Bộ luật Lao động 2019: Thêm một khoảng thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc

Ngày 01/01/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của Bộ Luật lao động 2019, theo đó sẽ có nhiều quy định mới về trợ cấp thôi việc được bổ sung tại Bộ luật này. Đặc biệt là quy định bổ sung thêm một khoảng thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc.

trợ cấp thôi việc, Bộ luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động 2019: Thêm một khoảng thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ Luật lao động 2012, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:

  • Thời gian người lao động đã làm việc thực tế bao gồm: Thời gian đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo HĐLĐ; thời gian được cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc. (điểm a khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP)

  • Thời gian người lao động đã tham gia BHTN bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp. (điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP)

Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012, có 02 khoảng thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc là thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được chi trả trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, Bộ Luật lao động 2019 sẽ bổ sung thêm 01 khoảng thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc nữa.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 46 Bộ Luật lao động 2019 quy định thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Thực tế, hiện nay, khoảng thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp mất việc làm không dùng để tính trợ cấp thôi việc cũng đã được đề cập tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP. Và đến năm 2021 thì quy định này đã chính thức được luật hóa tại Bộ luật Lao động 2019. 

Bên cạnh đó, Bộ Luật lao động 2019 cũng đã bổ sung 02 trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc, bao gồm:

  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

  • Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ty Na

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
457 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;