Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, thay thế Nghị định 61/2009/NĐ-CP và chính thức có hiệu lực thi hành từ 24/02/2020.

vi bang khong thay the ban cong chung chung thuc

Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Nghị định 08, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

Theo đó, vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực hay các văn bản hành chính khác. (Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định 08, Nghị định 61/2009/NĐ-CP trước đây không quy định về vấn đề này)

Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

Như vậy, theo quy định này, vi bằng có thể được sử dụng làm nguồn chứng cứ để Tòa án giải quyết vụ việc dân sự và hành chính, tuy nhiên, nó không thể thay thế văn bản công chứng, chứng thực hay các văn bản hành chính khác.

Cũng theo Nghị định này, khi yêu cầu lập vi bằng, người yêu cầu phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu gồm: Nội dung vi bằng cần lập; Địa điểm, thời gian lập vi bằng; Chi phí lập vi bằng và Các thỏa thuận khác (nếu có). Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Vi bằng được lập bằng văn bản tiếng Việt và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng;

- Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

- Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng;

- Họ, tên người tham gia khác (nếu có);

- Nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;

- Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;

- Chữ ký của Thừa phát lại, dấu Văn phòng Thừa phát lại, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng (nếu họ có yêu cầu).

Trong đó, vi bằng có từ 02 trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự; vi bằng có từ 02 tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ; số lượng bản chính của mỗi vi bằng do các bên tự thỏa thuận.

Xem thêm: Thừa phát lại chính thức được lập vi bằng trong phạm vi toàn quốc

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1137 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;