Điểm qua 13 chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021

Ngày 01/01/2021 cũng là thời điểm hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực. Sau đây THƯ KÝ LUẬT xin gửi đến Quý Khách hàng và Thành viên 13 chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

13 chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021

Điểm qua 13 chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (Ảnh minh họa)

1. Hợp đồng lao động giữa các bên có nhiều thay đổi từ 01/01/2021

Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2019 quy định, hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. Các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp sửa dụng người lao động là người dưới 15 tuổi và người giúp việc gia đình và giao kết HĐLĐ với người được ủy quyền của nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên. (theo quy định hiện hành thì các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 03 tháng).

2. Thêm nhiều trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương

Cụ thể, tại Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp sau đây:

  • Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

  • Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Như vậy, có thể thấy Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sug thêm 02 trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương, cụ thể là trường hợp bố nuôi chết và mẹ nuôi chết, đồng thời cũng quy định rõ hơn các trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương như: Con kết hôn sẽ gồm con đẻ và con nuôi kết hôn; bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết sẽ bao gồm cả bố đẻ, mẹ đẻ hoặc bố nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con chết cũng sẽ bao gồm cả con đẻ hoặc con nuôi chết.

3. Tăng tuổi nghỉ hưu và công bố lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Tại Điều 3 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Lưu ý: Thời điểm hưởng chế độ hưu trí là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí.

Đáng chú ý tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

4. Từ 01/01/2021, sẽ được nghỉ 02 ngày nghỉ Quốc Khánh (2/9)

Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Điều 112. Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, CBCCVC và NLĐ sẽ được nghỉ tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ, tết hàng năm, trong đó ngày Quốc khánh 2/9 sẽ được nghỉ 02 ngày.

Đồng thời, tại Thông báo 4875/TB-BLĐTBXH, BLĐTBXH thông báo lịch nghỉ tết Âm lịch 2021 và Quốc khánh 2021 như sau:

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội:

  • Nghỉ tết Âm lịch: nghỉ 07 ngày liên tục, từ thứ Tư ngày 10/02/2021 đến hết thứ Ba ngày 16/02/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu);

  • Nghỉ lễ Quốc khánh: nghỉ 04 ngày từ thứ Năm ngày 02/9/2021 đến hết Chủ nhật ngày 05/9/2021. Trong đó 02 ngày nghỉ lễ và 02 ngày là nghỉ hằng tuần.

- Đối với người lao động không thuộc các đối tượng trên, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ như sau:

  • Nghỉ tết Âm lịch: 01 ngày cuối năm Canh Tý và 04 ngày đầu năm Tân Sửu hoặc 02 ngày cuối năm Canh Tý và 03 ngày đầu năm Tân Sửu;

  • Nghỉ lễ Quốc khánh: nghỉ 02 ngày gồm thứ Năm ngày 02/9/2021 và lựa chọn 1 trong 2 ngày: thứ Tư 01/9/2021 hoặc thứ Sáu 03/9/2021.

5. Bổ sung quy định về thời gian thử việc đối với người lao động

Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2019, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

  • Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

  • Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

  • Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

  • Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như vậy, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm thời gian thử việc đối với người quản lý doanh nghiệp, theo đó, thời gian này sẽ không quá 180 ngày.

6. Doanh nghiệp không cần thông báo mẫu dấu

Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trước khi sử dụng, doanh nghiệp không phải thông báo mẫu con dấu doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp như quy định của pháp luật hiện hành.

Đây là quy định mới tiến bộ, phù hợp với quá trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và ủng hộ vì không chỉ giảm được thời gian và công sức của mình mà còn giảm được gánh nặng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình hoàn thành các thủ tục cho doanh nghiệp.

7. Chữ ký số là dấu của doanh nghiệp

Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 đã ghi nhận tên điều luật là “Dấu của doanh nghiệp” trong khi Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nội dung này với tên “Con dấu của doanh nghiệp”. Sự khác biệt này chính từ sự ghi nhận hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử là một hình thức mới của dấu doanh nghiệp.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 quy định 02 hình thức của dấu doanh nghiệp, bao gồm:

  • Dấu được làm tại cơ sở khắc dấu;

  • Dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử

Cụ thể tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì “chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

  • Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

  • Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, chữ ký số được công nhận là một hình thức dấu của doanh nghiệp.

8. Cấm hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

  • Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;

  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;

  • Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;

  • Kinh doanh mại dâm;

  • Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

  • Kinh doanh pháo nổ;

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trong khi đó, tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014 quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, sẽ chính thức cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

9. Giảm 41 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 quy định danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định 227 ngành nghề.

Trong khi đó, tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014, được bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 quy định 268 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, Luật Đầu tư 2020 đã giảm 41 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (từ 268 ngành xuống còn 227 ngành). Theo đó, một số ngành nghề cụ thể sau từ ngày 01/01/2021 sẽ không còn thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện:

  • Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại;

  • Hoạt động dạy nghề;

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

  • Nhượng quyền thương mại;

  • Kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc;

  • Kinh doanh than;

  • ...

10. NĐT thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo không cần GCN đăng ký đầu tư

Điều 22 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

  • Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

  • Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định pháp luật.

Đặc biệt, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không cần phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục làm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (quy định mới hoàn toàn).

So với Luật Đầu tư 2014 thì tại Luật Đầu tư 2020, điều kiện thành lập tổ chức kinh tế đã nới lỏng hơn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, Luật Đầu tư 2020 cũng bãi bỏ quy định về điều kiện của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư thành lập, bao gồm: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động của dự án đầu tư.

11. Thay đổi nhiều quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 01/01/2021, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 chính thức có hiệu lực sẽ có một số nội dung thay đổi đáng chú ý như sau:

- Thêm 03 trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn;

- Bổ sung nhiều loại văn bản vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật;

- Không ban hành TTLT giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật này và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng cơ quan ban hành trong các trường hợp sau đây:

  •  Để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

  • Nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành.

  • Để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt”.

- Bổ sung thêm trách nhiệm của Hội đồng dân tộc trong thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

- …

12. Phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn sau khi kết thúc đợt chào bán

Theo điểm h khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 quy định một trong những điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần đó là “có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán”.

Tương tự đối với việc chào bán trái phiếu ra công chúng thì tổ chức phát hành cũng phải có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

Ngoài ra, từ ngày 01/01/2021, một số chính sách về chứng khoán cũng có sự thay đổi, cụ thể như:

  • Bổ sung thêm biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.

  • Bổ sung thêm 04 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

  • Để được chào bán chứng khoán ra công chúng phải tuân thủ 09 điều kiện, theo quy định cũ chỉ cần đáp ứng đủ 03 điều kiện là được chào bán chứng khoán ra công chúng.

  • Tương tự với chào bán trái phiếu ra công chúng phải đáp ứng được 09 điều kiện, theo quy định cũ chỉ cần đáp ứng đủ 04 điều kiện là được chào bán trái phiếu ra công chúng.

  • Người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của người nội bộ phải có nghĩa vụ công bố thông tin kể từ 01/01/2021.

13. 07 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Theo quy định tại Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định 07 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án cụ thể như sau:

  • Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

  • Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

  • Đương sự đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì lý do chính đáng;

  • Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

  • Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại;

  • Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;

  • Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, một số quy định về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên và vấn đề bảo mật thông tin cũng có một số thay đổi theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3542 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;