Ðưa Pháp lệnh Cảnh sát môi trường vào công tác, chiến đấu trong lực lượng

Ngày 23-12-2014, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; ngày 5-1-2015, Chủ tịch nước ký Lệnh số 01/2015/L-CTN công bố Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. Theo đó, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 5-6-2015.

Pháp lệnh Cảnh sát môi trường được ban hành đã khắc phục những hạn chế, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật trước đây quy định về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường cũng như quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, các điều kiện bảo đảm hoạt động của Cảnh sát môi trường và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và vị trí, chức năng của Cảnh sát môi trường, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường quy định năm chương, 19 điều, trong đó, quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Cảnh sát môi trường, như: Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường; áp dụng các biện pháp công tác công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Cảnh sát môi trường tiến hành điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật; tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật...

Pháp lệnh Cảnh sát môi trường quy định có tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát môi trường, theo đó, Cảnh sát môi trường được bố trí ở ba cấp: Cục thuộc Bộ Công an; Phòng thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ðội thuộc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; quy định cụ thể về trang bị, kinh phí, chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, giúp đỡ Cảnh sát môi trường trong thực hiện nhiệm vụ...

Ðể việc triển khai thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường bảo đảm đúng quy định, đi vào cuộc sống và thực tiễn công tác, lực lượng Cảnh sát môi trường cần tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, cụ thể: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Thông tư của Bộ trưởng Công an hướng dẫn thi hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Hai là, tổ chức phổ biến, tập huấn chuyên sâu Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, nhất là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.

Ba là, phối hợp với cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, Tạp chí Công an nhân dân và trang thông tin điện tử của Công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Phối hợp với các trường Công an nhân dân nghiên cứu, đưa nội dung Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vào chương trình giảng dạy, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương và học sinh, sinh viên.

Bốn là, kiện toàn tổ chức và bảo đảm các điều kiện để triển khai thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. Nghiên cứu xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tham mưu với lãnh đạo Bộ kiện toàn tổ chức lực lượng Cảnh sát môi trường theo quy định của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức cho Cảnh sát môi trường.

Năm là, xây dựng Ðề án "Nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát môi trường, giai đoạn 2015-2021", theo hướng ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trung tâm kiểm định - giám định, trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN XUÂN LÝ 
Cục trưởng Cảnh sát môi trường (Bộ Công an)

Nguồn: Báo Điện tử Nhân dân

 
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
384 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;