Một số điểm mới của Luật giao thông đường bộ 2008

Từ 1/7 Luật giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực. So với Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội phê duyệt ngày 29/6/2001, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có rất nhiều điểm mới.

Kiểm soát chặt hơn đối với người uống bia, rượu tham gia giao thông

Nếu như Luật Giao thông đường bộ năm 2001 chỉ quy định chung là nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 40mg/l khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có những quy định cụ thể hơn.

Đó là có sự phân loại đối với từng đối tượng sử dụng xe, cụ thể: cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn; cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở. Riêng đối với ma túy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ ràng là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy.

Điều này phải hiểu là người điều khiển phương tiện có thể không sử dụng ma túy trong khi tham gia giao thông nhưng trong người có chất ma túy cũng bị phạt. Về điểm này, Luật Giao thông đường bộ năm 2001 trước đây quy định chưa rõ ràng cấm người lái xe sử dụng chất ma túy. 

Phải mang 4 loại giấy tờ khi tham gia giao thông

Nếu như Luật Giao thông đường bộ năm 2001 chỉ quy định người tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định tới 4 loại giấy tờ mà người tham gia giao thông cần mang theo. Đó là: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Tăng quyền cho thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông

Đã có một thời thanh tra giao thông “than trời” về việc không có quyền dừng xe nên rất khó xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong quyền hạn của mình thì nay Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã trao quyền ấy cho thanh tra giao thông. Điều 86 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: trong trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, thanh tra giao thông được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Với cảnh sát giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường bộ mới năm 2008 giao thêm trách nhiệm: phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.

Ngoài ra, Quốc hội cũng giao quyền cho Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.

Đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật

Một trong những yêu cầu đối với công trình giao thông đường bộ xây dựng mới được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là phải đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật. Đường bộ đô thị phải có hè phố, cầu vượt, hầm chui và các giải pháp tổ chức giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật đi lại an toàn, thuận lợi. Mọi người phải có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Riêng người khuyết tật nếu điều khiển xe mô tô 3 bánh dùng cho người khuyết tật thì được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

Quỹ đất cho giao thông phải đạt 16%-26%

Điều 42 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định một điều rất mới so với luật cũ: quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác lập tại quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. UBND cấp tỉnh xác định và quản lý quỹ đất này. Tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải đảm bảo từ 16-26% tùy loại đô thị. Quỹ đất cụ thể cho từng loại đô thị sẽ do Chính phủ quy định. 

Chất lượng mũ bảo hiểm trẻ em còn bỏ ngỏ

Cùng với việc Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực, thì từ ngày 1/7 tới, trẻ em từ 6 tuổi trở lên cũng phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy. Điều này khiến cho thị trường mũ bảo hiểm trẻ em trong những ngày này trở nên nhộn nhịp.

Các chuyên gia kiến nghị, để tránh tình trạng bát nháo thị trường mũ bảo hiểm như hiện nay, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra, xử phạt nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng. Đặc biệt, nên công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đạt chuẩn giúp cho người tiêu dùng mua được những sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Luật mới nhưng xử phạt theo nghị định cũ

Trước những thông tin về việc phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy sẽ thực hiện từ ngày 1/7, bà Trịnh Minh Hiền - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông-Vận tải) cho biết, phải đợi Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế nghị định 146 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay) có quy định xử phạt hay không rồi mới áp dụng.

Theo bà Hiền, Luật Giao thông đường bộ không quy định cụ thể bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm mà chỉ quy định người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm. Vì vậy, trong quá trình lấy ý kiến về xây dựng nghị định mới, phần lớn ủng hộ quy định trẻ em từ 6-14 tuổi ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm sẽ xử phạt (từ 100.000-200.000 đồng) đối với người chở.

Dự kiến, Bộ Giao thông-Vân tải sẽ trình dự thảo nghị định lên Chính phủ trong tháng 7 này sau khi có sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Khi nào Chính phủ thông qua thì căn cứ điều, khoản của nghị định để xử phạt.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết, từ ngày 1/7, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiến hành ra quân xử phạt các hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ sửa đổi. Tuy nhiên, do nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được ban hành nên lực lượng cảnh sát giao thông vẫn phải căn cứ vào nghị định hiện hành để xử phạt.

Khi phát hiện những lỗi vi phạm mới được điều chỉnh bởi Luật giao thông đường bộ sửa đổi (chưa có mức chế tài) thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tuyên truyền, nhắc nhở để mọi người có ý thức chấp hành. Đối với những hành vi khác sẽ căn cứ vào nghị định 146 để xử phạt.

Nguồn: vov.vn

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
961 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;