Vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự: Những quy định cần biết

Ngoài xe cấp cứu thì trong một số trường hợp nhất định, người bệnh còn được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự. Vậy đối tượng, điều kiện và quy trình vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự được pháp luật quy định ra sao?

Thông tư 127/2020/TT-BQP, Thông tư 193/2016/TT-BQP, vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự

Khi nào được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự? (Ảnh minh họa)

1. Đối tượng được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự:

Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 193/2016/TT-BQP quy định về điều kiện được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự như sau:

Điều 4. Điều kiện được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự

Các đối tượng thuộc khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Quy chế này bị thương, bị bệnh (sau đây gọi tắt là người bệnh) được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự khi có đủ các điều kiện sau:

1. Bị thương, tình trạng cấp cứu, bệnh cấp tính đang có biểu hiện đe dọa tính mạng mà vượt quá khả năng cấp cứu, điều trị của cơ sở quân y, cần chuyển ngay về các bệnh viện tuyến sau theo chỉ định của Cục trưởng Cục Quân y.

2. Có đủ các yếu tố bảo đảm cho chuyến bay và bảo đảm an toàn bay.

Theo đó, 02 đối tượng thuộc khoản 1, khoản 2 Điều 2 là:

- Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ, công nhân, viên chức và lao động hợp đồng thuộc các đơn vị Quân đội làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về phương tiện giao thông.

- Công dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, khi 02 đối tượng này đủ điều kiện tại Điều 4 Thông tư 193/2016/TT-BQP thì sẽ được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự.

2. Nguyên tắc hộ tống cấp cứu:

Trước khi được vận chuyển lên máy báy quân sự, người bệnh phải được sơ cứu, cấp cứu. Để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người bệnh, trong suốt thời gian bay và thời gian vận chuyển người bệnh từ sân bay về bệnh viện tiếp nhận phải tuân thủ số lượng, chất lượng về nhân viên y tế, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ và thuốc, hóa chất cần thiết để tiến hành được các biện pháp hồi sức cấp cứu trên máy bay.

3. Quy trình tổ chức hộ tống cấp cứu:

Quy trình tổ chức hộ tống cấp cứu được quy định tại Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 193/2016/TT-BQP, cụ thể như sau:

- Cơ sở quân y dưới sự chỉ đạo chuyên môn của cơ quan quân y cấp trên, bệnh viện chủ quản qua hệ thống Telemedicine và các phương tiện thông tin tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bệnh tại chỗ.

- Khi nhận thông báo có máy bay, cơ sở quân y có nhiệm vụ tổ chức vận chuyển người bệnh từ nơi đang cấp cứu, điều trị tới bãi hạ cánh và bàn giao cho tổ hộ tống cấp cứu. Nội dung bàn giao gồm: Hồ sơ bệnh án, quá trình cấp cứu điều trị tại đơn vị, các yêu cầu cần thiết về hồi sức cấp cứu trên đường vận chuyển.

- Tổ hộ tống cấp cứu có nhiệm vụ xử trí cấp cứu người bệnh từ khi nhận bàn giao, trong thời gian trên máy bay đến khi bàn giao cho bệnh viện tiếp nhận.

- Bệnh viện tiếp nhận tổ chức xe cứu thương, tiếp nhận người bệnh tại sân bay và vận chuyển cấp cứu về bệnh viện; việc bàn giao giữa tổ hộ tống cấp cứu với bệnh viện tiếp nhận phải được lập biên bản, ghi chép đầy đủ diễn biến bệnh lý và các biện pháp hồi sức cấp cứu đã thực hiện trên máy bay.

4.  Quy trình báo cáo, xử lý thông tin vận chuyển cấp cứu:

Quy trình này được quy định tại Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 193/2016/TT-BQP. Theo đó:

- Khi người bệnh vào cấp cứu tại các cơ sở quân y, có chỉ định vận chuyển cấp cứu người bệnh bằng máy bay quân sự, người phụ trách cơ sở quân y thực hiện như sau:

  • Đối với khu vực Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1: Kịp thời báo cáo tình trạng người bệnh với Giám đốc bệnh viện chủ quản và Chủ nhiệm quân y các cấp lên tới Chủ nhiệm quân y Quân chủng Hải quân;

  • Đối với các đảo gần bờ và vùng sâu, vùng xa: Kịp thời báo cáo tình trạng người bệnh với Chủ nhiệm quân y các cấp lên tới Chủ nhiệm quân y quân khu hoặc Chủ nhiệm quân y Quân chủng Hải quân. Chủ nhiệm quân y Binh đoàn 15, Chủ nhiệm quân y Binh đoàn 16.

- Giám đốc bệnh viện chủ quản, Chủ nhiệm quân y Quân chủng Hải quân, Chủ nhiệm quân y quân khu, Chủ nhiệm quân y Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 báo cáo Cục Quân y tình trạng người bệnh và đề nghị được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự:

+ Nội dung báo cáo gồm: Họ tên người bệnh, tuổi, cấp bậc, chức vụ hoặc nghề nghiệp; tình trạng bệnh lý và quá trình sơ cứu, cấp cứu, tiên lượng bệnh; các yêu cầu cần thiết về hồi sức cấp cứu trên đường vận chuyển; trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ y tế, thuốc, hóa chất, tổ hộ tống cấp cứu trên máy bay;

+ Hình thức báo cáo bằng điện thoại, sau đó bằng văn bản.

- Tổ chức bay:

  • Khi đón người bệnh và tổ hộ tống cấp cứu, tổ bay hướng dẫn vị trí cho người, vị trí triển khai các trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết và các yêu cầu bắt buộc phải tuân theo để bảo đảm an toàn trong chuyến bay;

  • Trường hợp có bất trắc xảy ra do gặp thời tiết xấu đột ngột hoặc các sự cố, tổ bay chịu trách nhiệm xử lý và báo cáo về Sở chỉ huy để được trợ giúp;

  • Sau khi tắt máy, cánh quạt máy bay dừng hẳn mới mở cửa và chuyển giao người bệnh; kết thúc chuyến bay cấp cứu các đơn vị không quân tổng hợp báo cáo cấp trên.

- Báo cáo sau khi tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị:

  • Bệnh viện Quân y tiếp nhận bệnh nhân kịp thời báo cáo kết quả tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị về Cục Quân y;

  • Cục Quân y tổng hợp tình hình báo cáo Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ - Cứu nạn) và Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần.

Trong quy trình này, có một quy định đã được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 127/2020/TT-BQP. Theo Quy chế của Thông tư 193/2016/TT-BQP thì chỉ khi cánh quạt máy bay dừng hẳn mới được mở cửa và chuyển giao người bệnh, nhưng Thông tư 127/2020/TT-BQP đã cho phép được chuyển giao người bệnh mà không cần tắt máy từ ngày 05/12/2020:

Sau khi hạ cánh, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ trưởng chuyến bay quyết định việc tắt máy hoặc giữ động cơ ở chế độ hoạt động (ga nhỏ) để chuyển giao bệnh nhân. Trong quá trình chuyển giao bệnh nhân, phải có ít nhất một thành viên trong tổ bay xuống hướng dẫn và kiểm soát việc tiếp cận máy bay. Kết thúc chuyến bay cấp cứu, các đơn vị Không quân tổng hợp báo cáo cấp trên.

Sự thay đổi này là cần thiết vì người bệnh trong tình trạng nguy cấp không thể đợi cho đến khi máy bay tắt hẳn. Do đó sau 03 năm thực hiện, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 127/2020/TT-BQP để sửa đổi những bất cập của Thông tư 193/2016/TT-BQP trước đó.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT về việc vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự. Hy vọng những thông tin này có thể giúp Quý khách hàng và Thành viên hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về việc sử dụng máy bay quân sự để vận chuyển người bệnh ở vùng biển, đảo, vùng sâu vùng xa khi cần cấp cứu.

Phương Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
583 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;