Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 25/5 - 30/5/2020)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 25/5 - 30/5/2020)
Nguyễn Trinh

Trong tuần vừa qua (từ ngày 25/5/2020 – 30/5/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Bảo hiểm, Lao động, Trẻ em,... Nội dung cụ thể như sau:

1. Thêm nhiều loại giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, ngoài các bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ đã được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì NLĐ còn có thể nộp:

  • Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;

  • Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm;

Xem chi tiết tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/7/2020.

Thêm nhiều loại giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

2. Mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, NSDLĐ hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức sau:

  • Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời được áp dụng đối với NLĐ là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng NSNN;

  • Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với doanh nghiệp bảo đảm điều kiện khi hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chi tiết xem tại Nghị định 58/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/7/2020.

3. Trường hợp ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được ban hành ngày 25/5/2020.

Theo đó, việc ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định như sau:

  • Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách;...;

  • Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp;

  • Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ;….;

Chi tiết xem tại Nghị định 56/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/5/2020.

Trường hợp ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

4. Tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Theo đó, để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp:

  • Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em;

  • Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú;

  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục,…;

  • Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em;

Chi tiết xem tại Chỉ thị 23/CT-TTg được ban hành ngày 26/5/2020.

718 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;