Một số điểm mới của Luật Căn cước công dân 2014

Ngày 20/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân. Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 và quy định các vấn đề chính sau đây: căn cước công dân; cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư  và cơ sở dữ liệu căn cước công dân:

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các yêu cầu; các thông tin được thu thập, cập nhật khi xây dựng các cơ sở dữ liệu trên; các quy định về quản lý, sử dụng, khai thác, cung cấp, trao đổi và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan được quy định cụ thể tại mục 1, mục 2 chương II của Luật.

Về nội dung được thể hiện trên thẻ căn cước công dân:

Thẻ căn cước công dân sẽ có hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm.

Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CCCD”; ảnh, số thẻ CCCD, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.

Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Về giá trị của thẻ căn cước công dân:

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ Căn cước công dân cũng được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Về đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và số thẻ căn cước công dân:

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân và số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân. Thẻ căn cước công dân phải được đổi ba lần, khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Các trường hợp cấp, đổi, cấp lại; trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân được quy định tại mục 2 chương III của Luật.

Về lệ phí cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân:

Người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước không phải nộp lệ phí. Nhà nước cũng không thu tiền trường hợp đổi thẻ đối với người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Công dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước sẽ phải trả tiền, cụ thể là lệ phí đổi thẻ căn cước là 50.000 đồng/thẻ, cấp lại là 70.000 đồng/thẻ. Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định. Những trường hợp là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo và công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng sẽ thuộc những trường hợp được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Ngoài ra, Luật cũng quy định trường hợp chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Để việc cấp thẻ căn cước công dân được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, Bộ Công An đã ban hành Thông tư số 61/2015/TT-BCA ngày 16/11/2015 quy định về mẫu Thẻ Căn cước công dân; Thông tư  số 170/2015/TT-BTC ngày 09/11/2015 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí thẻ căn cước công dân để hướng dẫn thi hành Luật Căn cước công dân.

Sau khi hoàn thiện dần hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân sẽ được gắn chip để trở thành thẻ công dân điện tử, giúp người dân loại bỏ khá nhiều loại giấy tờ tùy thân khi tham gia các giao dịch trong đời sống hàng ngày.

Đến nay, đã có các văn bản sau hướng dẫn Luật CCCD 2014:

- Thông tư 61/2015/TT-BCA quy định về mẫu Thẻ CCCD.

- Thông tư 170/2015/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí thẻ CCCD.

Nguồn: tinhdoan.quangngai.gov.vn

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
433 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;