VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
523/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 11
năm 2017
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 15 NĂM THỰC HIỆN TÍN DỤNG CHÍNH
SÁCH XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2002 -2017
Ngày 16 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm thực
hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017. Tham dự Hội nghị tại
điểm cầu Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Vũ
Đức Đam và đại diện lãnh đạo: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban
Dân vận Trung ương, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp
Trung ương; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách
của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; các
Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng,
Công an, Nội vụ, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh
tra Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân
Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám
đốc, Ban chuyên gia tư vấn Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tham dự Hội nghị tại các Điểm cầu
tỉnh, thành phố có lãnh đạo các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn đại biểu quốc hội, Đảng ủy khối cơ quan, Đảng ủy khối doanh
nghiệp; Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, Trưởng
Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Chính
sách xã hội cấp tỉnh và các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Sau khi nghe Báo cáo Tổng kết 15 năm
thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017 và các ý kiến tham
luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. Đánh giá kết quả 15 năm
thực hiện tín dụng chính sách xã hội
1. Giảm nghèo bền vững là chủ trương
lớn của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất xã hội chủ nghĩa của
Đảng và Nhà nước ta. Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư cải thiện đời sống của người nghèo, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho
người nghèo và các đối tượng chính sách là đặc biệt quan trọng và được tích cực
triển khai.
Trải qua 15 năm thực hiện, được sự
quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và
đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát
triển lớn mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tạo bước đột phá
trong công tác giảm nghèo. Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ
nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ
Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 433.245 tỷ đồng; góp phần
quan trọng vào việc giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo
việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, xây dựng trên 9,9
triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn
nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà
cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh
bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách
được vay vốn đi xuất khẩu lao động; trên 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có
hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập,...
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng
chính sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và
toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa, trở thành kênh quan trọng và là kinh nghiệm quý báu trong triển khai
chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn trong 15 năm
qua.
2. Mặc dù tình hình kinh tế của đất
nước còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương
luôn ưu tiên dành nguồn lực để tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội, cơ
bản đáp ứng tương đối đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối
tượng chính sách.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập
trung khai thác tốt các nguồn vốn từ thị trường được Nhà nước
cấp bù lãi suất, vốn Nhà nước cấp để thực hiện các chương trình tín dụng chính
sách, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, vốn ủy thác
của các tổ chức, địa phương; đã chủ động thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ
người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp
cận với dịch vụ ngân hàng.
Hoạt động tín dụng ngày càng hiệu
quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên. Nợ quá hạn thấp, tỷ lệ nợ
quá hạn chỉ 0,81% thể hiện ý thức, trách nhiệm trả nợ của người vay và chất
lượng hoạt động, phẩm chất cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhiều chương trình có ý nghĩa quan
trọng đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững đã được ban
hành, thủ tục vay vốn được đơn giản hóa, tạo điều kiện
thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
3. Nhân tố quan trọng quyết định sự
thành công của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua là luôn nhận được
sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, các cấp, các ngành. Ban Bí
thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày
22 tháng 11 năm 2014 chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín
dụng chính sách xã hội. Các Bộ, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải
quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Nhiều địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính
sách xã hội; đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong việc thực thi, giám sát hoạt
động tín dụng chính sách xã hội.
4. Mô hình tổ chức thực hiện tín dụng
chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc
của hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tham gia quản trị Ngân hàng
Chính sách xã hội, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị-xã
hội đã gắn kết các công việc chuyên môn của ngành, của địa phương với việc thực
hiện các chương trình tín dụng chính sách, tham gia hoạch định các cơ chế,
chính sách, thực hiện gắn kết trực tiếp, toàn diện hoạt động tín dụng đối với
người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng
quyết định hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Thông qua hoạt động tín dụng chính
sách xã hội, tham gia hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội vai trò, uy tín
của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên ngày càng
được nâng lên, gắn bó mật thiết với quần chúng, đoàn viên,
hội viên. Mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được xây dựng
rộng khắp và phát huy hiệu quả tích cực với 10.974 điểm giao dịch tại trụ sở Ủy
ban nhân dân cấp xã, 187.151 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại các thôn, bản, tạo nên
hệ thống giao dịch thân thiện, gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư.
5. Ngân hàng Chính sách xã hội đã
thực hiện hiệu quả phương thức quản lý tín
dụng chính sách xã hội thông qua việc phân công trách nhiệm của chính quyền cơ
sở trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách;
thực hiện dân chủ, công khai hoạt động tín dụng chính sách trong cộng đồng dân
cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội
vừa làm ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách.
6. Thông qua hoạt động tín dụng chính
sách xã hội đã khắc phục các hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo
chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo để vươn lên thoát nghèo và làm
giàu chính đáng, góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã
hội, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ
tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao Hội đồng quản trị,
Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và toàn thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng
Chính sách xã hội về sự nỗ lực phấn đấu, làm việc và những kết quả đạt được
trong suốt 15 năm qua, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo
hướng đến phát triển bền vững của đất nước.
II. Định hướng phát
triển tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới
1. Ngân hàng Chính sách xã hội cần
tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên
thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh
xã hội và xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm,
dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản
phẩm, dịch vụ nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính
sách trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đội ngũ cán bộ
làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người vay vốn.
2. Các Bộ, ngành, địa phương tích
cực, chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của
Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính
sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; kịp thời chủ động xem xét,
giải quyết các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả
hoạt động, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển ổn định và
bền vững.
3. Các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu,
đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của
tín dụng chính sách xã hội:
a) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ
được giao có các giải pháp tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội
để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng
chính sách: bố trí cấp đủ vốn điều lệ theo quy định, vốn đầu tư trung hạn, vốn
ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội,
vốn vay dài hạn, lãi suất thấp, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh... để
đảm bảo nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.
b) Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính
sách xã hội thường xuyên nghiên cứu kiến nghị từ các địa phương và tình hình
thực tế để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh
chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay...đảm bảo phù hợp với thực tế, khả
năng của ngân sách Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người
nghèo và các đối tượng chính sách khác.
4. Để thực hiện
tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đề nghị các tổ
chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, hội, hiệp hội, tổ chức
phi chính phủ trong và ngoài nước ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện không
hoàn lại thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để chung tay tạo lập nguồn vốn
cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh
doanh, tạo lập đời sống.
5. Các cấp ủy, chính quyền địa phương
các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính
sách xã hội trong việc thực hiện mục
tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm
an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững, trong đó tập trung vào một số
nội dung sau:
a) Tiếp tục quan tâm bố trí vốn ủy
thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng
chính sách khác trên địa bàn, đặc biệt là những địa phương chưa bố trí vốn ủy
thác tương xứng với tiềm năng kinh tế của địa phương;
b) Tích cực hỗ trợ về cơ sở vật chất,
địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động
của Ngân hàng Chính sách xã hội;
c) Thường xuyên rà soát, thống kê,
xác nhận đúng các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng tín dụng chính sách, tạo
điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay
vốn kịp thời;
d) Chỉ đạo thực hiện tốt công tác
khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm;
định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi giúp người nghèo và các đối tượng chính
sách sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
6. Các tổ chức chính trị - xã hội
thực hiện tốt hơn nữa những công việc đã được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy
thác, bảo đảm việc cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng; giúp người nghèo và
các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có
hiệu quả, cải thiện được đời sống và có nguồn trả nợ.
7. Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính
sách xã hội nghiên cứu; có giải pháp tín dụng chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp,
nhất là đối với phụ nữ và thanh niên ở khu vực nông thôn, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng
khoa học, công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập
cho người dân.
8. Ngân hàng Chính sách xã hội phát
huy những thành công, kinh nghiệm đã đạt được, tiếp tục đồng hành, nắm bắt kịp
thời tâm tư nguyện vọng của người dân; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng
hoạt động tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, thu nợ,
bảo đảm giảm thiểu rủi ro; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho
cán bộ, phát huy tốt vai trò nhận ủy thác của các tổ chức chính trị-xã hội.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
cơ quan và tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ: KHĐT, TC,
LĐ-TB&XH, NN&PTNT, XD, GD&ĐT, QP, CA, NV, TP;
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Thanh tra CP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Thi đua khen thưởng Trung ương;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Đài Truyền hình VN;
- Đài Tiếng nói VN;
- Thông tấn xã VN:
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH,
TKBT, KGVX, QHĐP, NN;
- Lưu: Văn thư, KTTH (2b). MCường
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|