Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ 30/12/2019 – 04/01/2020)

Trong tuần vừa qua (từ ngày 30/12/2019 - 04/01/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Giao thông, Giáo dục, Hải quan, Tố tụng ,... Nội dung cụ thể như sau:

1. Đi xe đạp không phanh phạt đến 300.000 đồng

Nội dung này được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Cụ thể, theo Nghị định này, sẽ phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe đạp mà không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng.

Ngoài ra, so với quy định cũ được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Nghị định 100 cũng tăng các mức phạt đối với người điều khiển xe đạp khi vi phạm giao thông, đơn cử:

  • Phạt từ 80.000 đến 100.000 đồng nếu không đi về bên phải theo chiều đi của mình, không đi đúng phần đường quy định. (Trước đây chỉ bị phạt 50.000 đến 60.000 đồng)

  • Phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông. (Trước đây chỉ bị phạt 80.000 đến 100.000 đồng)

2. Hệ thống văn bằng giáo dục đại học từ năm 2020

Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo đó, hệ thống văn bằng giáo dục đại học theo Nghị định này bao gồm:

  • Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp trình độ đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6;

  • Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7;

  • Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp trình độ tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8;

  • Văn bằng trình độ tương đương cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo quy định tại Điều 14 Nghị định 99 bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.

Chi tiết xem tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.

3. KSV phải tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp theo đúng quy định

Đây là nội dung được quy định tại Hướng dẫn 01/HD-VKSTC Hướng dẫn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2020.

Cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của KSV tại các phiên tòa, phiên họp, Hướng dẫn 01 đã đưa ra 05 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong năm 2020. Trong đó, đối với nhiệm vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, cần phải thực hiện các giải pháp sau đây:

  • Nghiên cứu kỹ, nắm vững, nắm chắc các quy định của pháp luật;

  • Thực hiện nghiêm việc phân công KSV tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp, khắc phục tình trạng nể nang, ngại va chạm trong thực thi nhiệm vụ;

  • Bảo đảm 100% bản án, quyết định của Tòa án được kiểm sát;

  • Rà soát các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản quá hạn thời hạn xét xử, kiên quyết kiến nghị Tòa án đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn luật định.

Hướng dẫn 01/HD-VKSTC có hiệu lực từ ngày 02/01/2020.

4. Sẽ tăng mức phạt hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị quyết 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Cụ thể, để tăng cường quản lý nhà nước về ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhằm phát triển bền vững xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cụ thể:

  • Sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa;

  • Rà soát văn bản QPPL về xuất xứ hàng hóa theo hướng bổ sung điều chỉnh các quy định cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước;

  • Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Xem nội dung chi tiết tại Nghị quyết 119/NQ-CP có hiệu lực từ 31/12/2019.

796 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;