Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi con mất sau sinh

Chế độ thai sản cho người lao động nữ là một chính sách thể hiện rõ sự nhân văn của một chế độ vì con người. Trong đó, người lao động nữ sau khi sinh nhưng chẳng may con bị mất vì một lý do nào đó như bệnh tật, chết yểu,… cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi con mất sau sinh (Ảnh minh họa)

1. Đối tượng được hưởng chế độ thai sản khi con mất

(1) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

(2) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

(3) Cán bộ, công chức, viên chức;

(4) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

(5) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

(6) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Như vậy, những đối tượng được quy định tại Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Luật BHXH 2014) nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng chế độ thai sản khi con mất.

2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi con mất

Theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH 2014, để được hưởng chế độ con mất sau sinh thì người lao động nữ phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

(1) Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

(2) Đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp người lao động đã thôi việc trước khi sinh, nhưng đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con cũng được hưởng chế độ thai sản. Như vậy, lao động nữ chỉ cần đóng đủ 06 tháng BHXH trong 12 tháng trước khi sinh thì sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp lao động nữ mới sinh con nhưng không may con bị chết yểu thì người lao động nữ này cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản con mất sau khi sinh. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 34 Luật BHXH 2014 và Điểm b Khoản 1 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Thời gian nghỉ: Trường hợp con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì người mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; Trường hợp con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì người mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá 06 tháng nếu sinh một con, nếu sinh đôi thì không nghỉ quá 07 tháng, nếu sinh ba thì không nghỉ quá 08 tháng,…

Ví dụ: Chị A sinh em bé sau 10 ngày (con dưới 02 tháng tuổi) mà em bé mất thì chị A chỉ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con thôi chứ không được nghỉ theo chế độ 06 tháng. Trường hợp nếu chị A đã xin nghỉ trước thời gian đó thì vẫn không tính vào thời gian 04 tháng này.

Đồng thời, lao động nữ khi hết thời gian hưởng chế độ thai sản nói trên, trong khoảng 30 ngày đầu làm việc nếu sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày, điều này được quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật BHXH 2014 và Điều 13 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

Mức hưởng: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Ví dụ: Mức bình quân lương 06 tháng của chị X là trước khi nghỉ thai sản là 6.000.000 đồng thì tiền chị X nhận được là 6.000.000 x 4 = 24.000.000 đồng.

Ngoài ra, người lao động nữ còn được hưởng trợ cấp một lần sau sinh (mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con), các mức hưởng này được quy định tại Điều 38 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật BHXH 2014. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Quốc hội quyết định chưa tăng lương cơ sở, vì vậy theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 09/05/2019 thì mức lương cơ sở ở thời điểm hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng. Theo đó, số tiền lao động nữ được hưởng là 1.490.000 x 2 = 2.980.000 đồng.

Như vậy, có thể thấy đối với trường hợp người lao động nữ sinh con nhưng con mất sau khi sinh sẽ được hưởng chế độ nghỉ thai sản khác với chế độ thai sản của lao động nữ sinh con bình thường. Thay vì nghỉ 06 tháng thì lao động nữ trong trường hợp này căn cứ vào số tháng tuổi con mất mà người mẹ được nghỉ việc 02 tháng hay 04 tháng tính từ ngày sinh con (thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng).

Thúy Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1609 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;