nước bến và luồng vào bến do chủ bến tự lập hoặc đơn vị tư vấn lập nhưng phải đầy đủ các nội dung: Vị trí vùng nước theo lý trình từ km... đến km..., bờ (trái, phải), sông (kênh)..., thuộc xã..., huyện..., tỉnh (thành phố) hoặc xác định khoảng cách tới vật chuẩn; đường ranh giới vùng nước ghi rõ kích thước; độ sâu nhỏ nhất của vùng nước bến và luồng vào bến ứng với mực nước khi đo đạc; chiều dài và chiều rộng của luồng vào bến; cầu lên xuống đón trả hành khách; thời điểm khảo sát lập sơ đồ;

- Bản chính văn bản xác nhận hoàn thành việc rà quét, thanh thải vật chướng ngại trong vùng nước bến (nếu có) của đơn vị quản lý đường thuỷ;

- Bản thiết kế và biên bản nghiệm thu hoàn công đưa công trình bến vào sử dụng đối với bến có phương tiện chở khách ngang sông được phép chở ô tô;

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện tham gia vận tải hành khách ngang sông;

- Hợp đồng thuê bến hoặc văn bản của chủ bến giao cho tổ chức, cá nhân khai thác bến (đối với trường hợp thuê bến hoặc được giao khai thác bến).

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu thoả mãn điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 5 của Thông tư này thì cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông cho chủ khai thác bến theo Mẫu số 6 phần Phụ lục của Thông tư này.

Trường hợp bến khách ngang sông ở hai bên bờ đều do một chủ khai thác và thuộc thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động của một cơ quan thì chủ khai thác bến khách ngang sông làm Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5b phần Phụ lục của Thông tư này. Cơ quan có thẩm quyền cấp một Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông cho cả hai đầu bến theo Mẫu số 6b phần Phụ lục của Thông tư này.

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông căn cứ quy mô xây dựng công trình bến, thời hạn sử dụng đất, thời hạn hợp đồng thuê bến hoặc thời hạn được giao khai thác bến để quy định thời hạn của Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

Điều 12. Thủ tục công bố lại cảng thủy nội địa

1. Đối với cảng không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Chi cục Đường thuỷ nội địa thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (đối với cảng thuỷ nội địa thuộc thẩm quyền công bố của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam) hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Đối với trường hợp công bố lại do quyết định công bố hết hiệu lực:

+ Đơn đề nghị công bố lại cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này.

- Đối với trường hợp công bố lại do có sự thay đổi chủ sở hữu nhưng không thay đổi các nội dung đã công bố:

+ Đơn đề nghị công bố lại cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Văn bản hợp pháp về phân chia hoặc sáp nhập hoặc văn bản hợp pháp về chuyển nhượng cảng và hồ sơ liên quan đến việc bàn giao chủ sở hữu trong trường hợp cảng có sự thay đổi chủ sở hữu.

- Đối với trường hợp công bố lại do có sự thay đổi những nội dung đã công bố như: vùng nước, vùng đất:

+ Đơn đề nghị công bố lại cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Bản chính hoặc bản sao chứng thực các giấy tờ chứng minh các nội dung thay đổi nói trên.

b) Chi cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thẩm định hồ sơ, trình Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam kết quả thẩm định kèm theo 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố cảng thuỷ nội địa.

c) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải xem xét, nếu đủ điều kiện thì ra quyết định công bố lại cảng thuỷ nội địa. Nếu không đủ điều kiện công bố phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Thời hạn giải quyết và hiệu lực của quyết định công bố lại cảng thuỷ nội địa theo quy định tại điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 9 của Thông tư này.

đ) Đối với trường hợp công bố lại do xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua cảng, thực hiện theo quy định tại Điều 8 và khoản 1, khoản 3 Điều 9 của Thông tư này đối với phần xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp.

2. Đối với cảng có tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Tổ chức, cá nhân gửi 02 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Đối với trường hợp công bố lại do quyết định công bố hết hiệu lực:

+ Đơn đề nghị công bố lại theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

- Đối với trường hợp có sự thay đổi chủ sở hữu nhưng không thay đổi các nội dung đã công bố:

+ Đơn đề nghị công bố lại theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Văn bản hợp pháp về phân chia hoặc sáp nhập hoặc văn bản hợp pháp về chuyển nhượng cảng và hồ sơ liên quan đến việc bàn giao chủ sở hữu trong trường hợp cảng có sự thay đổi về chủ sở hữu.

- Đối với trường hợp công bố lại do có sự thay đổi nội dung so với Quyết định đã công bố trước đây như: vùng nước, vùng đất:

+ Đơn đề nghị công bố lại theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Các giấy tờ pháp lý chứng minh các sự thay đổi trên.

b) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, thẩm định hồ sơ; nếu đủ điều kiện thì có văn bản trình Bộ Giao thông vận tải kèm theo 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố lại cảng thuỷ nội địa.

c) Bộ Giao thông vận tải xem xét ra quyết định công bố lại cảng thuỷ nội địa. Trường hợp không đủ điều kiện công bố lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Thời hạn giải quyết và hiệu lực quyết định công bố lại cảng thuỷ nội địa theo quy định tại điểm d khoản 2, khoản 3 Điều 9 của Thông tư này.

đ) Đối với trường hợp công bố lại cảng do xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua cảng, thực hiện theo quy định tại Điều 8 và khoản 2, khoản 3 Điều 9 của Thông tư này.

Điều 13. Thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông

1. Thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa

a) Tổ chức, cá nhân gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép hoạt động do giấy phép hết hiệu lực:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 3b phần Phụ lục của Thông tư này.

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do có sự thay đổi chủ sở hữu nhưng không thay đổi các nội dung của giấy phép đã được cấp:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 3b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Văn bản hợp pháp về phân chia hoặc sáp nhập hoặc văn bản hợp pháp về chuyển nhượng bến và hồ sơ liên quan đến việc bàn giao chủ sở hữu trong trường hợp có sự thay đổi chủ sở hữu bến.

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do có sự thay đổi nội dung so với giấy phép đã được cấp:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 3b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Các giấy tờ pháp lý chứng minh các sự thay đổi nói trên.

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu bảo đảm đủ điều kiện thì cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Thời hạn giải quyết và hiệu lực của Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 10 của Thông tư này.

d) Đối với trường hợp cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa do xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua bến, thực hiện theo quy định tại khoản 1và khoản 2 Điều 10 của Thông tư này.

2. Thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

a) Chủ khai thác bến gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép hoạt động do giấy phép hết hiệu lực:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5c phần Phụ lục của Thông tư này.

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do có sự thay đổi chủ sở hữu nhưng không thay đổi các nội dung của giấy phép đã được cấp:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5c phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Văn bản hợp pháp về phân chia hoặc sáp nhập hoặc văn bản hợp pháp về chuyển nhượng bến và hồ sơ liên quan đến việc bàn giao chủ sở hữu trong trường hợp có sự thay đổi chủ sở hữu bến.

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do có sự thay đổi nội dung so với giấy phép đã được cấp:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5c phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Các giấy tờ pháp lý chứng minh các sự thay đổi nói trên.

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; nếu bảo đảm điều kiện theo quy định thì cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Thời hạn giải quyết và hiệu lực Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông thực hiện theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.

d) Đối với trường hợp cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông do xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua bến, thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 14. Đình chỉ hoạt động, đình chỉ hoạt động có thời hạn cảng, bến thủy nội địa.

1. Cảng, bến thuỷ nội địa bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau:

a) Điều kiện về địa hình, thủy văn biến động không bảo đảm an toàn cho hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;

b) Chủ cảng, bến chấm dứt hoạt động;

c) Có yêu cầu đình chỉ hoạt động hoặc giải toả của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cảng, bến thuỷ nội địa bị đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các trường hợp sau:

a) Công trình cảng, bến thủy nội địa xuống cấp không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 3 Điều 4 (đối với cảng, bến hàng hóa) điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 hoặc điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 4 (đối với cảng, bến hành khách) hoặc khoản 2 Điều 5 (đối với bến khách ngang sông) của Thông tư này;

b) Chủ cảng, bến không chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và quy định của Thông tư này.

3. Cơ quan có thẩm quyền đã quyết định công bố cảng, cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông có quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn cảng, bến thuỷ nội địa.

Quyết định đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 7 phần Phụ lục của Thông tư này.

Quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn của cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 8 phần Phụ lục của Thông tư này.

Chương III

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY; TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TẠI CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Mục 1. THỦ TỤC PHƯƠNG TIỆN THỦY VÀO VÀ RỜI VÙNG NƯỚC CẢNG, BẾN HÀNG HÓA; CẢNG, BẾN HÀNH KHÁCH

Điều 15. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa vào và rời cảng, bến hàng hóa; cảng, bến hành khách

1. Phương tiện vào cảng bến:

a) Trước khi phương tiện vào cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng hoặc thuyền phó hoặc người lái phương tiện có trách nhiệm nộp và xuất trình Cảng vụ đường thủy nội địa (sau đây gọi là Cảng vụ) hoặc Ban quản lý bến các giấy tờ sau:

- Giấy tờ nộp (bản chính)

+ Giấy phép rời cảng, bến cuối cùng (trừ phương tiện chuyển tải, sang mạn);

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;

+ Sổ Danh bạ thuyền viên.

- Giấy tờ xuất trình (bản chính)

+ Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa (hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức tín dụng trong trường hợp phương tiện đang cầm cố, thế chấp);

+ Bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên trên phương tiện;

+ Hợp đồng vận chuyển hoặc hoá đơn xuất kho hoặc giấy vận chuyển (đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá), danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách).

b) Sau khi kiểm tra các giấy tờ được quy định tại điểm a khoản này, Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến kiểm tra thực tế nếu bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định thì cấp Giấy phép vào cảng, bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 9 phần Phụ lục của Thông tư này.

2. Phương tiện rời cảng, bến:

a) Trước khi phương tiện rời cảng, bến, thuyền trưởng hoặc thuyền phó hoặc người lái phương tiện có trách nhiệm xuất trình Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến bản chính các giấy tờ sau:

- Hợp đồng vận chuyển hoặc hoá đơn xuất kho hoặc giấy vận chuyển (đối với phương tiện chở hàng hoá) hoặc danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách);

- Chứng từ xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật;

- Giấy tờ liên quan tới những thay đổi so với giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này (nếu có).

b) Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến kiểm tra thực tế phương tiện, nếu bảo đảm các điều kiện an toàn thì thu hồi Giấy phép vào cảng, bến thuỷ nội địa; trả lại Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, Sổ danh bạ thuyền viên và cấp Giấy phép rời cảng, bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 10 phần Phụ lục của Thông tư này.

Trường hợp phương tiện thuỷ đã được cấp Giấy phép rời cảng, bến thuỷ nội địa nhưng vẫn neo đậu tại vùng nước cảng, bến quá 24 giờ thì thuyền trưởng, thuyền phó hoặc người lái phương tiện phải đến Văn phòng Cảng vụ làm lại thủ tục rời cảng, bến cho phương tiện thuỷ.

3. Đối với phương tiện ra, vào cảng, bến từ hai lần trở lên trong một ngày thì Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến chỉ kiểm tra thực tế lần đầu, từ lần thứ hai trong ngày chỉ kiểm tra các giấy tờ theo quy định.

4. Đối với phương tiện đóng mới hoặc sửa chữa khi hạ thuỷ để chạy thử trên đường thuỷ nội địa, chủ phương tiện hoặc chủ cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện phải xuất trình Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến các giấy tờ sau:

a) Văn bản tiến hành chạy thử trên đường thuỷ nội địa của cơ quan đăng kiểm.

b) Phương án bảo đảm an toàn giao thông khi hạ thuỷ đối với phương tiện hạ thuỷ vượt qua phạm vi hành lang bảo vệ luồng chạy tàu có ý kiến phê duyệt của đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường thuỷ nội địa khu vực.

Điều 16. Thủ tục đối với phương tiện thủy nước ngoài và tầu biển Việt Nam vào và rời cảng, bến thủy nội địa

Phương tiện thủy nước ngoài và tầu biển Việt Nam khi vào và rời cảng, bến thủy nội địa thực hiện thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật hàng hải đối với tầu thuyền khi vào và rời cảng biển.

Mục 2. CHẾ ĐỘ HOA TIÊU

Điều 17. Chế độ hoa tiêu bắt buộc

Phương tiện thủy nước ngoài khi hoạt động trên đường thủy nội địa hoặc vào và rời cảng, bến thủy nội địa bắt buộc phải có hoa tiêu dẫn đường. Phương tiện thủy nội địa, tầu biển Việt Nam khi vào và rời cảng, bến thủy nội địa có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn đường nếu thấy cần thiết.

Điều 18. Yêu cầu về thời gian cung cấp hoa tiêu dẫn đường

1. Trừ các trường hợp khẩn cấp phải xin hoa tiêu dẫn đường để phòng ngừa tai nạn, việc yêu cầu hoa tiêu phải thông báo cho Cảng vụ và tổ chức hoa tiêu liên quan chậm nhất 06 giờ trước khi dự kiến đón hoa tiêu.

2. Nếu sau khi xin hoa tiêu mà muốn thay đổi giờ đón hoa tiêu hoặc hủy bỏ việc xin hoa tiêu, thì phải báo cho Cảng vụ và tổ chức hoa tiêu liên quan biết ít nhất 03 giờ trước thời điểm dự kiến đón hoa tiêu lên tầu.

3. Hoa tiêu có trách nhiệm chờ đợi tại địa điểm đã thỏa thuận không quá 04 giờ kể từ thời điểm đã dự kiến đón hoa tiêu lên tầu, nếu quá thời hạn này thì việc xin hoa tiêu coi như bị hủy bỏ và thuyền trưởng phải trả tiền chờ đợi của hoa tiêu theo quy định.

4. Chậm nhất 01 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu xin hoa tiêu, tổ chức hoa tiêu phải xác báo lại cho Cảng vụ, chủ tầu hoặc đại lý của chủ tầu về địa điểm và thời gian dự kiến hoa tiêu sẽ lên tầu. Nếu hoa tiêu lên tầu chậm so với thời gian và sai địa điểm đã xác báo mà buộc tầu phải chờ đợi hoặc di chuyển đến địa điểm khác thì tổ chức hoa tiêu đó phải trả tiền chờ đợi của tầu theo quy định.

Mục 3. HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY TẠI VÙNG NƯỚC CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Điều 19. Xử lý tai nạn trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa

1. Việc cứu người và phương tiện thủy bị tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa là nghĩa vụ bắt buộc đối với thuyền trưởng, người lái phương tiện và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại cảng, bến.

2. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị nạn phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu người, tài sản, đồng thời báo cho Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến để có biện pháp xử lý kịp thời.

3. Cảng vụ có quyền huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, bến và các phương tiện hiện có trong khu vực để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn. Các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn.

4. Trường hợp phương tiện bị đắm, sau khi cứu người, tài sản, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị đắm phải đặt báo hiệu theo quy định và báo cáo ngay với chủ phương tiện để tiến hành trục vớt. Chủ phương tiện phải tổ chức trục vớt theo thời hạn quy định và chỉ được tiến hành khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến chấp thuận.

5. Trường hợp phương tiện đắm trong vùng nước cảng, bến nhưng chủ phương tiện không trục vớt hoặc trục vớt không đúng quy định thì Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến có quyền tổ chức trục vớt. Chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí, ngoài ra còn bị xử phạt nếu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Điều 20. Trách nhiệm của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện khi phương tiện thủy hoạt động tại vùng nước cảng, bến hàng hóa; cảng bến hành khách

1. Chỉ được cho phương tiện neo đậu tại những nơi do Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến chỉ định và không được tự ý thay đổi vị trí.

2. Tuân thủ nội quy cảng, bến và các quy định về phòng chống lụt bão; chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ trong các trường hợp khẩn cấp.

3. Khi phương tiện bị trôi dạt hoặc bị thay đổi nơi neo đậu do các nguyên nhân khách quan khác, phải tiến hành ngay các biện pháp xử lý thích hợp và báo cho Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến biết.

4. Khi đã neo đậu an toàn tại các nơi được chỉ định, thuyền trưởng phải phân công thuyền viên trực ca để duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, động cơ chính của phương tiện luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động để xử lý kịp thời những trường hợp trôi neo, đứt dây, mắc cạn và các sự cố khác.

5. Trường hợp phát hiện trên phương tiện thủy có người, động vật mắc bệnh truyền nhiễm hoặc thực vật có khả năng gây bệnh phải báo ngay cho Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến, các cơ quan chức năng có liên quan và đưa phương tiện neo đậu tại khu vực riêng để có biện pháp xử lý.

6. Trong quá trình xếp dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách phải kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm an toàn lao động, nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện phải đình chỉ ngay để có biện pháp khắc phục.

7. Phương tiện thủy nước ngoài phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở đỉnh cột cao nhất từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn; trường hợp muốn treo cờ lễ, cờ tang, kéo còi trong các dịp nghi lễ của nước mình phải thông báo trước cho Cảng vụ.

8. Nghiêm cấm:

a) Tự ý đưa phương tiện vào xếp, dỡ hàng hóa hoặc đón, trả hành khách khi chưa được cấp Giấy phép vào cảng, bến thuỷ nội địa;

b) Sử dụng tín hiệu tùy tiện;

c) Bơm xả nước bẩn, đổ rác thải, các hợp chất có dầu, các loại chất độc khác xuống vùng nước cảng, bến;

d) Cản trở hoặc gây khó khăn cho người thi hành công vụ, thuyền viên của phương tiện thủy khác đi qua phương tiện mình.

Mục 4. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ CẢNG, BẾN VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC HOẠT ĐỘNG TẠI CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Điều 21. Trách nhiệm của chủ cảng, bến thủy nội địa

1. Thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận và công bố cảng, cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11, 12 và Điều 13 của Thông tư này.

2. Trường hợp cho thuê cảng, bến thuỷ nội địa phải ký kết hợp đồng với chủ khai thác cảng, bến theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.

3. Trường hợp chấm dứt hoạt động, chủ cảng, bến phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đã công bố cảng hoặc cấp giấy phép hoạt động bến để ra quyết định đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa.

4. Chủ bến dân sinh có trách nhiệm bảo đảm điều kiện hoạt động của bến theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này, không gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, không sử dụng bến dân sinh vào mục đích kinh doanh.

Điều 22. Trách nhiệm của chủ khai thác cảng, bến thủy nội địa

1. Đối với cảng, bến hàng hóa; cảng, bến hành khách

a) Duy trì điều kiện an toàn công trình, vùng nước cảng, bến theo quy định;

b) Không xếp hàng hóa hoặc đón trả hành khách xuống phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ quy định;

c) Không xếp hàng hóa quá kích thước hoặc quá trọng tải cho phép hoặc nhận hành khách quá số lượng theo quy định;

d) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về xếp dỡ hàng hoá nguy hiểm (nếu cảng, bến chuyên xếp dỡ hàng hoá nguy hiểm);

đ) Tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết; khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có);

e) Chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và phòng chống lụt bão;

g) Thiết bị xếp dỡ phải bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, người điều khiển thiết bị xếp dỡ phải có chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

h) Không xếp dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách cho phương tiện chưa được cấp Giấy phép vào cảng, bến thuỷ nội địa;

i) Tuân thủ sự điều động của Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong việc cứu người, hàng hóa, phương tiện khi có tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa và trong việc phòng chống lụt bão;

k) Tạo điều kiện và phối hợp với Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong vùng nước cảng, bến;

l) Chịu sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

2. Đối với bến khách ngang sông

a) Thực hiện trách nhiệm nêu tại các điểm a, b, c, đ và điểm l khoản 1 Điều này;

b) Không sử dụng phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ theo quy định; người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp;

c) Thống nhất với chủ khai thác bến ngang sông trên bờ đối diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo quy định; thống nhất phương án điều hành, giá cước vận tải (nếu Nhà nước không quy định) để bảo đảm tính đồng bộ của hoạt động vận tải khách ngang sông tại bến và trật tự an toàn trong quá trình khai thác.

Điều 23. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khảo sát, thi công công trình, nạo vét, trục vớt chướng ngại vật hoặc làm các công việc khác trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa

1. Chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa và bảo vệ môi trường.

2. Chấp hành sự điều động của Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong trường hợp khẩn cấp cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn hoặc khi có bão lũ (theo Mẫu số 11 phần Phụ lục của Thông tư này).

3. Trước khi khảo sát, thi công công trình, nạo vét, trục vớt vật chướng ngại hoặc làm các công việc khác trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa phải có sự trao đổi thống nhất của chủ cảng, bến, Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến về phương án bảo đảm an toàn cho các hoạt động tại cảng, bến thuỷ nội địa.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Trách nhiệm của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam

1. Xây dựng quy hoạch tổng thể cảng thủy nội địa phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đồng thời theo dõi tổ chức thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên đường thuỷ nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh trở lên.

3. Tiếp nhận báo cáo của các địa phương, đơn vị để thống kê tổng hợp số liệu toàn quốc theo Mẫu số 12, 13, 14, 15, 16 phần Phụ lục của Thông tư này.

4. Theo dõi, kiểm tra công tác quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa của các địa phương.

Điều 25. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Xây dựng quy hoạch cảng thuỷ nội địa địa phương phù hợp với tổng thể quy hoạch phát triển giao thông đường thuỷ nội địa trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Thông tư này đối với các cảng, bến thủy nội địa và bến dân sinh thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương.

3. Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên đường thuỷ nội địa địa phương và đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương và vùng nước cảng biển.

4. Lập danh bạ cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông thuộc thẩm quyền quản lý; định kỳ hàng quý, năm báo cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để tổng hợp.

5. Đối với công tác quản lý bến khách ngang sông còn có trách nhiệm:

a) Xây dựng quy hoạch và phương án tổ chức quản lý bến khách ngang sông; trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp việc cấp giấp phép hoạt động cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc cấp giấy phép và tổ chức quản lý đảm bảo an toàn trong hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn;

b) Đối với những bến khách ngang sông nằm trên sông, kênh là địa giới hành chính giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp và thống nhất với Sở Giao thông vận tải liên quan trong việc cấp giấy phép hoạt động và tổ chức quản lý bến theo đúng quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

Điều 26. Hiệu lực của các Quyết định công bố cảng, Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông đã cấp

1. Các Quyết định công bố cảng thủy nội địa, Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông đã được cấp theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi hết hạn, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục công bố lại hoặc cấp lại giấy phép hoạt động theo quy định của Thông tư này.

2. Các cảng thuỷ nội địa, bến hàng hoá, bến hành khách, bến khách ngang sông đã được công bố hoặc cấp giấy phép hoạt động trước ngày 01 tháng 01 năm 2005 phải làm thủ tục công bố lại hoặc cấp lại giấy phép hoạt động theo quy định của Thông tư này.

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.

Điều 28. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 28;
- Các Bộ: CA, QP, NN và PTNT, TC
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ TP);
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản