09 thay đổi quan trọng viên chức cả nước cần biết từ ngày 01/7/2020

Kể từ ngày 01/7/2020, khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực thi hành, sẽ có 09 thay đổi quan trọng sau đây tác động đến viên chức cả nước.

viên chức

09 thay đổi quan trọng viên chức cả nước cần biết từ ngày 01/7/2020 - Ảnh minh họa

1. Sẽ không tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng như dự kiến

Theo nội dung tại Nghị quyết 86/2019/QH14 thì từ ngày 01/7/2020, dự kiến mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ là 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 110.000 đồng/tháng so với hiện nay).

Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, chiều ngày 19/6/2020, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Theo đó, mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 áp dụng đối với viên chức vẫn duy trì ở mức 1.490.000 đồng/tháng. Và với việc duy trì mức lương cơ sở này thì tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp của viên chức từ ngày 01/7/2020 cũng sẽ được tính như hiện nay.

2. Chỉ còn 03 trường hợp hưởng “viên chức suốt đời” từ 01/7/2020

Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng làm việc đối với viên chức.

Theo đó, tất cả người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020 đều sẽ áp dụng hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trừ 03 trường hợp sau:

  • Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
  • Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật viên chức 2010 (tức là đối tượng viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng);
  • Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, nếu không thuộc 03 trường hợp trên thì viên chức sẽ không được hưởng chế độ “viên chức suốt đời” kể từ ngày 01/7/2020.

3. Kéo dài thời hạn hợp đồng làm việc đối với viên chức

Cụ thể, theo nội dung tại Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019, hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. (Theo quy định hiện hành tại Luật Viên chức 2010 thì thời hạn của hợp đồng làm việc của viên chức chỉ từ đủ 12 tháng đến 36 tháng).

Như vậy, Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã nâng thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức tối đa lên đến 5 năm (60 tháng).

4. Thêm trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc từ ngày 01/7/2020

Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, là: “Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự”.

Hiện nay, quy định này cũng đã được đề cập tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với người tập sự, tuy nhiên chưa được chính thức quy định trong Luật.

Như vậy, từ 01/7/2020 sẽ có 6 trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc.

5. Nhiều viên chức được tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển, xét tuyển từ 01/7/2020

Cụ thể, Khoản 3 Điều 37 Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm 01 hình thức tuyển dụng công chức ngoài việc thi tuyển, xét tuyển như hiện nay.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thể tiếp nhận viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập vào làm công chức nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm.

6. Từ 01/7/2020, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức lên đến 05 năm

Cụ thể, theo quy định tại Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức sẽ được kéo dài lên 05 năm kể từ thời điểm có hành vi vi phạm, riêng đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách thì thời hiệu xử lý kỷ luật sẽ là 02 năm (Theo quy định hiện nay thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức sẽ là 24 tháng đối với tất cả các trường hợp).

7. Nới lỏng điều kiện giải quyết nghỉ hưu đối với viên chức từ 01/7/2020

Cụ thể, theo Khoản 8 Điều 2 Luật này sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 56 Luật viên chức 2010, viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật. (theo quy định hiện hành thì sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho những đối tượng này).

8. Thay đổi quy định về chế độ thôi việc đối với viên chức

Cụ thể, theo Khoản 6 Điều 2 Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 45 Luật viên chức 2010 thì viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật viên chức 2010 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật viên chức 2010 trừ các trường hợp sau đây:

- Bị buộc thôi việc;

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật Viên chức 2010;

- Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật Viên chức 2010.

Như vậy, Luật này đã quy định rõ chế độ thôi việc đối với viên chức khi bị đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc chứ không quy định chung chung là chế độ đối với viên chức khi chấm dứt hợp đồng làm việc như hiện nay.

9. Từ 01/7/2020, đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể

Theo Khoản 5 Điều 2 Luật này sửa đổi, bổ sung Điều 41 Luật viên chức 2010 thì bên cạnh những nội dung đánh giá như hiện nay, từ ngày 01/7/2020, viên chức còn được đánh giá theo kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

1. Việc đánh giá viên chức được xem xét theo các nội dung sau đây:

a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể;

Như vậy, từ ngày 01/7/2020, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của viên chức phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Điều này sẽ góp phần làm cho việc đánh giá chất lượng làm việc viên chức trở nên rõ ràng, chính xác công bằng hơn so với quy định hiện nay.

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
7022 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;